Biến đổi khí hậu và nước biển dâng là vấn đề đang thách thức, ảnh hưởng lớn đến toàn cầu trong đó có nước ta. Chính vì vậy, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 có một chương quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu để đáp ứng các yêu cầu cấp thiết về ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay, thể chế hóa một số nghị quyết của Đảng về nội dung này. Bên cạnh đó, bảo vệ môi trường biển và hải đảo cũng là một nội dung mới khá quan trọng. Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 có một chương quy định về bảo vệ môi trường biển và hải đảo nhằm bảo đảm tính thống nhất và toàn diện của Luật Bảo vệ môi trường. Chương này chỉ quy định những nội dung cơ bản, có tính nguyên tắc, không có sự trùng lặp với những nội dung dự kiến được xây dựng trong Luật Bảo vệ tài nguyên và môi trường biển do Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng.
Ngoài ra, luật bổ sung các quy định về: tăng trưởng xanh, cơ sở, sản phẩm thân thiện với môi trường nhằm hướng tới sự phát triển bền vững; bổ sung các quy định về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm; kiểm soát chất độc dioxin có nguồn gốc diệt cỏ do Mỹ sử dụng trong chiến tranh; kiểm soát việc sản xuất, nhập khẩu và sử dụng hóa chất nói chung và đặc biệt là thuốc bảo vệ thực vật, thú y; bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn; giao Chính phủ quy định cụ thể đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng; tái sử dụng chất thải; thời hiệu khởi kiện về môi trường…
Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường 2014 đã quy định về quyền hạn và nghĩa vụ của các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp và cộng đồng dân cư: Nghĩa vụ và quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp và cộng đồng dân cư đã được quy định tại một chương riêng. Đồng thời, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong việc bảo đảm quyền của các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp và cộng đồng dân cư.
HOÀNG ÁI