Công ty Điện lực Bình Dương trước áp lực nhu cầu sử dụng điện tăng cao

Cập nhật: 15-12-2016 | 07:33:25

Trong những năm gần đây, nhu cầu sử dụng điện trong sinh hoạt, sản xuất trên địa bàn tỉnh luôn tăng khoảng 12%. Để đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng khá cao này, ngành điện đã tập trung nhiều nguồn vốn để đầu tư, xây dựng hạ tầng, phát triển mạng lưới, đặc biệt là các trạm 110kV trên địa bàn. Song, do nhiều nguyên nhân khách quan, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng các trạm biến áp 110kV gặp nhiều khó khăn khiến tiến độ triển khai các dự án còn chậm, nên nhiều khả năng sẽ khó đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn trong những tháng mùa khô năm 2017. Đáng báo động hơn, nguy cơ mất điện trên diện rộng sẽ xảy ra nếu các dự án đầu tư lưới điện không được hoàn thành và sớm đưa vào vận hành trong quý I-2017.

Công ty Điện lực Bình Dương thực hiện bảo trì lưới điện để bảo đảm cung cấp điện cho mùa khô

Nguy cơ mất điện trên diện rộng do quá tải

Qua theo dõi thống kê những năm qua, trung bình mỗi năm tốc độ tăng sản lượng điện thương phẩm trên địa bàn tỉnh tăng khoảng 12%. Riêng 9 tháng đầu năm 2016, sản lượng điện thương phẩm của tỉnh tăng 11,7%. Dù hàng năm, Công ty Điện lực Bình Dương luôn đưa ra các dự báo tốc độ tăng trưởng, đồng thời đưa ra các giải pháp để đầu tư các công trình lưới điện để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay các trạm biến áp 110kV ở các huyện, thị xã và TP.Thủ Dầu Một vẫn thường xuyên vận hành trong tình trạng đầy tải và quá tải.

Để khắc phục tình trạng quá tải, bảo đảm cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong giai đoạn 2013-2016, Công ty Điện lực Bình Dương đã kiến nghị Tổng Công ty Điện lực Miền Nam triển khai đầu tư 16 công trình lưới điện 110kV trên địa bàn tỉnh Bình Dương với tổng mức đầu tư 982 tỷ đồng. Trong đó xây dựng mới 7 trạm biến áp (TBA) 110kV với tổng công suất là 1.071MVA cùng 10,2km đường dây đấu nối và 9 công trình tăng công suất (lắp thêm máy 2) các TBA 110kV Hòa Thuận, An Tây, Lai Uyên, Thuận Giao, Đất Cuốc, Tân Bình, T1, T5, VSIP II.

Mặc dù, Công ty Điện lực Bình Dương đã tích cực hỗ trợ Tổng Công ty Điện lực Miền Nam để đẩy nhanh tiến độ thi công, xây dựng các TBA 110kV và các đường dây phân phối 22kV nhằm sớm đóng điện đưa vào vận hành, bảo đảm cung cấp điện trong thời gian sắp tới. Thế nhưng, trở ngại, khó khăn vướng mắc lớn nhất hiện nay của các dự án đó là công tác giải phóng mặt bằng khiến tất cả các công trình đều bị chậm tiến độ so với kế hoạch. Nếu tiến độ các dự án đầu tư xây dựng lưới điện không được cải thiện, trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện của các nhà đầu tư ngày càng cao, thì sẽ rất khó bảo đảm cung cấp điện phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian sắp tới. Bên cạnh đó, khả năng mất điện trên diện rộng, kéo dài do bị sự cố máy biến áp TBA 110kV sẽ rất dễ xảy ra do lưới điện không đủ nguồn dự phòng.

Điển hình, ngày 10-10 vừa qua, trên địa bàn Trung tâm Thành phố mới Bình Dương và các khu công nghiệp lân cận như VSIP II, KCN Đại Đăng… đã xảy ra sự cố mất điện trên diện rộng và kéo dài. Có khu vực mất điện hơn 6 giờ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của các doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân. Nguyên nhân xảy ra sự cố mất điện được xác định, do máy biến áp T1 trạm 110kV Hòa Phú vận hành quá tải. Ngay sau khi xảy ra sự cố, Công ty Điện lực Bình Dương đã tích cực phối hợp cùng Công ty Lưới điện Cao thế Miền Nam khắc phục sự cố. Tuy nhiên, các trạm biến áp 110kV lân cận cũng đang vận hành quá tải nên không thể chuyển nguồn để san sẻ phụ tải cho khu vực này. Phải mất 6 giờ xử lý thì tình hình cung cấp điện mới được khôi phục hoàn toàn. Theo Công ty Điện lực Bình Dương, trong trường hợp “xấu nhất” nếu máy biến áp 110kV bị hư hỏng nặng thì có thể gây mất điện diện rộng có thể kéo dài trên 5 ngày; đồng thời các trạm biếp áp 110kV hiện hữu sẽ không bảo đảm cấp điện đủ, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân trên địa bàn.

Cần đẩy nhanh tiến độ triển khai, xây dựng các dự án

Theo Công ty Điện lực Bình Dương cảnh báo, nguy cơ thiếu điện cung cấp cho doanh nghiệp và người dân trong thời gian tới, nhất là trong giai đoạn cuối năm 2016 đến mùa khô 2017 sắp tới chắc chắn xảy ra nếu các dự án xây dựng, nâng cấp công suất cho các TBA 110kV không sớm đưa vào vận hành. Được biết hiện nay, Ban Quản lý dự án Điện lực Miền Nam trực thuộc Tổng Công ty Điện lực Miền Nam đang liên hệ các cấp chính quyền địa phương để đề nghị hỗ trợ trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng sớm triển khai thi công, đóng điện đưa vào vận hành các công trình.

Trước tình hình khó khăn trong việc triển khai các dự án đầu tư mới, nâng cấp các TBA 110kV trên địa bàn, Công ty Điện lực Bình Dương đã báo cáo thực trạng; đồng thời kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành cùng các UBND huyện, thị, thành phố và các đơn vị liên quan hỗ trợ ngành điện trong công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng các TBA 110kV trên địa bàn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện một số công trình cấp thiết để xây dựng đều đang gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến tiến độ bị chậm so với dự kiến như: Công trình “TBA 110kV VSIP2-MR1 và đường dây đấu nối”; Công trình “TBA 110kV Hòa Phú - T5 và đường dây đấu nối” theo tiến độ dự kiến sẽ đóng điện trong tháng 10-2016 vừa qua, nhưng hiện nay công trình đang phải tạm dừng thi công phần đường dây để thỏa thuận hành lang tuyến và vị trí trồng trụ điện. Tương tự, công trình kế đến là “TBA 110kV Bàu Bèo - T1 và đường dây đấu nối” theo tiến độ dự kiến thì các công trình này sẽ đóng điện cũng trong tháng 10-2016. Tuy nhiên hiện nay cũng đang gặp các vướng mắc liên quan công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng do đang chờ phê duyệt đơn giá bồi thường về đất cho công trình. Đặc biệt, công trình “TBA 110kV Tân Bình và đường dây đấu nối” được triển khai đầu tư từ năm 2013, thế nhưng đến nay, Công ty Cổ phần Xây dựng và Dịch vụ công cộng Bình Dương (đơn vị quản lý khu đất xây dựng trạm, đất này do Nhà nước quản lý) vẫn chưa thống nhất bàn giao mặt bằng để triển khai xây dựng.

Đứng trước những khó khăn, thách thức của ngành điện, nhất là nguy cơ xảy ra các sự cố mất điện làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp do các công trình Đường dây và TBA 110kV chậm hoàn thành đưa vào sử dụng. Trao đổi với phóng viên, ông Lê Minh Quốc Việt, cho biết hiện ngành điện rất mong nhận được sự hỗ trợ, chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự giúp đỡ của các sở, ban ngành, các địa phương và các đơn vị liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng; đồng thời mong nhận được sự thông cảm và chia sẻ của khách hàng trước các khó khăn trong công tác cung cấp điện hiện nay của công ty.

MINH DUY - HỒNG KHANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên