Công nhân phấn khởi trở lại làm việc sau kỳ nghỉ tết

Cập nhật: 08-02-2017 | 08:24:16

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2017, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều đã trở lại hoạt động sản xuất bình thường. Trong không khí đầu năm mới, đông đảo công nhân lao động (CNLĐ) trên địa bàn tỉnh phấn khởi trở lại làm việc và mang theo nhiều kỳ vọng có được một năm làm việc ổn định, thu nhập khá hơn.

Nhiều doanh nghiệp có hơn 90% công nhân trở lại làm việc

Ông Bùi Thanh Nhân, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, cho biết đến ngày 6-2, theo báo cáo của LĐLĐ các huyện, thị, thành phố và các khu công nghiệp trên địa bàn, hiện có gần 100% doanh nghiệp trở lại làm việc bình thường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.

Công nhân lao động thuộc các doanh nghiệp tọa lạc trên đường Yersin, phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một nhộn nhịp vào ca trong những ngày đầu năm mới Đinh Dậu 2017. Ảnh: MINH DUY

Theo ông Nhân, trước đó ngay từ ngày mùng 6 tết đã có nhiều doanh nghiệp quay lại hoạt động để kịp giải quyết những đơn hàng giao cho đối tác trong những ngày đầu năm. Do đó, nhiều doanh nghiệp tại Bình Dương đã trở lại sản xuất sớm, có doanh nghiệp đạt tỷ lệ 96% công nhân lao động trở lại nhà máy làm việc bình thường. Tính đến ngày 5-2, tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) gần 1.000 doanh nghiệp trở lại làm việc bình thường với hơn 66.000 CNLĐ trở lại nhà máy làm việc. Một số địa phương khác của tỉnh cũng có tỷ lệ công nhân trở lại làm gần lắp đầy so với trước tết.

Theo các doanh nghiệp, ngay sau kỳ nghỉ tết, do có nhiều đơn hàng gần cận kề ngày giao cho tối tác nên buộc doanh nghiệp khởi công sớm, nhất là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực may mặc, giày da. Cụ thể, tại Công ty May mặc Shyang Hung Cheng có hơn 9.630 công nhân trong tổng số 10.700 công nhân trở lại làm việc bình thường (đạt tỷ lệ 92%), hay Công ty Chí Hùng cũng có 9.630 trong tổng số 10.700 CNLĐ của doanh nghiệp này trở lại làm việc bình thường. Còn tại Công ty Giày Thái Bình cũng có 11.040 trong tổng số 18.400 công nhân trở lại nhà máy làm việc vào cuối tuần trước. Dự kiến trong tuần này, toàn bộ các doanh nghiệp quay lại hoạt động bình thường, số CNLĐ trở lại làm việc cũng sẽ đầy đủ, ổn định hơn.

 Trao đổi với P.V, ông Vương Kim Điền, Giám đốc Nhân sự Công ty TNHH Điện tử Foster (KCN VSIP) cho biết từ ngày 3-2, công ty đã có 17.600 công nhân trở lại làm việc bình thường, đạt tỷ lệ 96,5%. “Ngay trong ngày đầu làm việc, công ty đã lì xì cho mỗi công nhân số tiền 200.000 đồng, đồng thời tổ chức bốc thăm trúng thưởng cho CNLĐ với nhiều phần thưởng có giá trị nhằm tạo không khí vui tươi phấn khởi trong những ngày đầu năm mới. Ngoài ra, trước tết công đoàn công ty còn phối hợp cùng Liên đoàn Lao động tỉnh tặng vé xe cho công nhân về quê đón tết. Việc chăm lo đời sống CNLĐ tốt cũng góp phần để người lao động gắn bó với công ty”, ông Vương Kim Điền chia sẻ.

Trong khi đó, đại diện lãnh đạo Công ty May mặc Bình Dương chia sẻ, ngay trong ngày làm việc đầu tiên (3-2), công ty cũng có 2.200 công nhân trở lại làm việc bình thường sau tết, đạt tỷ lệ 96%. Theo ông Anh, đây cũng là mức cao so với những năm trước đây.

Theo các doanh nghiệp, với tỷ lệ công nhân trở lại làm việc nêu trên cũng không gây ảnh hưởng, xáo trộn nhiều đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Thậm chí có doanh nghiệp cho biết trong năm mới do chưa có đơn hàng mới, nên doanh nghiệp dôi dư khá nhiều lao động nên đang có kế hoạch cắt giảm lao động cho phù hợp.

Nhiều công nhân tìm cơ hội trong năm mới

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cho đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp thông báo cụ thể việc thiếu hụt lao động sau tết. Tuy nhiên, tại một vài doanh nghiệp cũng đã treo biển tuyển dụng gấp lao động trong những ngày đầu năm để bù đắp cho lượng công nhân vào làm việc trễ hoặc công nhân nghỉ việc đi tìm công việc mới. Nhiều doanh nghiệp cũng đang có nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ để bù đắp cho lượng công nhân thiếu hụt trong những ngày đầu năm để kịp hoàn thành các đơn hàng trong năm mới.

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, cũng như các năm, sau tết các doanh nghiệp sử dụng nhiều CNLĐ như ngành điện tử, may mặc, giày da… thường thiếu hụt CNLĐ, nguyên nhân do một số công nhân chậm chuyến, lỡ xe, hoặc quay lại làm việc muộn. Tuy vậy, trong ngày 6-2, theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều công nhân cũng chạy tìm việc mới ngay trong những ngày đầu năm. Nguyên nhân một số doanh nghiệp chưa đủ công nhân trở lại làm việc do có không ít công nhân dù đã trở lại Bình Dương, nhưng họ quyết nghỉ việc nơi làm cũ để mong tìm cơ hội có một công việc mới với thu nhập ổn định hơn trước.

Có mặt tại Khu công nghiệp VSIP, trò chuyện với chúng tôi, nhiều công nhân ngoài tỉnh trở lại Bình Dương nhưng họ đem hồ sơ để tìm những công việc có mức lương, phụ cấp hấp dẫn hơn. May mắn hơn, anh Đào Anh Hòa nhà ở quận Tân Bình (TP.HCM) vui vẻ cho biết trước tết anh làm kỹ sư bảo trì cho một doanh nghiệp tại TP.HCM. Song công việc không ổn định, mức thu nhập thấp nên đầu năm anh đã đi phỏng vấn và trúng tuyển vào Công ty May mặc Esquel Garment (VSIP) với mức lương khởi đầu 11 triệu đồng. “Với nơi làm mới, tuy có xa nhà nhưng mức lương 11 triệu đồng mỗi tháng là tôi thấy thỏa đáng. Hy vọng với nơi làm việc mới này tôi sẽ có được một môi trường làm việc ổn định và thu nhập khá hơn”, Hòa chia sẻ.

Trong khi đó theo anh Huỳnh Thanh Nhã và chị Trương Thị Hồng Mỹ (cùng quê Kiên Giang) thì đầu năm mới hai bạn quyết định nghỉ việc tại công ty cũ để xin qua công ty mới. Theo anh Nhã và chị Mỹ, ở công ty cũ công việc không ổn định và lương chỉ được khoảng 3,5 triệu đồng, tại công ty nơi anh chị nộp hồ sơ đang tuyển dụng với mức lương cơ bản hơn 4 triệu đồng. “Sau khi nghỉ tết, chúng em tiếp tục lên Bình Dương làm việc. Hy vọng trong năm mới sẽ có một công việc ổn định, có thu nhập cao hơn để lo phụ giúp gia đình ở quê nhà”, anh Nhã chia sẻ.

Hình ảnh công nhân chạy tìm việc để mong có cơ hội tìm được việc làm mới, mức lương hấp dẫn hơn là hình ảnh không khó bắt gặp tại các khu, cụm công nghiệp trong những ngày đầu năm. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của nhiều CNLĐ thì “nhảy việc” trong năm mới cũng chứa đựng không ít rủi ro vì hầu hết doanh nghiệp chỉ có nhu cầu tuyển dụng tạm thời, chủ yếu là lao động có tay nghề, thâm niên bị thiếu hụt sau tết nên chủ động đưa mức lương hấp dẫn để thu hút. Song, khi sản xuất ổn định, đơn hàng hoàn thành thì nhiều khả năng những người này sẽ bị dừng hợp đồng.

 Trong dịp Tết Đinh Dậu 2017, từ nguồn tài chính công đoàn, LĐLĐ tỉnh và các huyện, thị, thành phố đã hỗ hỗ trợ 3.000 vé xe, trị giá 3,5 tỷ đồng, cho CNLĐ xa quê từ tỉnh Phú Yên ra Hà Nội và CNLĐ ở các tỉnh Trà Vinh, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau. Ngoài ra, có hơn 100 doanh nghiệp hỗ trợ tiền, vé xe hoặc hợp đồng thuê xe cho 12.000 CNLĐ về quê đón tết trị giá 11 tỷ đồng, với mức hỗ trợ từ 200.000 đến 1,2 triệu đồng/người.

Trong dịp tết, doanh nghiệp và CĐCS tặng hơn 475.000 phần quà với tổng trị giá 113 tỷ đồng; trong đó có khoảng 150.000 suất quà của doanh nghiệp, trị giá 34 tỷ đồng và 325.000 suất quà của CĐCS, trị giá khoảng 79 tỷ đồng.

 

MINH DUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên