Cội nguồn của thành công

Cập nhật: 18-05-2021 | 08:18:50

Nhân dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa có bài viết quan trọng với tiêu đề “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ khẳng định con đường tất yếu đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, mà còn chỉ ra cội nguồn của thành công chính là sức mạnh nhân dân. Đây là tư tưởng nhất quán của các thế hệ lãnh đạo, góp phần làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Trong một lần nói chuyện với cán bộ, đảng viên tỉnh Bình Dương, giáo sư Hoàng Chí Bảo đã phân tích: “Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh có thể nói chữ “dân” có giá trị rất thiêng liêng. Đời Bác chỉ xoay quanh chữ “dân” và chữ “nước”. Vì sao Bác lấy tên là Nguyễn Ái Quốc. Ái Quốc nghĩa là yêu nước, mà yêu nước là phải yêu dân. Đấy chính là triết lý sâu xa mà Bác đã truyền lại cho chúng ta”.

Thương dân, chăm lo cho dân, mong muốn đem lại cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc cho dân, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đánh giá rất cao sức mạnh nhân dân. Sinh thời, Người từng nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Nhờ biết dựa vào dân, vận dụng tài tình sức mạnh nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong mọi hoàn cảnh mà cách mạng Việt Nam đã đi hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Nhờ biết phát huy sức mạnh của dân mà chúng ta đã làm nên một chiến thắng Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Nhờ được dân tin yêu, che chở mà cán bộ, chiến sĩ kháng chiến đã vượt qua sự truy lùng gắt gao của kẻ địch để góp phần làm nên đại thắng mùa xuân lịch sử, gom non sông về một mối, Bắc - Nam sum họp một nhà.

Trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay, chữ “dân” trong tư tưởng Hồ Chí Minh càng quan trọng và được lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ phát huy. Trong hầu hết các phong trào xây dựng đất nước, sức dân được huy động theo hướng “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Đối với các phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, “dân là tai, dân là mắt”. Thấm nhuần tư tưởng của Người, lãnh đạo các ban ngành, địa phương Bình Dương luôn “gần dân, sát dân, lắng nghe tiếng nói của nhân dân” để xây dựng Bình Dương ngày càng phát triển. Thực tế cũng đã chứng minh, nhờ biết dựa vào dân mà chương trình xây dựng nông thôn mới ở Bình Dương đã về đích trước thời hạn; nhờ huy động được sức dân mà đường làng, ngõ xóm ở Bình Dương ngày càng sạch đẹp, bộ mặt đô thị ngày càng khang trang…

Tổ quốc lâm nguy dân đứng lên. Đất nước có thiên tai, dịch họa dân vào cuộc. Nói về chữ “dân” thiêng liêng trong tư tưởng Hồ Chí Minh bên cạnh tưởng nhớ về một tấm gương vĩ đại của dân tộc, còn để nhắc nhở chúng ta hãy luôn biết dựa vào dân vì dân chính là cội nguồn sức mạnh làm nên mọi thành công.

LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên