Công tác bảo trợ xã hội: Ngày càng xã hội hóa

Cập nhật: 18-04-2015 | 08:28:40

Những năm qua, công tác bảo trợ ở Bình Dương luôn được quan tâm. Sự đóng góp của các cơ sở bảo trợ xã hội (CS BTXH) tư nhân, tôn giáo đã góp phần giảm gánh nặng cho tỉnh và thúc đẩy hoạt động xã hội hóa công tác BTXH trên địa bàn.

Những ngôi nhà chung

CS BTXH nuôi dưỡng trẻ mồ côi và khuyết tật Hướng Dương (TX.Bến Cát) hiện đang nuôi dưỡng 85 em là đối tượng khuyết tật, mồ côi. Nhằm giúp các em sớm hòa nhập cộng đồng, CS đã bảo trợ 54 em đi học từ cao đẳng trở lên và nuôi dưỡng 31 em học phổ thông; trong đó có 15 em du học tại Nhật Bản; 34 em học đại học, 5 em học cao đẳng các trường tại TP.Hồ Chí Minh. “Tiếng lành đồn xa”, những giáo viên giỏi cộng thêm thành tích học tập của học sinh, đã nâng cao uy tín cho CS. Nhiều phụ huynh học sinh tại TX.Bến Cát đã gửi con em đến CS để luyện thi đại học. Học phí từ công tác luyện thi được bổ sung vào chi phí chăm sóc, nuôi dưỡng các em tại CS.

Nghèo khó, không người thân là những phận đời chung của hơn 133 cụ già, trẻ em, người khuyết tật (NKT) đang sống nương tựa tại CS Từ tâm nhân ái (Bắc Tân Uyên). Từ khi đưa vào CS, số phận các cụ, các em mồ côi, NKT thay đổi hẳn. Thay vì cô đơn, sống một mình, họ được chăm sóc chu đáo, lo từng bữa ăn giấc ngủ. Chính hơi ấm tình người nơi đây đã giúp các cụ già thanh thản khi tuổi xế chiều. Còn các em nhỏ thì được tạo cơ hội đến trường, xin việc làm.

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh khảo sát tình hình hoạt động, chăm sóc các đối tượng tại TT BTXH Thiện Tâm Viên Đức (TX.Tân Uyên). Ảnh: T.L

Bà Lê Thị Em (72 tuổi) ở TX.Thuận An cho biết: “Gia đình tôi nghèo lắm. Con cháu đều khổ nên tôi xin vào đây phụ nấu cơm, lặt rau sống qua ngày. Ở đây có nhiều trường hợp giống mình nên tôi cảm thấy không buồn. Hơn nữa ở đây, tôi còn thường xuyên được bác sĩ, y tá khám bệnh, cho uống thuốc đều đặn nên sức khỏe rất tốt”.

Trung tâm (TT) Nhân đạo bảo trợ từ thiện Ngọc Quý (TP. Thủ Dầu Một) được thành lập từ năm 2012 để chăm sóc, nuôi dưỡng người già neo đơn, trẻ mồ côi… Trước đây, TT là một khách sạn đầu tư trị giá hơn 12 tỷ đồng, về sau vợ chồng ông Nguyễn Văn Sức và bà Đỗ Thị Quý chuyển đổi thành nơi tiếp nhận những mảnh đời bất hạnh. Đến nay, TT đã nhận nuôi dưỡng hơn 28 người. Ông Sức bày tỏ: “Vợ chồng tôi lập CS này vì từ nhỏ, tôi là trẻ mồ côi, phải gửi ở chùa nên thấu hiểu nỗi lòng các cháu khi thiếu thốn tình cảm, vật chất. Tiếp nhận các đối tượng kém may mắn, vợ chồng tôi luôn mong muốn được chăm lo, đem niềm vui, hạnh phúc để xoa dịu nỗi buồn của họ”.

Còn lắm khó khăn

Các TT, CS BTXH tư nhân ra đời bởi tình yêu thương của các cá nhân, tổ chức dành cho những mảnh đời bất hạnh. Tuy nhiên, mạng lưới các CS BTXH còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, dụng cụ y tế, trang thiết bị cần thiết. Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc CS Từ Tâm Nhân Ái cho biết, hàng năm, CS đều tiếp nhận nhiều đối tượng nên chi phí chăm lo là “bài toán” khó. Vì thế, CS rất mong nhận được sự quan tâm của chính quyền, các tổ chức, cá nhân với tấm lòng hảo tâm để cùng chia sẻ khó khăn, thiếu thốn cho các đối tượng kém may mắn.

Bên cạnh thiếu thốn về vật chất, các CS BTXH tư nhân còn gặp khó khăn trong thủ tục, hồ sơ của các đối tượng được đưa vào chăm sóc. Sư cô Thích nữ Liên Diệu, Giám đốc TT BTXH Thiện Tâm Viên Đức (TX.Tân Uyên) nói, TT mới đưa vào hoạt động nên còn nhiều thiếu sót trong việc quản lý cập nhật thông tin để chăm sóc các em tốt nhất. TT rất mong nhận được sự hướng dẫn từ phía chính quyền địa phương để hợp thức hóa các hồ sơ, thủ tục tiếp nhận các đối tượng, đăng ký khai sinh, tạm trú, giúp các đối tượng hưởng chế độ và được đến trường.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 13 CS bảo trợ, nuôi dưỡng người có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó, 1 CS Nhà nước và 12 CS do các tổ chức, cá nhân khác thành lập. Số lượng các đối tượng hiện được nuôi dưỡng tại các CS trên địa bàn tỉnh là 921 người. Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), hầu hết các CS đều thực hiện tốt việc bảo trợ cho các đối tượng.

Để nâng cao hoạt động các CS BTXH trên địa bàn, Sở LĐ- TB&XH cũng đã tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng chăm sóc đối tượng. Hàng năm, căn cứ thông báo của Cục Bảo trợ xã hội thuộc Bộ LĐ- TB&XH, sở đều thông báo đến các CS các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ liên quan về công tác xã hội.

Căn cứ Quy chế hoạt động của HĐND tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh vừa tổ chức đoàn khảo sát, giám sát các CS BTXH trên địa bàn tỉnh nhằm đánh giá hoạt động; xác định nguyên nhân những tồn tại, hạn chế, kịp thời đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động. Ông Trịnh Đức Tài, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cho biết, hoạt động của các CS BTXH tư nhân là việc làm hết sức nhân văn, tạo điều kiện cho các đối tượng khó khăn có chỗ ở, học nghề, nuôi dưỡng gánh bớt cho Nhà nước gánh nặng xã hội. Tuy nhiên, qua khảo sát, các TT còn hạn chế trong thủ tục hồ sơ tiếp nhận, cơ sở vật chất… Các ngành chức năng, địa phương cần thường xuyên kiểm tra xem xét, điều chỉnh, hỗ trợ để các TT hoạt động hiệu quả.

Thời gian qua, ngoài việc thực hiện quy định của Trung ương về chăm lo cho đối tượng BTXH, Bình Dương còn ban hành chính sách riêng hỗ trợ cho các đối tượng có hộ khẩu ở Bình Dương, thế nhưng, đối tượng tại các TT BTXH tư nhân chủ yếu là người ngoài tỉnh. Vì thế, trong thời gian tới, các ngành chức năng cần xem xét, tạo điều kiện để các đối tượng BTXH ngoài tỉnh nhận được chế độ, nâng cao cuộc sống để hòa nhập cộng đồng.

THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên