Cú hích cho kinh tế địa phương

Cập nhật: 13-04-2020 | 08:47:47

Việc triển khai đầu tư đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng tạo thành trục đường liên kết, kết nối giao thông với các trục chính như ĐT746, ĐT741, ĐT750, ĐH502, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện Bắc Tân Uyên.

 Tuyến tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng hoàn thành sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện Bắc Tân Uyên phát triển. Trong ảnh: Trường Tiểu học Tân Định được xây dựng khang trang

Người dân đồng thuận

Về xã Tân Định, thị trấn Tân Thành huyện Bắc Tân Uyên những ngày này, không khí chờ đợi tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng hiện lên rất rõ. Đi đến đâu, chúng tôi cũng nghe nói chuyện đền bù, chuyện phát triển kinh tế khi tuyến đường hoàn thành. Tiếp xúc với các hộ dân có đất giải tỏa, đền bù tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng ai nấy đều rất phấn khởi.

Ông Huỳnh Tấn Vĩ, Chủ tịch UBND xã Tân Định, cho biết từ khi có thông tin tuyến đường tạo lực đi ngang địa phương người dân rất phấn khởi. Người dân chờ đợi sự phát triển kinh tế khi con đường huyết mạch này hoàn thành. Giá đền bù đất cũng được bà con ủng hộ, đồng tình vì bảo đảm quyền lợi của người dân. “Tính đến năm 2019, giá đất đền bù cao gấp 2, 3 lần so với giá đất thị trường thời điểm chưa có thông tin về tuyến đường ngang qua. Trước đây đất tại xã Tân Định khoảng 2 - 3 tỷ đồng/ha tùy vào vị trí thì giá Nhà nước tính đền bù gấp 2 - 2,5 lần (5 - 6 tỷ đồng/ha tùy vị trí). Mức giá như vậy thì đến mơ ước… trước đó người dân cũng không nghĩ đến”, ông Huỳnh Tấn Vĩ chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm này, ông Huỳnh Văn Điếp (ấp 1, xã Tân Định), cho biết giá đất Nhà nước đền bù rất thỏa đáng cho người dân, cao hơn so với giá thị trường, quan trọng hơn nếu có con đường đi ngang qua thì giá trị đất, cơ hội làm ăn của người dân mở ra rất lớn. “Thật lòng thì với giá đó ai cũng mong có đất được đền bù. Gia đình tôi chỉ bị giải tỏa một phần nhỏ diện tích đất nông nghiệp đã được đền bù hơn 30 triệu đồng, nhưng quan trọng nhất là đất của tôi ra mặt tiền, giá trị đất cao lên. Sau này nếu không làm nông nghiệp nữa thì khi tuyến đường đi qua sẽ chuyển đổi sang làm thương mại, dịch vụ. Bà con trong ấp dù ai có đất đền bù hay không cũng rất phấn khởi…”, ông Huỳnh Văn Điếp quả quyết .

Ông Mai Đức Triệu (ấp Bà Đả, xã Tân Định), người được đền bù 1.800m2 đất không có đường vào, song vẫn được tính hơn 600 triệu đồng. Đất của ông Triệu nằm ở vị trí 4, đường cụt, không có đường nên theo ông giá đền bù như vậy đã là quá thỏa đáng. “Nếu với vị trí ấy đem bán thì chắc khoảng được một nửa số tiền đền bù. Giờ đền bù đất xong, đất còn lại ra đường lớn, khuôn viên đất trước đây giờ được ra mặt tiền. Chưa nói đến đền bù, chỉ việc đất ra đường lớn, giá trị hơn, gia đình tôi đã thấy quá may mắn rồi”, ông Mai Đức Triệu vui vẻ nói.

Ông Lê Ngọc Dũng, Chủ tịch UBND thị trấn Tân Thành, cho biết giá đất đền bù tại thị trấn Tân Thành so với giá thị trường hiện cũng đã cao gấp 1,5 - 2 lần. Chính gia đình ông cũng có đất đền bù nên biết giá như vậy là quá thỏa đáng, đa số người dân địa phương cũng đồng thuận. “Thị trấn cũng đã nỗ lực hết sức để giải thích, vận động người dân hiểu và sớm nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng cho ban quản lý dự án”, ông Lê Ngọc Dũng nói.

Khi chúng tôi đặt vấn đề tại sao giá đền bù cao vậy mà thời gian qua người dân vẫn khiếu kiện, không nhận tiền đền bù. Ông Lê Ngọc Dũng cho biết chỉ một số ít người “cố đấm ăn xôi”, dù họ đã được giải thích nhiều lần rằng đây là mức giá cao gấp 1,5 lần so với thị trường. Một số hộ dân bị lôi kéo bởi nhóm người nói trên đồng ý ký vào đơn khiếu kiện hoặc vì “nể nang” làng xóm họ ký đơn tập thể. Song đến nay, sau quá trình vận động, giải thích của các cấp chính quyền bằng những bằng chứng sát thực về giá đất thị trường, đa số người dân đã hiểu ra và đã nhận tiền đền bù.

Về vấn đề này, ông Huỳnh Tấn Vĩ cho biết tại xã Tân Định thì số vụ khiếu kiện rất ít. Một số hộ kiến nghị lên các cấp xem xét đền bù các công trình xây trên đất nông nghiệp theo kiểu “thêm đồng nào hay đồng ấy”. Xã cũng đã phối hợp cùng các cấp vận động, giải thích cho người dân hiểu mọi quyết định đền bù giải tỏa đều xây dựng trên cơ sở của pháp luật và trên tinh thần là bảo đảm lợi ích cao nhất cho người dân.

 Kỳ vọng kinh tế phát triển

Ông Thái Thanh Bình, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên, cho biết huyện chỉ đạo quyết liệt các cơ quan, ban ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh trong công tác tuyên truyền, vận động, bồi thường, giải phóng mặt bằng. Vì đây là công trình trọng điểm của tỉnh và có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của huyện. Đối với địa phương, công trình có ý nghĩa giải quyết thế bế tắc giao thông ngõ cụt hiện nay của huyện, mở ra hướng giao thông đối ngoại, phát huy giá trị công trình cầu Thủ Biên nối Bình Dương với Đồng Nai. Công trình hoàn thành, giao thông qua lại huyện Bắc Tân Uyên sẽ trở nên nhộn nhịp, sôi động, giúp địa phương phát triển mạnh mẽ hơn.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo thị trấn Tân Thành, xã Tân Định đều kỳ vọng con đường hoàn thành sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương. Ông Huỳnh Tấn Vĩ , Chủ tịch UBND xã Tân Định, cho biết người dân rất chờ đợi ngày con đường khởi công. Nhiều hộ dân sau khi nhận tiền đền bù đã sửa sang nhà cửa khang trang hơn. Nhiều hộ gia đình cũng đã có kế hoạch phát triển thương mại dịch vụ. Lãnh đạo địa phương cũng mong muốn khi công trình đi ngang qua sẽ đẩy mạnh việc thu hút đầu tư vào địa phương, tạo cú hích để công nghiệp phát triển song song với nông nghiệp công nghệ cao.

Ông Nguyễn Phú Văn (ấp Vườn Ươm, xã Tân Định), cho biết người dân rất đồng tình với chính sách của Nhà nước. Ông kỳ vọng, công nghiệp của Bắc Tân Uyên và công nghiệp của Tân Định sẽ khởi sắc khi công trình hoàn thành, thúc đẩy kinh tế địa phương, nhất là công nghiệp chế biến nông sản sẽ khởi sắc ngay trên chính vùng đất phát triển nông nghiệp công nghệ cao này. “Tuyến đường hoàn thiện chắc chắn giá nông sản của xã sẽ lên cao khi lưu thông thuận lợi, thương lái sẽ thu mua với giá cao… Nghĩ đến đây thôi mà bao người dân ấp Vườn Ươm chúng tôi đã thấy phấn khởi, ai cũng chờ đợi…”, ông Nguyễn Phú Văn nói.

 Dự án xây dựng đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng đoạn từ Tân Thành đến cầu Tam Lập có tổng chiều dài 9,4km, quy mô bề mặt cắt ngang 40,5m. Dự án xây dựng hoàn thiện hệ thống thoát nước dọc hai bên tuyến, hệ thống chiếu sáng, hệ thống cấp điện, cây xanh, tổ chức giao thông đồng bộ, với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 725 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và vốn hỗ trợ của Tổng Công ty Becamex IDC. Tuyến đường này sẽ được xây dựng với quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 40,5m. Tổng kinh phí xây dựng toàn tuyến đường tạo lực nói trên là gần 3.100 tỷ đồng.

 MY PHAN  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên