Cuộc bầu cử vẽ lại diện mạo bàn cờ chính trị Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu

Cập nhật: 24-06-2018 | 21:48:54

Những người ủng hộ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và đảng Công lý và Phát triển (AKP) tham gia cuộc míttinh ở Ankara. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 24/6, khoảng 57 triệu cử tri Thổ Nhĩ Kỳ đi bỏ phiếu để bầu tổng thống, cũng như 600 nghị sỹ quốc hội trong cuộc bầu cử sớm.

Thay vì diễn ra vào ngày 3/11/2019 như lịch trình bầu cử 5 năm một lần, đây là cuộc bầu cử mang tính bước ngoặt, nhằm cụ thể hóa những thay đổi căn bản trong Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ, được thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 16/4/2017, theo đó chuyển từ chế độ chính trị nghị viện sang chế độ tổng thống, cuộc bầu cử này sẽ vẽ lại diện mạo mới trên bàn cờ chính trị Thổ Nhĩ Kỳ sau rất nhiều xáo trộn gần đây.

Theo hiến pháp sửa đổi, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có quyền hạn rất lớn, ít chịu sự kiểm soát và giữ quyền phế truất thủ tướng, bổ nhiệm các phó tổng thống và các bộ trưởng, bổ nhiệm các thành viên của tòa án hiến pháp, hội đồng thẩm phán và công tố viên...

Vì điều này, cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi hiến pháp từng gặp rất nhiều sóng gió, bị phe đối lập tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng như nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế lên tiếng chỉ trích gay gắt, thậm chí cáo buộc gian lận...

Diễn ra trong bối cảnh bản Hiến pháp mới vừa được thông qua hơn một năm, cuộc bầu cử sớm này tuy không gây bất ngờ với dư luận, song lại đặt các đối thủ của Tổng thống đương nhiệm Recep Tayyip Erdogan cũng như các đảng đối lập với đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyến vào tình thế khó khăn, khi sự chuẩn bị của họ cho một cuộc chạy đua vào ghế tổng thống và nghị viện là chưa đầy đủ và chín muồi.

AKP đã dẫn dắt Thổ Nhĩ Kỳ liên tục gần 16 năm qua, có danh tiếng rất lớn trong nước. Nhưng bắt đầu từ năm 2013, bê bối tham nhũng trong nội bộ đảng này liên tục diễn ra, cộng với tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút, tỷ lệ ủng hộ đối với AKP và ông Erdogan bắt đầu giảm.

Điều này thể hiện trong cuộc bầu cử quốc hội tháng 6/2015 và cuộc trưng cầu dân ý sửa đổi hiến pháp năm 2017 do ông Erdogan và AKP thúc đẩy, chỉ có 51% cử tri ủng hộ, vừa đủ để dự thảo sửa đổi hiến pháp được thông qua ở qua ranh giới nguy hiểm.

Những dấu hiệu suy thoái và bất ổn kinh tế đang tác động tới tâm lý cử tri Thổ Nhĩ Kỳ, khi lạm phát ở mức gần 11% vào tháng 4/2018, đồng nội tệ lira mất giá mạnh so với đồng USD - mất thêm khoảng 10% kể từ tháng 1/2018 sau khi đã mất tới 22% vào năm ngoái, thâm hụt tài khoản vãng lai lên tới 53,3 tỷ USD trong 12 tháng qua...

Sự suy yếu của đảng Phong trào dân tộc (MHP) khiến tương quan lực lượng chính trị trong nước có sự thay đổi theo chiều hướng không có lợi cho ông Erdogan.

Tuy nhiên, chiến dịch "Nhành Ôliu" với danh nghĩa xóa bỏ mối đe dọa ở biên giới, điều động quân đội tiến vào khu vực Afrin ở phía Bắc Syria và giành thắng lợi quân sự đã làm phấn chấn tinh thần của người dân. Tâm lý dân tộc chủ nghĩa ở Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện làn sóng mới dâng cao, tỷ lệ ủng hộ ông Erdogan và AKP cũng gia tăng trở lại.

Đây là cơ hội tốt để ông Erdogan và AKP ấn định một cuộc bầu cử sớm, trước khi hiệu ứng này mất đi do lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ không thể tiến sâu hơn trong chiến dịch chống lại các chiến binh người Kurd thuộc các Đơn vị bảo vệ nhân dân (YPG) ở Afrin.

Trong số 6 ứng cử viên tranh cử tổng thống, ông Erdogan tỏ rõ ưu thế vượt trội khi đã chi phối đời sống chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ hơn 15 năm qua, trên cương vị Thủ tướng từ năm 2003 rồi Tổng thống từ năm 2014.

Đồng thời, lãnh đạo AKP này cũng nhận được sự ủng hộ của đảng Phong trào dân tộc (MHP) - đại diện của phe cánh hữu theo đường lối dân tộc chủ nghĩa cực đoan.

Dù vậy, ông Erdogan cũng phải cạnh tranh với những ứng cử viên còn lại, bao gồm Muharrem Ince - đại diện cho đảng Nhân dân cộng hòa (CHP), một đảng đối lập chính của MHP; Meral Aksener - cựu Bộ trưởng Nội vụ, đại diện đảng Tốt đẹp (Iyi), một đảng trung hữu mới ra đời; Selahattin Demirtas - người của đảng Dân chủ nhân dân (HDP) ủng hộ người Kurd; Temel Karamollaoglu - đại diện đảng Saadet (SP) theo đường lối Hồi giáo - dân chủ và ủng cử viên đảng Yêu nước (VP), theo đường lối dân tộc chủ nghĩa Dogu Perincek.


Những người ủng hộ ứng cử viên Muharrem Ince tham gia cuộc míttinh vận động tranh cử ở Ankara, ngày 22/6. (Nguồn: THX/TTXVN)

Hiện tại, bốn chính đảng ở Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho ứng cử viên đối lập, điều này có thể đẩy cuộc bầu cử tổng thống bước vào vòng hai, dự kiến diễn ra vào ngày 8/7. Trong cuộc bầu cử năm 2014, ông Erdogan đã chiến thắng ngay từ vòng đầu tiên.

Khác với cuộc bầu cử tổng thống, cuộc bầu cử lập pháp sẽ xác định 600 ghế tại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, tăng 50 ghế so với trước thời điểm sửa đổi hiến pháp. Đây là cuộc cạnh tranh giữa hai khối chính trị lớn tại Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay, bao gồm liên minh giữa AKP - MHP và liên minh giữa CHP, Iyi và SP.

Nếu như AKP và MHP đặt trọng tâm chính trị nghiêng về cánh hữu, truyền bá chủ nghĩa dân tộc hung hăng và chủ nghĩa bài người Kurd, thì liên minh còn lại vốn không đồng nhất, được lập ra với mong muốn tạo ra rào cản đối với ông Erdogan và hướng tới việc ngăn AKP giành được đa số tại quốc hội. Kết quả thăm dò trước bầu cử cho thấy cả hai liên minh đều đang ở thế tương đối cân bằng, có khả năng giành được từ 40 đến 45% phiếu bầu.

Đảng Dân chủ nhân dân (HDP) đã không tham gia liên minh nhưng sẽ nắm giữ vai trò trọng yếu trong cuộc bầu cử này. Nếu vượt ngưỡng 10% số phiếu bầu trên toàn quốc, HDP sẽ có đại diện tại Quốc hội và có thể tiếp tục hành động để bảo vệ các quyền dân chủ, bất chấp việc đảng này đang chịu sự ảnh hưởng từ các hoạt động phong tỏa mạnh mẽ chống người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng đứng độc lập như HDP còn có các đảng VP và đảng Tự do Chính nghĩa (HÜDAPAR).

Kể từ sau cuộc đảo chính bất thành vào tháng 7/2016, Thổ Nhĩ Kỳ được đặt trong tình trạng khẩn cấp và duy trì cho đến nay. Điều đó có nghĩa là cuộc trưng cầu dân ý sửa đổi hiến pháp hồi tháng 4/2017, cũng như hai cuộc bầu cử tổng thống - quốc hội này đều diễn ra trong những điều kiện ngặt nghèo, đặc biệt đối với các lực lượng đối lập, khi chính quyền nắm giữ quyền kiểm soát về an ninh, truyền thông...

Tuy vậy, lực lượng đối lập tại Thổ Nhĩ Kỳ đang làm hết sức những gì có thể với hy vọng sẽ ngăn cản được ông Erdogan tái đắc cử Tổng thống, cũng như AKP chiếm đa số tại Quốc hội. Đây rõ ràng không phải là một mục tiêu có thể mang lại cho Thổ Nhĩ Kỳ sự ổn định và phát triển trong trường hợp phe đối lập giành chiến thắng.

Do đó, hai cuộc bầu cử tổng thống và nghị viện đang đặt Thổ Nhĩ Kỳ trước những thách thức không nhỏ.

Nếu ông Erdogan và đảng AKP chiến thắng và chiếm đa số tại quốc hội, đời sống chính trị Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục diễn biến theo chiều hướng như hiện nay, theo đường lối dân tộc chủ nghĩa cực đoan.

Ngược lại, nếu phe đối lập giành chiến thắng, hy vọng về việc khôi phục nền dân chủ nghị viện là có thể, song cũng sẽ mở ra một thời kỳ bất ổn chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ do sự khác biệt sâu sắc giữa các đảng phái trong chính phe đối lập./. 

Theo Vietnam+

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên