Công nhân lao động - Trung tâm của hoạt động công đoàn

Cập nhật: 29-03-2018 | 07:45:07

Sáng nay (29-3), Công đoàn (CĐ) Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) tổ chức đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2018-2023. Với mục tiêu lấy đoàn viên công đoàn (ĐVCĐ) và công nhân lao động (CNLĐ) làm trung tâm, CĐ VSIP đã có nhiều việc làm thiết thực chăm lo quyền, lợi ích chính đáng cho CNLĐ, trở thành điểm tựa vững chắc của người lao động (NLĐ) đang làm việc tại các doanh nghiệp (DN) trong VSIP.

 

 Bà Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Công đoàn VSIP trao giấy khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong hoạt động CĐ nhân dịp 88 năm Ngày thành lập CĐ Việt Nam (28.7.1929 - 28.7.2017)

Một trong những ưu tiên hàng đầu của hoạt động CĐ ở CĐ VSIP là quan tâm đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của ĐVCĐ và CNLĐ. Các cấp CĐ đã tích cực phối hợp với Ban Quản lý VSIP triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; chủ động giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, Luật CĐ, tham gia giải quyết tranh chấp lao động, đơn thư khiếu nại tố cáo, hoạt động tư vấn pháp luật ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần ổn định mối quan hệ lao động trong DN.

 

Đến nay, trong 311 DN có tổ chức CĐCS ở VSIP có 98% CNLĐ được giao kết hợp đồng lao động, tham gia BHXH, BHYT, BHTN; 100% CĐCS xây dựng nội quy lao động; trên 90% DN xây dựng thang bảng lương và 44% DN có tổ chức CĐ thành lập Hội đồng an toàn vệ sinh lao động cơ sở.

 

 

Xác định thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) chính là công cụ pháp lý hữu hiệu để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của CNLĐ, ngay từ đầu nhiệm kỳ, CĐ VSIP xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả TƯLĐTT trong VSIP giai đoạn 2013-2018”. Theo đó, CĐ VSIP đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức hội thảo, tập huấn kỹ năng thương lượng, ký kết TƯLĐTT cho các công đoàn cơ sở (CĐCS) nhằm thực hiện quyền và trách nhiệm của CĐ trong nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết TƯLĐTT, bảo đảm có nhiều điều khoản có lợi hơn cho CNLĐ so với quy định của pháp luật và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Tính đến nay, có 165 CĐCS đã ký kết TƯLĐTT với người sử dụng lao động với các điều khoản có lợi cho CNLĐ, phù hợp với khả năng và điều kiện của DN. Song song đó, quy chế dân chủ ở cơ sở tại DN được quan tâm thực hiện thông qua hội nghị NLĐ và đối thoại định kỳ. Thông qua đó, CNLĐ được tham gia bàn bạc, quyết định những vấn đề liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN, việc làm và đời sống của CNLĐ; đã phát huy quyền làm chủ, tính sáng tạo, nâng cao ý thức trách nhiệm và thái độ làm việc nghiêm túc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của cơ quan, DN.

Bên cạnh đó, CĐ VSIP đã luôn đồng hành chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho CNLĐ. Các cấp CĐ đã chăm lo tốt cho CNLĐ bằng nguồn ngân sách của CĐ và có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo cho ĐVCĐ, CNLĐ như thăm tặng quà trong dịp tết, ngày lễ... Trong đó, “Quỹ tương thân tương ái” đã thể hiện tinh thần tương thân, tương ái trong CNLĐ. Sau 7 năm hoạt động, quỹ đã được đánh giá cao của các CĐCS về tính công khai, minh bạch. Quỹ đã kịp thời hỗ trợ chi cho ĐVCĐ bị tai nạn lao động nặng, bệnh hiểm nghèo, qua đời và chi cho các ĐVCĐ bị tai nạn lao động, chi nhân dịp các ngày hội thi và sơ, tổng kết năm... góp phần tạo thêm nguồn động viên, chăm lo đời sống gia đình của ĐVCĐ khi gặp phải khó khăn, mất mát trong quá trình lao động.

 

Tính đến nay, có trên 134.879 CNLĐ. Lực lượng CNLĐ trẻ chiếm đa số, trong đó tỷ lệ lao động nữ chiếm 57%. CNLĐ lao động đã qua đào tạo bằng các hình thức khác nhau trên 70%.

 

 

Đặc biệt, phong trào thi đua yêu nước trong CNLĐ đã phát triển mạnh mẽ. Trọng tâm là các phong trào thi đua: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”; “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; “Thi đua học tập nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển”; “Xanh, sạch, đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”… gắn với “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”và cuộc vận động “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”. Nội dung, hình thức các phong trào thi đua đã có nhiều cải tiến đổi mới, có tác động thúc đẩy sản xuất, tăng năng suất và hiệu quả công việc. Trong nhiệm kỳ qua, đã có 4 cá nhân được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ, 1.469 lượt tập thể và 4.573 lượt cá nhân được tặng bằng khen, giấy khen các cấp, 18 lượt tập thể được tặng cờ thi đua của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Liên đoàn Lao động tỉnh. Bà Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch CĐ VSIP đánh giá, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, CĐ VSIP ngày càng tạo được lòng tin nơi CNLĐ và các CĐCS, góp phần xây dựng tổ chức CĐ ngày càng vững mạnh, làm tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho CNLĐ.

Tiếp tục phát huy những kết quả đó, nhiệm kỳ 2018-2023, CĐ VSIP đề ra khẩu hiệu hành động là: “Tiếp tục đổi mới tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động CĐ; vì quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và NLĐ; vì sự ổn định và phát triển bền vững của tỉnh Bình Dương”. Theo đó, mục tiêu tổng quát là đổi mới tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động CĐ theo hướng lấy ĐVCĐ, CNLĐ làm trung tâm để xác định nhiệm vụ của CĐ VSIP, CĐCS; tạo dựng sức mạnh của tổ chức CĐ từ nền tảng sức mạnh của tập thể NLĐ. Củng cố, phát triển tổ chức CĐ VSIP vững mạnh thực sự là tổ chức đại diện của NLĐ, do NLĐ và vì NLĐ. Xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại nơi làm việc, góp phần quan trọng phát triển bền vững về kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo đảm môi trường thu hút đầu tư của VSIP.

 THU THẢO

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên