Cụm doanh nghiệp an toàn PCCC trong KCN VSIP I: Gương mẫu, đi đầu về bảo đảm an toàn PCCC

Cập nhật: 15-01-2018 | 08:08:40

Cụm doanh nghiệp an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) trong Khu công nghiệp (KCN) Việt Nam - Singapore I (VSIP I) là mô hình đầu tiên được Cảnh sát PC&CC tỉnh vận động triển khai tại Bình Dương. Ban đầu mô hình này có 8 thành viên, hoạt động theo chương trình, kế hoạch các thành viên thống nhất đề ra, cùng sự hỗ trợ hướng dẫn về nghiệp vụ của Cảnh sát PC&CC. Sau 2 năm đi vào hoạt động, số lượng thành viên đã tăng lên, kinh nghiệm về bảo đảm an toàn PCCC được lan tỏa với tính chuyên nghiệp ngày càng cao. Đặc biệt, từ ngày thành lập và đi vào hoạt động đến nay, các thành viên trong cụm đã không để xảy ra sự cố hay bất cứ vụ cháy nào.

 Đại diện các thành viên trong Cụm doanh nghiệp an toàn PCCC trong KCN VSIP I thể hiện quyết tâm đoàn kết - trách nhiệm - bảo đảm an toàn PCCC. Ảnh: DUY CHÍ

 Vai trò người đứng đầu

Cụm doanh nghiệp an toàn PCCC trong KCN VSIP I được thành lập tháng 9-2015, lấy KCN VSIP I làm thí điểm để triển khai ra các KCN khác trên địa bàn tỉnh. Đến tháng 11- 2016, Công ty TNHH Ắc quy GS Việt Nam tham gia, nâng tổng số doanh nghiệp trong cụm lên 9 thành viên, gồm: Công ty TNHH Takako Việt Nam, Công ty TNHH Sakata Inx Việt Nam, Công ty Cổ phần Dược phẩm Glomed, Công ty TNHH Apparel Far Eastern Việt Nam, Công ty TNHH Wonderful SaiGon Electric, Công ty TNHH Stada Việt Nam, Công ty TNHH URC Việt Nam, Công ty TNHH Dai Ichi Seiko Việt Nam và Công ty TNHH Ắc quy GS Việt Nam.

Cụm doanh nghiệp an toàn PCCC hoạt động tại một KCN được xếp hạng kiểu mẫu tại Việt Nam, được bảo đảm về hạ tầng với đầy đủ các yếu tố kỹ thuật như cung cấp điện, nước, viễn thông, xử lý nước thải, chất thải. Ngoài đội bảo vệ chuyên nghiệp hoạt động 24/24 giờ, nơi đây còn có Đội PCCC chuyên nghiệp, được trang bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện chữa cháy hiện đại, đủ sức dập tắt các đám cháy từ khi mới phát sinh. Từ chỉ huy đến các thành viên đội chữa cháy đều đã qua huấn luyện, rèn luyện, thử thách thực tế trong công tác PCCC, trong đó có nhiều thành viên xuất thân từ Cảnh sát PC&CC.

Nhớ lại ngày ra mắt Cụm doanh nghiệp an toàn PCCC trong KCN VSIP I, ông Trang Văn Tốt, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Glomex cho biết, máy móc, khoa học - công nghệ càng phát triển thì nguy cơ cháy nổ luôn rình rập phía sau, bởi vì máy móc, thiết bị công nghệ nào cũng cần phải có năng lượng để hoạt động. Dây chuyền công nghệ càng lớn, càng sử dụng nhiều năng lượng thì nguy cơ phát sinh nhiệt gây cháy càng cao. Nếu chủ quan, tự mãn với những cái mình đã có mà xem nhẹ công tác đề phòng cháy nổ, thiếu ý thức xây dựng đội ngũ kỹ thuật, PCCC thì đến những thiết bị tối tân như phi thuyền, tàu vũ trụ... cũng đều có thể bị cháy.

Ông Tốt chia sẻ, nhà máy sản xuất dược phẩm với máy móc thiết bị inox sạch bóng, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh, vận hành máy là những người có trình độ học vấn, kỹ thuật cao nhiều người thường chủ quan cho rằng rất khó xảy ra cháy. Tự tin suy nghĩ như vậy là chưa đúng, bởi vì để các cỗ máy này vận hành tốt, cần phải có dây chuyền hỗ trợ khác hao tổn rất nhiều năng lượng. Và nếu công ty mình đã an toàn rồi thì việc đầu tư an toàn PCCC theo quy định vẫn tốt hơn, nhằm tự bảo vệ mình hoặc hỗ trợ các đơn vị khác khi có hữu sự. Giúp bạn lúc hoạn nạn còn có ý nghĩa là tự giúp mình trong những hoàn cảnh đặc biệt.

Theo đánh giá, hiện nay, mô hình thí điểm, làm nền tảng để nhân rộng ra các KCN trên địa bàn tỉnh góp phần phát triển phong trào toàn dân PCCC rất cần những tấm gương xung kích, đi đầu của người đứng đầu, cùng các thành viên là lãnh đạo doanh nghiệp tham gia thành lập Cụm doanh nghiệp an toàn PCCC trong KCN VSIP I.

Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”

Các thành viên tham gia Cụm doanh nghiệp an toàn PCCC trong KCN VSIP I đều là những doanh nghiệp đạt tiêu chí an toàn PCCC, chấp hành tốt các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn PCCC, thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ xây dựng phong trào toàn dân PCCC... Được sự hướng dẫn, hỗ trợ của Cảnh sát PC&CC tỉnh trong công tác xây dựng Cụm doanh nghiệp an toàn PCCC trong KCN theo phương thức xã hội hóa công tác PCCC, các doanh nghiệp đã hỗ trợ nhau trong việc tuyên truyền và thực hiện các nhiệm vụ an toàn PCCC tại doanh nghiệp, đơn vị mình như: Tổ chức, sắp xếp và quản lý hồ sơ an toàn PCCC đúng quy định, khoa học, hiệu quả, từ đó áp dụng trong việc sắp xếp hàng hóa, tổ chức sản xuất an toàn, hiệu quả. Trên cơ sở đó, tiến tới xây dựng phương án huấn luyện, diễn tập PCCC và cứu nạn cứu hộ tại đơn vị sát với thực tế hoạt động; tổ chức kiểm tra chéo lẫn nhau theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện tại chỗ và vật tư, hậu cần tại chỗ) nhằm bảo đảm an toàn trong hoạt động và xử lý kịp thời, có hiệu quả khi có tình huống xảy ra cụ thể.

Mỗi doanh nghiệp phải xây dựng nội quy, các biển cấm, biển báo, sơ đồ, bảng chỉ dẫn về PCCC, thoát nạn phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động của cơ sở; phân công trách nhiệm, nhiệm vụ PCCC cụ thể cho các thành viên và thường xuyên kiểm tra theo nhiệm vụ và lịch đã phân công. Bên cạnh đó, hệ thống điện, hệ thống thu lôi - chống sét, thiết bị sử dụng điện, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt, nguồn lửa, nguồn nhiệt phải được bảo đảm an toàn về PCCC. Các hệ thống chống sét, thiết bị sử dụng điện phải được kiểm tra điện trở nối đất định kỳ trước mùa mưa hàng năm; có quy trình kỹ thuật an toàn về PCCC phù hợp với điều kiện sản xuất; có đội PCCC cơ sở đã qua đào tạo nghiệp vụ, bảo đảm số lượng, thường xuyên được huấn luyện, tổ chức diễn tập, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ. Cùng với đó, phương án chữa cháy thoát nạn phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; định kỳ hàng năm phải tổ chức thực tập phương án chữa cháy; hệ thống đường giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phải bảo đảm yêu cầu công tác PCCC. Đối với hệ thống, phương tiện PCCC được lắp đặt, trang bị phải bảo đảm về chất lượng, số lượng, duy trì hoạt động; định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng đúng yêu cầu kỹ thuật, quy định...

Qua 2 năm hoạt động, được sự quan tâm hỗ trợ, chỉ đạo sát sao của Cảnh sát PC&CC tỉnh cùng với tinh thần làm việc tích cực, trách nhiệm và hiệu quả của các đơn vị thành viên, Cụm doanh nghiệp an toàn PCCC trong KCN VSIP I đã không để xảy ra vụ cháy nào.

Tổng kết 2 năm hoạt động, Cụm trưởng Cụm doanh nghiệp an toàn PCCC trong KCN VSIP I - lãnh đạo Công ty TNHH Dai Ichi Saiko Việt Nam cho biết, có thể nói mô hình Cụm doanh nghiệp an toàn PCCC trong KCN là thành công bước đầu trong việc xã hội hóa công tác PCCC. Mô hình là nguồn lực mới cho công tác bảo đảm an toàn PCCC trên địa bàn KCN VSIP I nói chung và các doanh nghiệp trong cụm nói riêng. Mô hình này đã giúp các doanh nghiệp có điều kiện học tập, chia sẻ kinh nghiệm quản lý; giúp lãnh đạo doanh nghiệp quan tâm thường xuyên đến công tác PCCC, khắc phục kịp thời các thiếu sót, yếu kém trong đơn vị, doanh nghiệp.

 Đại tá Vũ Thanh Tâm, Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PC&CC tỉnh: Cảnh sát PC&CC tiếp tục hỗ trợ, nhân rộng mô hình

Bình Dương hiện có 22.000 cơ sở thuộc diện phải quản lý về PCCC, trong đó có 3.850 cơ sở nguy hiểm về cháy nổ, 60 nhà cao tầng, 300 khách sạn, siêu thị, 3 kho xăng dầu... Qua 2 năm hoạt động, mô hình Cụm doanh nghiệp an toàn PCCC trong KCN VSIP I đã không để xảy ra vụ cháy nổ nào là thành công quan trọng trong công tác tuyên truyền vận động và phát triển phong trào toàn dân PCCC. Đạt được kết quả trên là nhờ vai trò của người đứng đầu được phát huy. Trong thời gian tới, Cảnh sát PC&CC tỉnh sẽ tiếp tục công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp nhằm nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh, góp phần bảo đảm an toàn PCCC cho sản xuất và phát triển.

 DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên