Cùng hành động vì trẻ tự kỷ 

Cập nhật: 02-04-2015 | 08:30:16

Ngày Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ 2-4 năm nay có chủ đề “Cùng hành động vì trẻ tự kỷ”. Trẻ tự kỷ ngày càng nhiều và gia đình, xã hội cần chung tay giúp các em hòa nhập cộng đồng…

Trao đổi với chúng tôi về trẻ mắc hội chứng tự kỷ, bác sĩ Lại Văn Thăng, Phó Giám đốc Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng tỉnh cho biết, đây là vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn. Theo bác sĩ Thăng, tỷ lệ trẻ mắc hội chứng tự kỷ ngày càng cao. Tự kỷ là một loại khuyết tật phát triển suốt đời được thể hiện trong vòng 3 năm đầu đời. Đây là do rối loạn của hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ. Bệnh có thể xảy ra với bất kỳ ai không phân biệt giới tính, chủng tộc, giàu nghèo và địa vị xã hội. Tự kỷ biểu hiện bằng những khiếm khuyết trong tương tác xã hội; khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ. Các hành vi, sở thích, hoạt động mang tính hạn hẹp và lặp đi lặp lại. Một trong những nguyên nhân gây nên chứng tự kỷ mà bác sĩ Thăng đưa ra là trẻ em ngày xưa sinh hoạt quây quần cùng ba mẹ, anh chị em cùng nhà. Nay trẻ được tách mẹ quá sớm, có trường hợp từ lúc sơ sinh nên bé bị hạn chế về tiếp xúc cũng như ngôn ngữ. Trẻ sơ sinh được ở phòng riêng, cách biệt với người lớn; trong khi đó, những cử chỉ, vuốt ve, lời nói… của người lớn lại là những “bài học đầu tiên” để bé có được kỹ năng như người bình thường. Đây là một trong những điều cần điều chỉnh và cũng để sớm phát hiện trẻ tự kỷ.

Nguyên nhân gây ra chứng tự kỷ cho đến nay vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Tuy nhiên, nếu cha mẹ quan tâm cũng có thể nghĩ đến con trẻ mắc chứng này trong giai đoạn trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo có thể giúp cho cha, mẹ theo dõi để phát hiện sớm chứng tự kỷ: Khi trẻ 6 tháng, không biết cười lớn tiếng hoặc không có biểu lộ vui vẻ thích thú khác. Khi 9 tháng tuổi, trẻ không chia sẻ qua lại với những âm thanh, nụ cười, hoặc biểu lộ nét mặt; không bi bô, không biết dùng cử chỉ, ra dấu vào khoảng 12 tháng tuổi; không biết nói từ đơn khi trẻ được 16 tháng tuổi; không biết đáp lại khi được gọi tên; khi trẻ 24 tháng tuổi, không tự nói được câu có 2 từ, không chú ý giọng nói người khác... Với các trẻ có các biểu hiện trên, gia đình nên đưa trẻ đến khám và đánh giá tại phòng khám của khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 2 hoặc Nhi Đồng 1 (TP.Hồ Chí Minh) sớm trước 3 tuổi.

Cũng theo bác sĩ Lại Văn Thăng, Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng tỉnh thỉnh thoảng vẫn khám và gặp các trường hợp “nghi ngờ” trẻ mắc chứng tự kỷ. Nói nghi ngờ là bởi, cần có hội đồng giám định y khoa với nhiều kết quả khám bệnh mới kết luận được. Hiện, bệnh viện chỉ điều trị cho trẻ chậm phát triển tinh thần và vận động chứ không điều trị trẻ tự kỷ. Hội chứng này cần một môi trường điều trị, giáo dục chuyên biệt và quan trọng hơn hết là gia đình, xã hội cần biết về chứng tự kỷ, yêu thương, chăm sóc trẻ tự kỷ đúng phương pháp để giúp các em sớm hòa nhập cộng đồng.

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên