Công đoàn Bình Dương: Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ

Cập nhật: 25-09-2018 | 07:50:27

“Xây dựng quan hệ lao động (QHLĐ) hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp (DN)” là một trong những nội dung quan trọng sẽ được thảo luận sâu tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII. Ở Bình Dương, thời gian qua, việc xây dựng QHLĐ hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các DN luôn được các cấp công đoàn chú trọng.

 NLĐ nêu ý kiến, kiến nghị với Ban Giám đốc tại buổi đối thoại định kỳ ở Công ty TNHH Giày Thông Dụng. Ảnh: T.THẢO

 Bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, cho biết thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW, chỉ đạo của Tỉnh ủy và Tổng LĐLĐ Việt Nam về xây dựng mối QHLĐ hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các DN, các cấp công đoàn trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể nhằm tăng cường thông tin, sự hợp tác giữa các bên liên quan trong QHLĐ; chỉ đạo việc thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT), thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) tại nơi làm việc, tư vấn pháp luật và tham gia giải quyết tranh chấp lao động… nhằm ổn định tình hình QHLĐ.

Công đoàn các cấp đã chủ động tham gia, phối hợp với chính quyền, ngành chuyên môn đồng cấp từng bước nâng cao chất lượng hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, hội nghị người lao động (NLĐ) và đối thoại tại nơi làm việc. Hàng năm, có 100% đơn vị khối hành chính sự nghiệp và DN Nhà nước tổ chức hội nghị cán bộ công chức, hội nghị NLĐ. Số DN tổ chức hội nghị NLĐ tăng hàng năm. Nếu năm 2013, có 208 DN thì đến năm 2017 đã có 715 DN tổ chức hội nghị NLĐ; đồng thời tổ chức trên 10.200 cuộc đối thoại giữa người sử dụng lao động với NLĐ nơi làm việc. Thông qua đối thoại, nhiều vấn đề vướng mắc, bức xúc của NLĐ được giải quyết kịp thời; nhiều khó khăn của người sử dụng lao động được NLĐ chia sẻ. Bên cạnh đó, nhiều hình thức dân chủ ở cơ sở được các đơn vị, DN tổ chức thực hiện như họp chuyên môn, công đoàn định kỳ, hộp thư góp ý, thông báo trên loa phát thanh, bản tin, tờtin nội bộ... Thông qua việc thực hiện QCDC ở cơ sở, công nhân, viên chức, NLĐ đã trực tiếp tham gia bàn bạc, quyết định những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của NLĐ, việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, việc làm, đời sống, điều kiện và môi trường tại nơi làm việc...; góp phần quan trọng trong việc xây dựng QHLĐ, tăng năng suất, hiệu quả công việc tại các cơ quan, đơn vị, DN; vai trò của công đoàn trong xây dựng QHLĐ và tình hình QHLĐ được cải thiện rõ nét.

Ngoài ra, công đoàn các cấp còn phối hợp với chính quyền cùng cấp tổ chức gặp gỡ, tọa đàm giữa lãnh đạo tỉnh, huyện với NLĐ và cán bộ công đoàn cơ sở để trao đổi thông tin, nắm bắt và giải quyết kịp thời các bức xúc, kiến nghị của NLĐ, động viên NLĐ an tâm sản xuất và sinh sống. Trong nhiệm kỳ qua, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp tổ chức được 20 buổi tiếp xúc, đối thoại với 3.632 lượt NLĐ, cán bộ công đoàn tham gia. Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh duy trì tổ chức tiếp NLĐ và cán bộ công đoàn định kỳ vào ngày 10 hàng tháng để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của NLĐ và kịp thời giải quyết hoặc phối hợp giải quyết các vấn đề bức xúc, vướng mắc của NLĐ. Đặc biệt, việc nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT trong các DN được các cấp công đoàn chú trọng thực hiện. Số lượng TƯLĐTT tăng so với đầu nhiệm kỳ. Đến nay, toàn tỉnh đã có 1.366 DN xây dựng, đăng ký TƯLĐTT đạt 56,3%. Nội dung thỏa ước tập trung vào những cam kết thiết thực, có lợi hơn cho NLĐ theo quy định của pháp luật về tiền lương, tiền thưởng, các phúc lợi khác.

Bà Trương Thị Bích Hạnh nhận định: Bằng những giải pháp cụ thể, tình hình tranh chấp lao động tập thể và đình công đã giảm. Thời gian tới, các cấp công đoàn tiếp tục triển khai thêm nhiều giải pháp để xây dựng mối QHLĐ hài hòa, ổn định tại DN. Theo đó, trong nhiệm kỳ 2018-2023, việc “Nâng cao số lượng, chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả TƯLĐTT” được Công đoàn tỉnh Bình Dương chọn là 1 trong 4 nhiệm vụ đột phá để tập trung thực hiện. Chỉ tiêu đề ra là ít nhất 70% DN ngoài Nhà nước có thương lượng và ký kết TƯLĐTT, ít nhất 80% TƯLĐTT có nội dung có lợi hơn so với quy định của pháp luật, trong đó có ít nhất 35% TƯLĐTT đạt loại A; đồng thời nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến NLĐ và tổ chức công đoàn bằng việc nâng cao năng lực của cán bộ công đoàn làm công tác chính sách; nắm bắt, tập hợp tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đoàn viên, NLĐ và những vướng mắc từ thực tiễn để kịp thời tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật; nâng cao số lượng, chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT DN thông qua việc tăng tỷ lệ DN có tổ chức công đoàn ký kết TƯLĐTT; tăng cường vai trò của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong quá trình đối thoại, thương lượng, ký kết TƯLĐTT; thông qua ngân hàng thỏa ước, có kế hoạch hỗ trợ công đoàn cơ sở những nơi có TƯLĐTT hết hạn thương lượng, ký kết lại thỏa ước; thực hiện quy trình thương lượng thực chất, chú trọng các điều khoản mang tính cốt lõi như tiền lương, tiền thưởng, bữa ăn giữa ca, thời giờ làm việc và các chế độ phúc lợi khác; phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra việc thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT tại DN...

 THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên