Công trình nhà ở kết hợp kinh doanh: Cần quan tâm tốt công tác phòng cháy chữa cháy

Cập nhật: 19-03-2018 | 08:26:50

Những năm qua, lĩnh vực thương mại - dịch vụ tại Bình Dương phát triển mạnh mẽ. Trong điều kiện này, nhiều gia đình ở các khu đô thị trung tâm, khu dân cư trên địa bàn tỉnh đã tận dụng nhà ở để kinh doanh, mua bán. Tuy vậy, việc thực hiện các biện pháp an toàn phòng cháy (PC) và chữa cháy (CC) chưa được nhiều cơ sở kinh doanh quan tâm đúng mức, dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ. 

An toàn nơi bán hàng

Theo thống kê của Cảnh sát PCCC tỉnh Bình Dương, hiện nay, các cơ sở kinh doanh trên địa bàn nằm trong nhà ở rất phổ biến, tập trung chủ yếu ở các tuyến đường lớn, các dãy phố nằm trong chợ, khu dân cư, chung cư… Các cửa hàng này chủ yếu kinh doanh tạp hóa, quần áo, gas, điện gia dụng, kinh doanh nhà nghỉ... Ngoài một số cơ sở có quy mô lớn, mặt bằng rộng, theo ghi nhận, hầu hết công trình nhà ở kết hợp kinh doanh trên địa bàn tỉnh đều là nhà ống, có diện tích nhỏ, hẹp, chỉ có lối đi lại duy nhất ở cửa chính, cũng là cửa thoát nạn mà không có lối thoát nạn dự phòng, không có giải pháp ngăn cháy lan, chống khói.

Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC số 1 kiểm tra, hướng dẫn sử dụng thiết bị PCCC tại các ki-ốt bán hàng vừa là nhà ở tại chợ Phú Chánh (TP.Thủ Dầu Một).
Ảnh: D.CHÍ

Trong khi đó, nhiều hộ kinh doanh còn tự ý cơi nới, cải tạo, lắp đặt biển quảng cáo có kích thước lớn càng làm tăng nguy cơ cháy nổ. Ngoài ra, do các cơ sở kinh doanh thường tận dụng tối đa diện tích sàn và không gian trong nhà để chứa hàng hóa nên tại đây luôn trong tình trạng ngổn ngang, bề bộn, hàng hóa chiếm hết lối đi lại, thậm chí cầu thang lên xuống cũng được tận dụng để chứa hàng hóa.

Nhiều hộ kinh doanh còn bố trí nơi thờ cúng chưa hợp lý, bàn thờ làm bằng vật liệu dễ cháy, lại nằm sát trần nhà, trên bàn thờ có nhiều vàng mã, hương, nến... Nguy hiểm hơn, hàng hóa tại nhiều cơ sở kinh doanh còn để cạnh bếp nấu ăn, nguy cơ gây cháy rất cao…

Nguy cơ đáng lo khác chính là tình trạng lắp đặt, sử dụng hệ thống điện tại các cửa hàng này. Thực tế cho thấy, nhiều cửa hàng buôn bán trên địa bàn tỉnh câu mắc điện tùy tiện, hệ thống dây chằng chịt đi dưới mái tôn, la phông, lớp cách nhiệt, thậm chí luồn qua chỗ để hàng hóa nên rất dễ gây ra cháy; trong khi đó hệ thống dây dẫn lại ít được kiểm tra, bảo trì thường xuyên nên nguy cơ cháy nổ do quá tải, chạm chập là rất cao. Bên cạnh đó, dây điện tại nhiều sạp hàng được đấu nối quá dài và cắm nhiều thiết bị tiêu thụ điện chung một ổ cắm nên phát sinh nhiệt dẫn đến quá tải gây cháy; các công trình nhà ở kết hợp kinh doanh lại nằm ngoài diện quản lý về PCCC nên việc chấp hành các quy định về PCCC chủ yếu trông chờ vào ý thức của các chủ cơ sở kinh doanh. Điều này đã dẫn đến tình trạng một số cơ sở kinh doanh không trang bị phương tiện PCCC tại chỗ hoặc trang bị cho có, trang bị không đầy đủ, không phù hợp với môi trường xung quanh; việc bảo quản, bảo dưỡng thiết bị PCCC cũng chưa được quan tâm thường xuyên, đúng mức, nên có nhiều bình chữa cháy bị rỉ sét, hết chất chữa cháy, hư hỏng, không sử dụng được mà chủ cơ sở vẫn không hay biết...

Tăng cường công tác tuyên truyền

Một thực trạng đáng báo động hiện nay là việc nắm bắt kiến thức, kỹ năng cơ bản về công tác PCCC của nhiều hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh còn mơ hồ, chưa xác định được các nguy cơ xảy ra cháy tiềm ẩn bên trong nhà để loại trừ, phòng ngừa... Hiện nay, nhiều cơ sở kinh doanh kết hợp nhà ở thường sử dụng cửa cuốn thay cho các loại cửa khác bởi sự an toàn, kiên cố, tiện lợi, lại tiết kiệm diện tích. Tuy nhiên, hạn chế của thiết bị này là phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn điện. Vì vậy, khi gặp phải sự cố mất điện thì những người ở bên trong sẽ rất khó thoát ra bên ngoài được nếu ngôi nhà, cửa hàng, cửa hiệu đó không có cửa thoát hiểm.

Điều đáng nói, khi sự cố cháy nổ xảy ra, hệ thống điện bị ngắt, cửa cuốn vô hình trung trở thành một bức tường sắt kiên cố cản trở việc thoát hiểm cho người bị nạn bên trong và gây trở ngại cho công tác cứu hộ cứu nạn của các lực lượng cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ từ bên ngoài. Thậm chí, nhiều hộ tiết kiệm không gian hoặc điều kiện chật hẹp đã tháo luôn hệ thống xích điều khiển bằng tay dùng trong trường hợp cúp điện. Do đó khi xảy ra cháy nổ mà mất điện thì việc mở cửa cuốn thoát ra ngoài là điều không thể.

Đã có không ít vụ cháy và tai nạn thương tâm xảy ra tại nhiều địa phương trong cả nước mà nguyên nhân chính là do cửa cuốn bị sự cố mất điện, dẫn đến chức năng điều khiển tự động không hoạt động. Ngoài ra, các loại nhà ở kết hợp kinh doanh nằm trong khu vực đông dân cư, nhà liền kề có nguy cơ cháy lan cao, công tác tiếp cận để chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố thường gặp nhiều khó khăn.

Trước những nguy cơ cháy nổ tại các công trình nhà ở kết hợp kinh doanh, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát PCCC tỉnh Bình Dương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người đứng đầu cơ sở trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ, lắp đặt đèn chiếu sáng sự cố, nắm bắt cách sử dụng bình chữa cháy, cách thoát nạn khi có sự cố cháy xảy ra… Nhờ vậy, kỹ năng, kiến thức PCCC của người đứng đầu các cơ sở này từng bước được nâng lên đáng kể. Để hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy nổ xảy ra, nhất là ở những công trình nhà ở kết hợp kinh doanh, ngoài việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng như hướng dẫn kiến thức về PCCC của lực lượng cảnh sát PCCC các cấp, hơn ai hết các chủ hộ kinh doanh cần phải tuân thủ quy định về an toàn PCCC, trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản trong lĩnh vực này nhằm tự bảo vệ mình trước tiên.

 Nhằm bảo đảm an toàn PCCC tại các công trình nhà ở kết hợp kinh doanh, cơ quan PCCC khuyến cáo: Bố trí ít nhất 2 cửa thoát nạn, cửa thoát nạn mở ra phía ngoài nhà và không khóa cửa thoát nạn trong quá trình hoạt động. Không kinh doanh, tàng trữ, sử dụng các chất có nguy cơ cháy nổ như xăng dầu, cồn, gas và hóa chất dễ cháy khác. Lắp đặt dây dẫn điện và thiết bị điện theo đúng tiêu chuẩn, dây dẫn phải luồng trong ống bảo vệ. Lắp thiết bị bảo vệ (cầu chì, rơle, aptomat…) cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh và từng thiết bị điện tiêu thụ điện có công suất lớn. Không để hàng hóa, chất dễ cháy gần bóng điện, ổ cắm, cầu dao...; không bố trí hệ thống điện sát tường, sàn, trần, vách là các vật liệu dễ cháy; không bố trí hàng hóa, vật dụng, phương tiện cản trở đường lối, cửa thoát nạn, đặc biệt là trước cửa ra vào. Bố trí khu vực bán hàng thành từng khu, lô hàng hóa riêng biệt tạo khoảng cách ngăn cháy lan. Sắp xếp hàng hóa và vật dụng dễ cháy tuyệt đối không để gần nơi thờ cúng, khu vực bếp; khi đốt nến, thắp hương phải có người trông coi, khi đốt vàng mã phải có dụng cụ che chắn tránh cháy lan. Tuyệt đối cấm hút thuốc, sử dụng bật lửa, que diêm… trong khu vực kinh doanh chứa hàng hóa dễ cháy; tắt các thiết bị điện không cần thiết và kiểm tra kỹ nơi đun nấu, nơi thờ cúng trước khi ra ngoài cũng như trước khi đi ngủ. Trang bị phương tiện chữa cháy như bình chữa cháy khí CO2 và bình bột chữa cháy để sử dụng cứu chữa khi đám cháy mới phát sinh; trang bị các dụng cụ cứu nạn, cứu hộ như búa, rìu, kìm cộng lực để sử dụng khi có sự cố về cứu nạn cứu hộ xảy ra. Khi cháy, nổ xảy ra phải bình tĩnh xử lý, tìm lối thoát nạn an toàn, đồng thời báo cho mọi người xung quanh để kịp thời ra khỏi khu vực nguy hiểm; báo cháy nhanh nhất cho lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ theo số máy 114.

 

 DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên