Cử tri đề nghị ngành y tế có chương trình, kế hoạch để nâng cao sức khỏe, tầm vóc cũng như thể trạng của người Việt Nam

Cập nhật: 31-03-2010 | 00:00:00

Trong đợt tiếp xúc cử tri vừa qua, cử tri tỉnh Bình Dương kiến nghị: “Trước thể trạng chiều cao, cân nặng và sức khỏe của người Việt Nam còn hạn chế so với các nước, cử tri đề nghị ngành y tế có chương trình, kế hoạch để nâng cao sức khỏe, tầm vóc cũng như thể trạng của người Việt Nam, vì hiện nay tỷ lệ phát triển chiều cao, cân nặng trung bình của nước ta so với một số nước trong khu vực vẫn còn thấp, về lâu dài sẽ hạn chế trong thi đấu thể thao cũng như các hoạt động xã hội khác”. Vấn đề kiến nghị của cử tri được Bộ Y tế có văn bản trả lời như sau:

Những năm qua, công tác dân số luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Nâng cao thể lực, sức khỏe của người dân cũng được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế. Với những nỗ lực trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, so với năm 1975 tầm vóc, thể lực của trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt. Sau 25 năm chiều cao trung bình của nam thanh niên 18 - 19 tuổi tăng 4,5cm và nữ thanh niên tăng 4cm. Một số chỉ tiêu về sức khỏe bà mẹ, trẻ em đạt kết quả khá tốt. Tỷ lệ chết trẻ em dưới 1 tuổi giảm từ 44,40/00 năm 1989 xuống còn 150/00 năm 2008; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm nhanh từ 51,5% năm 1990 xuống còn 21,2% năm 2008. Tỷ lệ tử vong mẹ đã được hạ xuống còn 75/100.000 trẻ sinh ra sống (năm 2008).

Tuy nhiên, chiều cao của thanh niên Việt Nam 18 tuổi còn thấp hơn rất nhiều so với chuẩn quốc tế; so với các nước trong khu vực. Chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam còn thấp hơn 6 - 7cm so với thanh niên Singapore, 2cm so với thanh niên Thái Lan và 2 - 3cm so với thanh niên Quảng Tây, Trung Quốc.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng cao thể trạng và tầm vóc của người Việt Nam, Bộ Y tế đã và đang triển khai dự án thử nghiệm, mở rộng một số mô hình, giải pháp can thiệp góp phần nâng cao chất lượng dân số Việt Nam, như: Mô hình can thiệp về sàng lọc trước sinh, sơ sinh để phát hiện và điều trị sớm một số bệnh bẩm sinh, dị tật sơ sinh và các khuyết tật; nghiên cứu thử nghiệm một số mô hình can thiệp về xã hội nhằm loại bỏ hoặc thay đổi phong tục, tập quán lạc hậu làm suy thoái chất lượng giống nòi; mô hình nâng cao chất lượng dân số của một số dân tộc có nguy cơ suy giảm chất lượng.

Vừa qua, Bộ Y tế cũng đã trình Chính phủ dự thảo “Đề án tổng thể nâng cao chất lượng dân số giai đoạn 2011-2020” với mục tiêu nâng cao chất lượng dân số Việt Nam về thể chất, trí tuệ và tinh thần, bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự phát triển bền vững của đất nước và các mục tiêu cụ thể là nâng cao chất lượng dân số Việt Nam về thể chất, trí tuệ và tinh thần là một quốc sách quan trọng, đòi hỏi phải có sự can thiệp lâu dài qua nhiều thế hệ và kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ của các bộ, ban ngành cũng như của các đoàn thể chính trị - xã hội trên cơ sở xác định tổng thể, toàn diện các yếu tố tác động lên chất lượng dân số.

(Nguồn: VP.Đoàn ĐBQH-HĐND tỉnh)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên