Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa: Bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ

Cập nhật: 12-05-2017 | 08:19:58

Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức đánh giá hiện trạng hệ thống công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa trước mùa mưa lũ năm 2017. Đây là công tác hết sức quan trọng, không chỉ bảo đảm an toàn hồ, đập mà còn mang lại sự an tâm cho vùng hạ du sông Sài Gòn.

Bảm đảm an toàn hồ, đập có ý nghĩa hết sức quan trọng cho vùng hạ du vào mùa mưa lũ. Trong ảnh: Đập xả lũ công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa Ảnh: Q.NHIÊN

 Nhiều hạng mục cần sửa chữa

Công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa là hệ thống thủy nông có quy mô lớn nhất nước ta hiện nay. Nhiệm vụ chính của công trình là cung cấp nguồn nước cho các hoạt động nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt, chống xâm nhập mặn cho hạ du sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông thuộc các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh và Long An. Những năm qua, hồ Dầu Tiếng - Phước Hòa cấp nước tưới trực tiếp cho khoảng 100.000 ha đất nông nghiệp; tạo nguồn tưới cho vùng hạ du của sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông hơn 40.000 ha.

Hiện nay, công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa vẫn bảo đảm an toàn khi hồ tích nước đến cao trình thiết kế +24,4m. Các hạng mục công trình đầu mối hồ chứa nước Dầu Tiếng gồm hồ chứa, đập chính, đập phụ, đập tràn, cống dẫn dòng... tương đối ổn định và hoạt động bình thường; các máy móc, thiết bị vận hành tràn xả lũ bảo đảm vận hành an toàn. Tuy nhiên, ở nhiều hạng mục xuất hiện nhiều điểm xuống cấp cần khắc phục sửa chữa. Cụ thể, tại đập chính và đập phụ, phần đất một số vị trí mái hạ lưu đập phụ cỏ chết do rửa trôi lớp đất màu, đoạn từ K19+500-K27 mặt đập bị sụt lún không bảo đảm mặt cắt thiết kế; phần bê tông đá xây tại mặt tràn, chân mái tượng đài bị bong tróc; rãnh thoát nước từ chân mái đập đoạn từ K15 trở đi bị ứ đọng nước do không có đường tiêu thoát. Tại kênh chính Đông, chính Tây phần đất mặt đường bờ kênh một số đoạn bị sụt lún do xe quá tải lưu thông thường xuyên. Trước thực trạng đó, đơn vị quản lý khai thác hồ Dầu Tiếng đã kiến nghị sửa chữa, nâng cấp các hạng mục đã nêu.

Ông Trần Quang Hùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, cho biết theo quy trình bảo dưỡng, hệ thống công trình hồ Dầu Tiếng - Phước Hòa cần có kinh phí khoảng 5,250 tỷ đồng nhằm bảo trì, nâng cấp, thay thế một số hạng mục đã xuống cấp để bảo đảm quá trình vận hành, sử dụng. Công ty Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa đề nghị các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh và Long An hỗ trợ thực hiện nâng cấp, sửa chữa.

Nhiều phương án ứng phó

Ông Lê Cảnh Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết mặc dù Bình Dương không thuộc vùng được hưởng lợi trong quá trình đưa vào sử dụng và khai thác công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa nhưng lại thuộc vùng hạ du. Do đó, bảo đảm an toàn cho công trình này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác điều tiết lũ, đồng thời bảo đảm mục tiêu tích nước, tiêu phòng và cắt lũ cho tỉnh.

Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, để ứng phó với những tình huống xấu có thể xảy ra trong mùa mưa lũ năm 2017, cơ quan thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa đã chuẩn bị nhân lực, vật tư, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị, lực lượng vũ trang xây dựng các phương án và có kế hoạch thực hiện nhiệm vụ theo những tình huống đặt ra trong công tác PCTT&TKCN. Bên cạnh đó, công ty còn thường xuyên cập nhật, xử lý thông tin về tình hình khí tượng thủy văn, diễn biến mưa lũ trong khu vực hồ; làm tốt công tác chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ” (nhân lực tại chỗ, vật tư thiết bị tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ) góp phần giảm nhẹ thiệt hại do bão, lũ gây ra trong mùa mưa lũ năm 2017.

Về công tác bảo vệ an toàn công trình, trong năm 2017, thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa đã tăng cường lực lượng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để làm tốt công tác bảo vệ công trình; tiếp tục quan trắc, phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ cập nhật tình hình khí tượng thủy văn để xây dựng kế hoạch vận hành hồ trong mùa mưa lũ năm 2017 bảo đảm an toàn. Trong đó, chú trọng phân chia lực lượng bảo vệ các công trình đầu mối và vùng lòng hồ Dầu Tiếng; bảo vệ hệ thống các kênh chính Đông và chính Tây, kênh dẫn Phước Hòa và Dầu Tiếng; luôn túc trực 24/24 để bảo đảm ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm như phá bờ kênh, lấy cắp thiết bị cơ khí, xả chất thải vào lòng hồ...

 

 QUỲNH NHIÊN

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên