Công tác phòng chống lao còn nhiều khó khăn

Cập nhật: 21-03-2012 | 00:00:00

Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng trong những năm qua, công tác chống bệnh lao tỉnh nhà đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả đáng khích lệ.  Bệnh nhân lao đang được điều trị tại BVĐK tỉnh

Những nỗ lực đáng ghi nhận

Năm 2011, hoạt động Chương trình chống lao quốc gia ở tỉnh ta tiếp tục duy trì, phát huy những thành tựu đã đạt được của giai đoạn trước, đồng thời nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt  mục tiêu  của chương trình đề ra, khống chế tình hình dịch tễ bệnh lao, duy trì mở rộng Chương trình hóa trị liệu ngắn ngày với quản lý điều trị có kiểm soát trực tiếp (DOTS) được triển khai trên toàn tỉnh, đối phó với vấn đề lao - HIV và vấn đề kháng thuốc lao ngày một gia tăng. Ngành đã triển khai hoạt động lồng ghép lao/HIV (tiểu dự án Life-Gap) tại 4 điểm: Khoa lao - Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh, Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên. Tư vấn xét nghiệm tầm soát HIV cho 1.081 ca trên tổng số 1.822 bệnh nhân lao các thể, chiếm 59,33%. Khám sàng lọc lao cho 125 người nhiễm HIV, phát hiện 18 người đồng nhiễm lao/HIV chiếm 14,4%.

Việc phát hiện bệnh nhân lao chủ yếu dựa vào xét nghiệm đờm trực tiếp. Chất lượng phát hiện ngày càng được nâng cao nhờ đội ngũ y, bác sĩ có kinh nghiệm và trang thiết bị đầy đủ. Nguồn bệnh nhân nghi lao ở tuyến y tế cơ sở cũng được chuyển lên tổ chống lao huyện nhiều hơn nhờ sự hoạt động đồng bộ và có hiệu quả từ tỉnh đến huyện, xã.

Việc quản lý điều trị tại tuyến y tế cơ sở được triển khai đều đặn, thường xuyên. Việc cấp phát thuốc một tháng 1 lần tại xã được duy trì, thuận tiện cho việc nhận thuốc của bệnh nhân. Hầu hết các bệnh nhân được xét nghiệm, kiểm tra theo đúng quy định trong cả liệu trình 8 tháng và được đánh giá kết quả điều trị chính xác.

... Và những khó khăn

Đối với công tác phòng chống lao, việc phát hiện xác định rõ nguồn lây tiềm ẩn trong cộng đồng là điều cực kỳ quan trọng trong việc quản lý và điều trị bệnh nhân. Tuy nhiên trong những năm qua, công tác phát hiện nguồn lây còn gặp rất nhiều khó khăn bởi nhiều lý do khác nhau như: sự hiểu biết của người dân về bệnh lao và cách phòng tránh còn hạn chế; xã hội vẫn còn kỳ thị với bệnh nhân lao dẫn đến người bị bệnh lao thường giấu bệnh không đi khám; sự nhận thức của các cấp, các ngành còn xem nhẹ; một số cơ sở nhân viên y tế còn thiếu và yếu...

Bác sĩ Hà Kim Thơ, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh cho biết: “Bệnh lao yêu cầu phải điều trị dài ngày, uống nhiều thuốc, nhưng trên thực tế, người dân có thói quen sau khi nằm viện, chỉ uống thuốc thêm một hai tháng, ngừng thuốc, thấy cơ thể khỏe mạnh, uống thêm thấy mệt mỏi nên bỏ thuốc, không điều trị tiếp. Sau một thời gian, các chất thuốc kháng lao sẽ hết tác dụng, số vi trùng lao con lại kháng thuốc và khi phát tác rất khó điều trị. Tình trạng một số bệnh nhân còn chủ quan bỏ điều trị giữa chừng, điều trị không đúng phác đồ về thời gian hoặc liều lượng làm cho bệnh ngày càng trầm trọng hoặc dẫn đến lao kháng thuốc thất bại trong điều trị”.

Mặt khác, đa số bệnh nhân lao đều là người nghèo, có thu nhập thấp, ít được tiếp cận các phương tiện truyền thông nên chưa có ý thức chống lây lan cho cộng đồng. Công tác phát hiện bệnh lao ở một số xã vùng sâu, vùng xa còn khó khăn. Số bệnh nhân là dân nhập cư đông khó khăn trong quản lý điều trị. Người mắc bệnh lao vẫn còn chịu nhiều định kiến và mặc cảm của xã hội, thời gian điều trị dài nên gây trở ngại cho bệnh nhân về đời sống. Bên cạnh đó, số người nhiễm HIV mắc lao trong thời gian qua có xu hướng tăng nhanh. Điều lo ngại là lao/HIV thì dễ chuyển thành lao kháng thuốc. Vì vậy, bệnh lao đồng nhiễm HIV là mối đe dọa lớn đối với xã hội. Vấn đề chữa lao không đúng cách làm xuất hiện các chủng vi khuẩn đa kháng thuốc và bệnh lao đồng nhiễm HIV đang là điều kiện thuận lợi cho căn bệnh có sức tàn phá nguy hiểm này trở nên nặng nề và phức tạp hơn.

Bệnh lao sẽ được chữa khỏi hoàn toàn và tránh lây lan cho cộng đồng nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Nhưng để mỗi bệnh nhân hiểu rõ về tác hại của bệnh và điều trị kịp thời thì công tác tuyên truyền phải thật sự đẩy mạnh hơn nữa, làm cho toàn dân thực sự chung tay góp sức vào công tác phòng chống lao một cách tích cực. Như vậy, đây không chỉ là trách nhiệm của cán bộ trực tiếp làm công tác phòng chống lao mà cần phải có sự phối hợp của cả cộng đồng, toàn xã hội và của mỗi cá nhân.

PGS - TS Đinh Ngọc Sỹ, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia: Để làm tốt công tác chống lao, tiến tới thanh toán bệnh lao ở nước ta sau 20 - 30 năm nữa, cần phải đặt công tác chống lao là một ưu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Cần phải tăng cường công tác phát hiện và quản lý ca bệnh: tăng cường công tác truyền thông và giáo dục sức khỏe, nhằm tăng tỷ lệ người nghi lao đi khám bệnh; phối hợp với các khu vực y tế ngoài chương trình chống lao trên phạm vi toàn quốc để tăng cường phát hiện và báo cáo ca bệnh; cần phát hiện chủ động đối với nhóm người có nguy cơ cao (phạm nhân, người nhiễm HIV, người tiếp xúc với nguồn lây...).

T.Phương

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên