Crimea sáp nhập vào Liên bang Nga: Một năm nhìn lại!

Cập nhật: 19-04-2015 | 11:08:17

Một năm sau ngày Crimea được sáp nhập vàp Liên bang Nga (18/3/2014 – 18/3/2015), kết quả các cuộc trưng cầu dân ý cho thấy đa phần người dân trên bán đảo này – thuộc đông đảo mọi tầng lớp, từ người Ukraine, người Nga cho tới cộng đồng người Tatars đều có một thống nhất chung rằng: Họ thích được trở thành một phần của Nga hơn là Ukraine.

Người dân đổ xuống thủ phủ Simerofol của Crimea kỷ niệm tròn 1 năm ngày bán đảo này được sáp nhập vào Liên bang Nga. (Ảnh: AFP/CNA)

Vào tháng 6/2014, tổ chức Gallup đã công bố kết quả thăm dò ý kiến dư luận về việc “Liệu kết quả của cuộc trưng cầu dân ý ngày 16/3/2014 có phản ánh đúng ý chí của người dân Crimea hay không?”. Kết quả là, có tới 82,8% người Crimea trả lời là: Có. Trong khi đó, có tới 93,6% người dân thuộc tộc người Nga cho rằng, kết quả cuộc bỏ phiếu là hoàn toàn hợp pháp và 68,4% người Ukraine chia sẻ quan điểm tương tự. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý của Gallup cũng cho thấy, 73,9% người trả lời câu hỏi tỏ ra hài lòng và cho rằng, cuộc sống của bản thân và gia đình họ đã được cải thiện khi quay trở về với nước Nga.

Tháng 2/2015, kết quả cuộc thăm dò ý kiến do hãng GfK của Đức thực hiện cũng cho thấy, lập trường của người dân Crimea trước quyết định sáp nhập vào Liên bang Nga vẫn không hề thay đổi. Có tới 82% số người được hỏi khẳng định hoàn toàn chắc chắn ủng hộ phương án này; 11% khác tỏ ý đồng tình, trong khi chỉ có 2% trả lời “không biết”; 2% khác tỏ ý phản đối và 3% còn lại không nêu rõ quan điểm cụ thể.

Như vậy, kết quả từ 2 cuộc thăm dò uy tín đều do các hãng truyền thông của phương Tây thực hiện đã chứng tỏ rằng, người dân Crimea cảm thấy hài lòng với cuộc trưng cầu dân ý dẫn tới quyết định trở về với nước Nga và đều khẳng định, cuộc sống hiện nay của họ và gia đình đã được cải thiện rất nhiều so với trước đây. Sau 01 năm với nhiều sóng gió và sức ép nhằm xoay chuyển tình hình từ Kiev, Brussels, Washington cùng Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), người dân Crimea vẫn hài lòng với sự lựa chọn của mình và nước Nga vẫn bảo vệ quyết định do Tổng thống V.Putin đưa ra từ 01 năm về trước.

Trả lời phỏng vấn báo chí hồi cuối tuần trước, Thư ký báo chí Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cảnh báo, Washington và các nước phương Tây vẫn sẽ tiếp tục gia tăng sức ép trừng phạt lên Moscow cho tới khi nào Crimea được đưa trở lại lãnh thổ Ukraine. Về phía Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini mới đây cũng đưa ra cảnh báo rằng, liên minh này sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách không thừa nhận quyết định sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga, thông qua việc duy trì áp lực trừng phạt lên Moscow.

Tuy nhiên, bất chấp những động thái gây sức ép của phương Tây, trong một tuyên bố mới đây, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, Nga sẽ không thay đổi quyết định lịch sử của mình. Phát ngôn viên trên khẳng định: “Không hề có chuyện Nga chiếm đóng Crimea mà bán đảo này là một khu vực thuộc Liên bang Nga và tất nhiên, những chủ đề liên quan tới các vùng lãnh thổ của chúng tôi không thể đem ra thảo luận”.

Vào đúng dịp kỷ niệm 01 năm ngày Tổng thống Nga ký sắc lệnh sáp nhập Crimea, ngày 18/3/2015, Trung tâm Nghiên cứu Dư luận xã hội toàn Nga (VCIOM), đã công bố một kết quả trưng cầu dân ý cho thấy, có tới 2/3 người dân Nga khẳng định họ đang được “hưởng lợi” từ quyết định trên của ông Putin. Người phát ngôn của Hạ viện Nga Sergey Naryshkin nhấn mạnh rằng, diễn biến trên là một minh chứng cho thấy, quyết định sáp nhập Crimea là một trong những “sự kiện lịch sử quan trọng nhất của Liên bang Nga trong thế kỷ 21”.

Phát biểu trên Đài phát thanh Kommersant FM, ngày 16/3, Thị trưởng thành phố Moscow Sergei Sobyanin cho rằng, việc sáp nhập Crimea và Sevastopol thực sự đã mang lại những lợi ích kinh tế cho Nga. Theo nhận định của quan chức này, tình hình tại Crimea sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực trong những năm tới và mở đường cho Moscow có thể thực hiện những dự án đầu tư – vốn đã bị đình trệ từ lâu tại bán đảo này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trước đám đông tại trung tâm thủ Moscow nhân kỷ niệm tròn 1 năm ngày ông ký sắc lệnh sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ Liên bang Nga. (Ảnh: AFP)

Ngày 18/3/2015, lễ kỷ niệm đầu tiên nhân tròn 01 năm ngày Tổng thống Vladimir Putin ký sắc lệnh đưa bán đảo Crimea quay trở về với đất mẹ Nga đã được tổ chức long trọng tại nhiều thành phố, nhiều vùng lãnh thổ của Liên bang Nga, từ bán đảo Kamchatka thuộc vùng Viễn Đông cho tới vùng Kaliningrad thuộc phía Tây nước Nga.

Phát biểu trước 110.000 người tham gia mít-tinh tại Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu rõ, quyết định được ông đưa ra từ 01 năm về trước là nhằm bảo vệ người Nga và giành lại “cội nguồn lịch sử” của dân tộc. “Chúng ta đều nhận thức được một điều rằng, vấn đề Crimea không chỉ nằm ở câu hỏi về lãnh thổ, ngay cả khi lãnh thổ là một điều quan trọng mang tầm chiến lược… Vấn đề nằm ở hàng triệu người dân Nga, về hàng triệu đồng bào đang cần tới sự trợ giúp của chúng ta… Cảm ơn vì sự ủng hộ của các bạn. Nước Nga muôn năm!”. Ông Putin tin tưởng rằng, nước Nga sẽ vượt qua mọi thách thức và khó khăn trước các âm mưu lật đổ của các thế lực bên ngoài. Nhà lãnh đạo này kêu gọi người dân Ukraine lên án những phần tử theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đồng thời hướng tới tương lai bình thường mối quan hệ giữa hai nước láng giềng.
Nhân dịp này, nhiều hãng báo chí, thông tấn Nga đã dẫn lại các số liệu trưng cầu dân ý cho thấy, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Putin đã tăng đáng kể - lên mức 90% sau sự kiện bán đảo Crimea sáp nhập vào Liên bang Nga. Điều đó cho thấy, bất chấp những khó khăn về kinh tế và những áp lực cấm vận, cô lập từ phương Tây, người dân Nga vẫn tin tưởng và lạc quan vào những quyết sách của ông Putin cũng như một tương lai tươi sáng hơn đang chờ xứ xở Bạch Dương ở phía trước.

Một năm đã trôi qua kể từ ngày Crimea được sáp nhập vào Liên bang Nga, song cuộc tranh cãi giữa bộ ba: Nga, Ukraine và phương Tây về chủ quyền của bán đảo bên bờ Biển Đen này vẫn còn chưa ngã ngũ. Cho tới nay, cuộc khủng hoảng diễn biến căng thẳng tại Ukraine vẫn là một chủ đề thời sự không chỉ đối với riêng châu Âu mà còn đối với toàn thế giới. Tuy nhiên, tình thế đã có nhiều đổi khác so với một năm về trước. Vấn đề gây nhức nhối trong dư luận hiện không còn là chủ quyền của Crimea, mà là đã chuyển hướng sang tình hình chiến sự liên tục tái diễn tại Đông Ukraine – vốn đang bị giằng xé giữa hai sự lựa chọn, hoặc là đi theo chính phủ thân phương Tây, hoặc là tách khỏi Ukraine và đi theo con đường riêng.

Bức tranh đối lập đang diễn ra tại Crimea và miền Đông Ukraine sau 1 năm qua cho thấy, sự lựa chọn xuất phát từ ý chí và nguyện vọng của nhân dân – chứ không phải sự áp đặt hay thúc ép từ bất kỳ thế lực nào, mới chính là chìa khóa dẫn tới một tương lai hòa bình và ổn định./.

Theo Dangcongsan.vn

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên