Con biết nghe ai?

Cập nhật: 20-05-2015 | 10:34:32

Tí vừa ăn tối xong thì nhận được… lệnh: “Con lên học bài ngay cho mẹ”. Nhưng khi vừa ngồi xuống bàn học thì ba… lệnh: “Tí mày vừa ăn xong mà đã học liền vậy là sao. Đứng dậy chạy nhảy chút cho xuống cơm đi đã”.

Những tình huống tương tự như trên có thể không lạ lắm với nhiều người. Vấn đề là đôi lúc chúng ta không nhận thấy tác động của nó đến trẻ. Các nhà tâm lý lưu ý, khi cùng một thời điểm nhận được nhiều yêu cầu/đòi hỏi khác nhau, trẻ sẽ bối rối, bởi dường như làm điều nào cũng có nguy cơ gây phật ý cho ba hoặc mẹ.

Chúng ta từng nghe “mẹ là thiên thần, ba là ác quỷ”, hoặc ngược lại “ba là người cởi mở thoải mái, mẹ là người khắt khe và cáu gắt”. Có một lý do hết sức hợp lý để biện minh cho tình huống này: “Phải làm như vậy để giáo dục con được tốt, chứ ai cũng hiền lành thì con sẽ không sợ, nhưng ai cũng dữ dằn thì tội nghiệp con”. Như đã đề cập, trẻ có thể sẽ cảm thấy rất khó khăn khi tiếp nhận và xử lý những thông điệp trái chiều từ cha và mẹ. Điều này sẽ tạo ra nhiều nguy cơ cho việc hình thành tính cách của con.

Thực tế, có nhiều trẻ “lợi dụng” sự mâu thuẫn trong các thông điệp giữa cha và mẹ để có thể đạt được những mong muốn vô lý của chúng, cũng như tránh né việc tuân thủ kỷ luật trong cuộc sống. Ngoài ra, sự mâu thuẫn này cũng khiến đứa trẻ cảm thấy bất an và phiền toái, “chẳng biết đâu mà lần”.

Có khá nhiều nguyên do dẫn đến sự mâu thuẫn giữa cha mẹ trong việc giáo dục con cái. Một số nguyên nhân xuất phát từ đặc trưng tính cách của con và khả năng thích ứng của cha mẹ. Chẳng hạn: mẹ không thích ứng khi trẻ lúc nào cũng ồn ào, ngược lại, cha ủng hộ mọi hành vi “gây rối” của con; hoặc khi mong đợi của cha và mẹ về con có sự khác biệt lớn.

Một số nguyên do khác xuất phát từ bản thân cha mẹ, ví dụ: cha hoặc mẹ thường xuyên căng thẳng trong công việc; khi cha và mẹ có những rạn nứt trong mối quan hệ hôn nhân… Điều quan trọng là cha mẹ cần nhận diện nguyên nhân dẫn đến những mâu thuẫn trong việc giáo dục con.

Về phương diện khoa học tâm lý, TS Snyder (Mỹ) đề xuất một bộ tiêu chuẩn để đánh giá mức độ hài lòng trong đời sống hôn nhân, trong đó có tiêu chí “mức độ mâu thuẫn trong việc dưỡng dục con cái”. Theo đó, những mâu thuẫn và sự không hài lòng trong đời sống hôn nhân là nguy cơ lớn ảnh hưởng đến hành vi cũng như cảm xúc của con.

Mâu thuẫn trong việc giáo dục con cái tương tự như nhiều mâu thuẫn khác, cho thấy sự bất mãn, không hài lòng về nhau, từ mức độ nhẹ như lườm nguýt hoặc chỉ trích, phán xét, nhưng cũng có thể đẩy lên mức độ nặng như cãi vã, tức giận… Điều cần lưu tâm, mâu thuẫn của cha mẹ càng tăng, nguy cơ tác động tiêu cực đến con càng lớn.

Giáo dục con cái là hoạt động diễn ra liên tục và đây không phải là một nhiệm vụ đơn giản, nhất là khi con bắt đầu bước vào giai đoạn “tách rời” khỏi gia đình, quan tâm đến nhiều vấn đề khác trong cuộc sống, thể hiện sự tự lập. Dưới đây là một số gợi ý nhằm giúp giảm thiểu những mâu thuẫn trong việc giáo dục con: 

1. Thay vì tranh cãi trước mặt con, cha mẹ có thể gặp riêng để tìm ra vấn đề và giải quyết mâu thuẫn đó. Xác định rõ ràng, mâu thuẫn là từ hai người lớn (cha và mẹ) chứ không phải do con.

2. Ghi nhớ rằng, giúp con khỏe mạnh và hạnh phúc là mục tiêu cao cả. Giáo dục con không liên quan đến chuyện chứng tỏ mình có quyền với con hoặc để chứng tỏ mình giỏi hơn vợ/chồng.

3. Trong hầu hết các trường hợp, mâu thuẫn giữa cha mẹ đều có tác động tiêu cực đối với sự phát triển và trưởng thành của con.

4. Lắng nghe, hiểu, bộc lộ cảm xúc, và cùng tìm giải pháp tích cực từ nhau. Đôi lúc mâu thuẫn xuất hiện như một triệu chứng của những ức chế được kiềm nén. Vậy nên, điều cần thiết là nói với nhau về những cảm xúc của bản thân và cùng tìm giải pháp.

5. Xây dựng mối quan hệ hôn nhân chắc chắn, đó là cách tốt nhất để con học được những điều tích cực và phát triển nhân cách.

6. Nói cho con biết việc cha mẹ xảy ra mâu thuẫn không phải do con (chẳng hạn con bị điểm kém…) mà là chưa thống nhất, hoặc là do cha mẹ bị mất bình tĩnh. Thậm chí có thể xin lỗi con ngay khi có mâu thuẫn xảy ra và cho con biết, cha mẹ sẽ cùng bàn bạc để thông cảm với nhau hơn.

Theo PNO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên