Công nhân lao động học thêm ngoại ngữ: Đáp ứng tốt hơn yêu cầu công việc

Cập nhật: 15-10-2016 | 06:33:22

Xác định học thêm ngoại ngữ không chỉ để giao tiếp tốt mà còn tìm công việc tốt hơn nhằm thay đổi cuộc sống, do đó nhiều công nhân lao động (CNLĐ) ở các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh đã đăng ký đi học. Ngoài nỗ lực của CNLĐ, DN cũng hỗ trợ họ học ngoại ngữ để có đội ngũ lao động chất lượng cao, đáp ứng tốt hơn yêu cầu công việc trong bối cảnh hội nhập.'

CNLĐ dự khai giảng lớp ngoại ngữ, tin học do Công ty TNHH Shyang Hung Cheng phối hợp mở. Ảnh: T.LÝ

CNLĐ tự học

Vừa tan ca sau giờ làm tại Công ty TNHH Hài Mỹ (TX.Thuận An), chị Nguyễn Ngọc Lan ăn vội hộp cơm tấm để kịp giờ đến lớp học tiếng Hàn tại Trung tâm ngoại ngữ Saigon Vina (TX.Thuận An). Từng tốt nghiệp trường Đại học Nông Lâm TP.Hồ Chí Minh nhưng khi làm việc, trình độ ngoại ngữ của chị Lan vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi phải sử dụng nhiều tiếng Hàn. Do đó, chị Lan đã tìm đến trung tâm đăng ký học, quyết tâm trau dồi thêm kiến thức về ngoại ngữ, nhất là những kỹ năng nghe nói trong giao tiếp. “Ai cũng vậy, để được hưởng mức lương cao hơn thì phải làm việc tốt hơn. Tranh thủ thời gian, mình vừa làm vừa học, mong có cơ hội thăng tiến hơn trong công việc”, chị Lan chia sẻ.

Cũng như chị Lan, anh Huỳnh Minh Hưng, nhân viên Công ty TNHH Lốp Kumho Việt Nam (TX.Bến Cát) cũng đang theo học tiếng Hàn tại Trung tâm Hàn ngữ Đại học Bình Dương. Anh Hưng cho biết, trước đây anh làm ở nhà máy, sau đó được chuyển lên làm công việc văn phòng. Ở môi trường làm việc mới, làm việc trực tiếp với “sếp” phải nhờ phiên dịch viên. Nhiều ý tưởng anh đưa ra hay, độc đáo, làm lợi cho công ty nhưng phiên dịch viên không hiểu ý đã dịch sai nên giám đốc không phê duyệt. Chính vì vậy, anh đã theo học 2 năm tiếng Hàn để trao đổi với lãnh đạo người nước ngoài trong công việc được tốt hơn.

Đam mê học và mơ ước có công việc tốt hơn khi học thêm ngoại ngữ nhưng đa số CNLĐ đều cảm thấy gian nan trong suốt thời gian theo học. Họ phải vừa học, vừa làm nên thời gian ôn luyện rất ít. Mặt khác, nhiều lúc công ty tăng ca bỏ buổi học, rồi đến chi phí cho học ngoại ngữ khá cao… Bạn Thu Thủy, 26 tuổi đang theo học tiếng Anh tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, kể rằng: “Công nhân như chúng tôi phải bỏ giờ tăng ca để đi học là một cố gắng rất lớn, bởi vì công nhân mà không tăng ca thì thu nhập còn hạn chế, nhưng phải cố gắng để có tương lai sáng sủa hơn. Nhiều hôm đi làm về rất mệt nhưng cũng ráng dành thời gian ôn luyện từ vựng, nếu không sẽ quên hết…”.

DN làm “bà đỡ”

Việc học ngoại ngữ của CNLĐ không chỉ giúp họ thay đổi công việc mà qua đó cũng nâng cao chất lượng lao động đáp ứng cho DN trong thời buổi hội nhập. Thấy được điều đó, nhiều DN trong tỉnh đã trở thành “bà đỡ” cho CNLĐ muốn học thêm ngoại ngữ. Họ đã phối hợp mở lớp tại công ty, hỗ trợ học phí, bố trí thời gian hợp lý cho công nhân đi học…

Tại Công ty TNHH Shyang Hung Cheng (TX.Thuận An), 3 năm nay, công ty liên tục phối hợp với trường Trung cấp Kỹ thuật và Nghiệp vụ công đoàn Bình Dương mở các lớp cơ bản về tiếng Hoa, tiếng Anh, tin học văn phòng. Mỗi lớp khoảng 20 học viên là CNLĐ đang làm việc tại công ty. Công ty hỗ trợ 40% học phí, công nhân đóng 60%. Anh Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết ban đầu công ty dự định tài trợ hoàn toàn cho công nhân nhưng như vậy họ sẽ không mặn mà với chuyện đi học, hoặc thích nghỉ là nghỉ mà không tiếc tiền. Do đó, Ban giám đốc đưa ra phương án buộc công nhân đóng một khoản học phí để họ tự giác theo học. Qua các khóa học, hầu hết những bạn theo học đã có thể giao tiếp thông thường. Việc tạo điều kiện cho CNLĐ học ngoại ngữ giúp công việc công ty, trong các phân xưởng suôn sẻ hơn khi nhân viên và quản lý hiểu nhau hơn.

Còn Công ty Far Eastern New Apparel (Việt Nam) thì phối hợp mở lớp cho nhân viên là trưởng phòng, trưởng các phân xưởng được học tiếng Anh. Bởi họ là lực lượng trực tiếp làm việc với những quản lý là người nước ngoài tại công ty. Thời gian mỗi khóa học từ 6 tháng đến 1 năm, mỗi đợt từ 10 - 20 người. Nội dung học gồm cả bốn kỹ năng nghe - nói - đọc - viết nhưng chú trọng phần nghe và nói để tạo khả năng giao tiếp căn bản cho học viên. Số buổi học trong tuần và giờ giấc học tùy vào công ty sắp xếp. Kết thúc khóa học, nếu ai muốn học nâng cao sẽ được tạo điều kiện cho đi học tiếp.

Nói về việc CNLĐ đi học thêm ngoại ngữ, đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh, cho biết hiện nay Bình Dương đang thu hút khá đông DN Nhật, Hàn, Trung đến đầu tư. Mặt khác, các DN nước ngoài đa số quản lý đều là người nước ngoài. Do đó, việc CNLĐ đi học ngoại ngữ không chỉ góp phần nâng cao tay nghề trong bộ máy chung của DN và nâng cao giá trị sản xuất, mà còn góp phần đẩy lùi những mặt tiêu cực từ việc nghèo nàn về các hoạt động văn hóa giải trí. Đối với CNLĐ, họ có thêm cơ hội thăng tiến, phục vụ trong công việc tốt hơn.

T.L

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên