Công tác dân vận trong khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghiệp: Kinh nghiệm quý từ các tỉnh, thành

Cập nhật: 29-10-2014 | 08:19:31

Chiều qua (28-10), Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức hội nghị “Trao đổi kinh nghiệm công tác dân vận trong các khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghiệp (KKT, KCX, KCN) tại các tỉnh, thành phố phía Nam”. Bà Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, đại diện lãnh đạo Ban Dân vận các tỉnh, thành phía Nam đã tham dự hội nghị. Ông Phạm Văn Cành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thị, thành phố đã tham dự hội nghị.

 

 

Hội nghị trao đổi kinh nghiệm công tác dân vận trong các KKT, KCX, KCN tại các tỉnh phía Nam. Ảnh: QUỐC CHIẾN

 Phát biểu đề dẫn tại hội nghị, ông Nguyễn Thế Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh: Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trên địa bàn các tỉnh, thành đã hình thành nhiều KKT, KCX, KCN. Các KKT, KCX, KCN đã thu hút nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước có hiệu quả, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, ông Trung cũng cho rằng việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, người lao động chưa thật chủ động, sâu sát. Các cuộc đình công, ngừng việc của công nhân, người lao động diễn ra phức tạp. Trong khi đó, Ban Dân vận một số tỉnh, thành chưa thực sự phối hợp với các tổ chức liên quan để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề phức tạp đột xuất xảy ra ở các KKT, KCX, KCN.

 

Tại hội nghị, các đại biểu cũng dành nhiều thời gian để đánh giá thực trạng tình hình công nhân, người lao động đang làm việc tại KKT, KCX, KCN hiện nay (tâm tư, nguyện vọng, những bức xúc, kiến nghị…); phân tích nguyên nhân xảy ra đình công của công nhân trong thời gian qua. Các đại biểu đã trao đổi và đề xuất nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác dân vận và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết có hiệu quả những vấn đề phức tạp nảy sinh trong các KKT, KCX, KCN. Một số đại biểu từ các tỉnh, thành đã thẳng thắn kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Ban Dân vận Trung ương và các bộ, ngành những cơ chế, chính sách đối với hoạt động công tác dân vận trong các KKT, KCX, KCN như thành lập thêm các tổ chức đoàn thể trong các doanh nghiệp vì hiện nay có nhiều tổ chức chưa được thành lập trong doanh nghiệp do thiếu những quy định của pháp luật. Ngoài ra, các đại biểu cũng đề xuất xây dựng các cơ chế phù hợp nhằm hỗ trợ cho hoạt động công đoàn và chăm lo đời sống cho công nhân lao động ở khu vực này.

Tham luận về kinh nghiệm công tác dân vận trong các KKT, KCX, KCN tại các tỉnh, thành phố phía Nam, ông Nguyễn Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Dương, cho rằng thời gian qua Tỉnh ủy Bình Dương đã chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc, chính quyền, các sở, ban, ngành, đặc biệt là Mặt trận và các đoàn thể các cấp tập trung tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật cho người lao động; giúp người lao động có nhận thức đầy đủ hơn về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức về giai cấp công nhân.

 

 

Chia sẻ về những kinh nghiệm công tác dân vận trong các khu, cụm công nghiệp, ông Nguyễn Thanh Liêm cho rằng trước hết Ban Dân vận các cấp phải phối hợp với tổ chức công đoàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, ý thức giai cấp, lòng tự hào dân tộc cho công nhân và người lao động bằng nhiều kênh và đa dạng về phương thức; đồng thời tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân; lắng nghe ý kiến của công nhân, chủ doanh nghiệp để kịp thời đề xuất các giải pháp dân vận cho cấp ủy cùng cấp.

Trong khi đó, bà Trần Kim Yến, Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP.Hồ Chí Minh, cho rằng để công tác dân vận trong KKT, KCX, KCN đạt hiệu quả, trước hết phải nắm chắc tình hình công nhân, người lao động (cả ở trong doanh nghiệp và nơi cư ngụ); đánh giá, phân tích đúng tình hình, từ đó tham mưu cho cấp ủy các giải pháp xử lý kịp thời, các giải pháp lâu dài; đồng thời kiểm tra đôn đốc việc thực hiện quy chế dân chủ trong doanh nghiệp; phát huy vai trò của tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên trong doanh nghiệp làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Mặt khác, theo bà Yến, lãnh đạo các cấp cần thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe ý kiến công nhân, chủ doanh nghiệp; huy động các nguồn lực xã hội cùng chung tay chăm lo đời sống công nhân, người lao động một cách thiết thực, cụ thể; tạo điều kiện thuận lợi để công nhân, người lao động tích cực làm việc, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, lao động giỏi, lao động sáng tạo. “Điều quan trọng là phải quan tâm xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận tại địa bàn khu dân cư, trong doanh nghiệp; bố trí và có chính sách chế độ cho đội ngũ cán bộ dân vận, cán bộ công đoàn chuyên trách, nhiệt tình, có trách nhiệm và thường xuyên gắn bó với công nhân, người lao động…”, bà Yến chia sẻ.

 

Để công tác dân vận trong KKT, KCX, KCN đạt hiệu quả, trước hết phải nắm chắc tình hình công nhân lao động. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Rohto Việt Nam (KCN Việt Nam - Singapore) trong ca sản xuất Ảnh: T.L

 

 Ông PHẠM VĂN CÀNH, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh:

Hội nghị hôm nay có ý nghĩa quan trọng giúp Bình Dương tăng cường mối quan hệ và học tập kinh nghiệm của các tỉnh, thành bạn để tiếp tục làm tốt hơn công tác dân vận trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đồng thời tỉnh cũng mong muốn Ban Dân vận Trung ương tiếp tục hướng dẫn, tạo điều kiện cho tỉnh và các tỉnh, thành phía Nam phối hợp thực hiện tốt công tác dân vận trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo ông Huỳnh Văn Tịnh, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Đồng Nai, cần thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và đa dạng hóa các hình thức tập hợp công nhân lao động theo đặc điểm của từng loại hình doanh nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về lao động trong công nhân; đồng thời phải giải quyết cho được những vấn đề về nhu cầu lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công nhân lao động; qua đó tạo động lực cho công nhân lao động tích cực và làm nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước. Ông Tịnh chia sẻ: “Việc triển khai, quán triệt thực hiện các nghị quyết của Đảng về giai cấp công nhân phải nghiêm túc, kịp thời; đồng thời phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong tham mưu và phản ánh với Đảng, chính quyền những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện từ cơ sở; các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp phải thường xuyên phát động các phong trào thi đua thiết thực gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp...”.

 

 

Cũng tại hội nghị, đại diện Ban Dân vận các tỉnh, thành đã tập trung chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý, cách làm sáng tạo trong công tác dân vận tại các KKT, KCX, KCN nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác dân vận nói chung và công tác dân vận trong KKT, KCX, KCN nói riêng; đồng thời rút kinh nghiệm tham gia giải quyết một số tình hình phức tạp liên quan đến công nhân, người lao động.


 TRÍ DŨNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên