Công nghiệp hóa - Đô thị hóa ở Bình Dương: Nhìn từ thực tiễn

Cập nhật: 12-03-2015 | 08:37:52

Sáng qua (11-3), tại Trung tâm Hành chính tập trung của tỉnh, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Bình Dương đã tổ chức Hội thảo khoa học “Công nghiệp hóa, đô thị hóa qua thực tiễn ở Bình Dương”. Hội thảo do Giáo sư - Tiến sĩ Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo tổng kết 30 năm đổi mới và ông Nguyễn Hữu Từ, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương chủ trì. Đến dự hội thảo có ông Trần Văn Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các nhà khoa học; lãnh đạo các viện, trung tâm nghiên cứu khoa học, một số sở, ban, ngành của Bình Dương và TP.HCM.

Phát triển vượt bậc

Tại hội thảo đã thông qua hơn 10 tham luận của các đại biểu, gồm: Công nghiệp hóa, đô thị hóa qua thực tiễn của Bình Dương qua 30 năm đổi mới; quy hoạch đô thị - công nghiệp gắn với quy hoạch tổng thể phát triển Bình Dương và vùng TP.HCM; đổi mới tư duy phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa ở Bình Dương - những vấn đề khoa học và thực tiễn; thực trạng phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp gắn với phát triển đô thị của Bình Dương… Nội dung các tham luận này tập trung vào 3 phần: Phần 1 là những vấn đề chung về công nghiệp hóa, đô thị hóa qua thực tiễn tỉnh Bình Dương; phần 2 là một số vấn đề về công nghiệp hóa qua thực tiễn tỉnh Bình Dương và phần 3 là một số vấn đề về đô thị hóa qua thực tiễn ở tỉnh Bình Dương.

Từ các tham luận, những vấn đề chung về công nghiệp hóa, đô thị hóa tại Bình Dương, đã phản ánh với những con số ấn tượng. Từ một tỉnh nông nghiệp, sau gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) và 17 năm tái lập tỉnh, Bình Dương đã phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội. Trong thời kỳ từ năm 2000 đến nay, tăng trưởng kinh tế của tỉnh bình quân đạt 13%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh từ nông nghiệp sang công nghiệp, đến cuối năm 2014, tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp tương ứng là 60,8% - 36,2% - 3%; thu nhập đầu người từ 6 triệu đồng/người đã tăng lên 61,2 triệu đồng, cao gấp 1,5 lần mức bình quân của cả nước.

Toàn cảnh buổi hội thảo. Ảnh: T.BÌNH

Về công nghiệp, ngay sau khi tái lập tỉnh vào năm 1997, Bình Dương đã đưa ra chủ trương phát triển công nghiệp theo hướng sạch, kỹ thuật cao với phát triển các khu công nghiệp làm mũi nhọn đột phá. Nhờ vậy, tính đến nay, toàn tỉnh đã có 29 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp với tổng diện tích 10.600 ha. Cùng hạ tầng khu công nghiệp thuận lợi và bảo đảm, Bình Dương đã năng động và tích cực đề ra những giải pháp thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Tính đến nay, tỉnh đã thu hút gần 17.300 doanh nghiệp trong nước đăng ký kinh doanh với vốn đăng ký gần 130.000 tỷ đồng và 2.412 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 20,66 tỷ đô-la Mỹ.

Cùng với phát triển công nghiệp, Bình Dương đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng các khu dân cư, khu đô thị, gắn với đầu tư đồng bộ, hiện đại hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Ông Mai Hùng Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, mô hình phát triển công nghiệp tạo động lực phát triển đô thị và ngược lại, xây dựng và phát triển đô thị nhằm tạo ổn định xã hội để người dân trong và ngoài tỉnh yên tâm sống, làm việc, học tập và gắn bó lâu dài với tỉnh nhằm góp phần phát triển công nghiệp nói riêng và kinh tế của tỉnh nói chung đang phát huy hiệu quả mạnh mẽ. Đây là nền tảng cơ bản và vững chắc để Bình Dương hướng đến việc trở thành một đô thị xanh, văn minh và hiện đại trong tương lai.

Hướng đến bền vững

Trình bày tham luận “Phát triển đô thị bền vững tại Bình Dương: hiện trạng và tương lai của một thành phố sống tốt”, tiến sĩ Phạm Thái Sơn, trường Đại học Việt Đức cho biết, nằm cận TP.HCM và thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cùng chính sách phát triển hợp lý, trong những năm qua Bình Dương đã có bước phát triển vượt bậc về kinh tế. Sự phát triển đó cũng làm cho quá trình đô thị hóa của Bình Dương tăng nhanh. Để đô thị Bình Dương tốt hơn trong tương lai, tiến sĩ Phạm Thái Sơn đề xuất một số định hướng chung nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu “thành phố sống tốt” tại Bình Dương để đón đầu xu thế cũng như định hướng phát triển đô thị nhanh chóng của địa phương trong những năm tới đây. Theo đó, một nghiên cứu sâu rộng về tỉnh cần được tiến hành để hình thành khung cho bộ tiêu chí sử dụng cho tỉnh và mở rộng phạm vi áp dụng ra các đô thị khác của Việt Nam.

Trong tham luận “Đổi mới tư duy phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa ở Bình Dương - Những vấn đề khoa học và thực tiễn”, tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp, Hiệu trưởng trường Đại học Thủ Dầu Một cho biết, Bình Dương đã có gần 20 năm tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa. Quá trình này đã mang lại kết quả to lớn, đưa Bình Dương trở thành một trong những địa phương điển hình của cả nước về chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp là chủ đạo sang nền kinh tế công nghiệp, chuyển đổi từ xã hội nông thôn sang xã hội công nghiệp và đô thị. Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển, đối với lĩnh vực đô thị hóa cần nỗ lực đổi mới tư duy trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; có chiến lược phân bố dân cư đồng đều, phù hợp với kết cấu hạ tầng và sinh kế của người dân; đồng thời nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ ở các đô thị…

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Từ, Phó Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa qua thực tiễn ở Bình Dương cần nhìn nhận quá trình phát triển để rút ra những bài học kinh nghiệm, đánh giá đúng đắn những thành tựu, hạn chế, từ đó định hướng cho một quá trình phát triển mới nhằm đưa Bình Dương phát triển vượt bậc hơn nữa, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020. Ông cho biết, hội thảo đã tập trung vào những vấn đề trọng tâm, thảo luận sâu những vấn đề còn có nhiều vướng mắc trong thời gian qua, những vấn đề mới đặt ra để từ đó có sự thống nhất, bổ sung cho tỉnh và cho công tác tổng kết thực tiễn lý luận của Đảng. Tỉnh trân trọng ý kiến các nhà khoa học, ghi nhận và tiếp thu hoàn chỉnh những vấn đề, ý kiến xác đáng để bổ sung vào dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, cũng như tham gia ý kiến vào dự thảo Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Tại hội thảo, Giáo sư - Tiến sĩ Phùng Hữu Phú đã đánh giá cao những thành tựu nổi bật của Bình Dương trong thực hiện chủ trương công nghiệp hóa gắn kết với đô thị hóa. Quá trình này tại tỉnh có những đặc sắc: Đặt đúng trọng tâm và sự phát triển đồng bộ; huy động tốt mọi nguồn lực để phát triển; chủ động hội nhập sâu rộng; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa; công nghiệp hóa và đô thị hóa chú trọng lợi ích của nhân dân. Từ thực tiễn Bình Dương đạt được, ông cho rằng, quá trình công nghiệp hóa gắn kết với đô thị hóa của Bình Dương thành công là đi đúng quy luật, để hôm nay các chỉ tiêu kinh tế - xã hội so với năm 1997 đều tăng từ 30 - 40 lần. Đây vừa là kinh nghiệm cho tỉnh, vừa là kinh nghiệm cho cả nước chia sẻ với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa của Bình Dương.

 

T.MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên