Cuộc đua về tương lai của nước Mỹ: Kamala Harris là ai?

Cập nhật: 20-08-2020 | 16:22:45

Ngày 12-8, liên danh tranh cử tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden và Kamala Harris đã ra mắt cử tri trong một sự kiện tập hợp cử tri tại Wilmington, bang Delaware, quê nhà của ông Biden. Đây là sự kiện lịch sử đánh dấu bước ngoặt mới trong chính trị Mỹ.

Việc chọn nữ ứng cử viên Phó Tổng thống Kamala Harris đã được ông Biden thông báo bằng tin nhắn và e-mail gửi cho người ủng hộ mình vào ngày 11-8. Ông Biden đã tạo ra một cột mốc lịch sử mới trong chính trị Mỹ: đó là việc người phụ nữ da màu đầu tiên ra ứng cử chức Phó Tổng thống Mỹ, mở ra cơ hội rộng rãi hơn cho người nhập cư da màu ở Mỹ.

Trong thông báo của mình, ông Biden đã gọi bà Harris là một “chiến binh không biết sợ hãi” trong đấu tranh cho những người yếu thế, thấp bé trong xã hội và là “một trong những công chức tốt nhất của đất nước”. Hai điểm nhấn trong nhận xét của ông Biden về bà Harri xuất phát từ uy tín và danh tiếng của bà khi còn làm công chức ở bang California trong vai trò thẩm phán khu vực và Tổng chưởng lý bang.

Khi đó, bà Harris đã dành nhiều tâm huyết sự nghiệp để bênh vực cho những người da màu, người nhập cư yếu thế bị áp chế trong xã hội đầy rẫy sự kỳ thị của Mỹ. Sau thời gian làm thẩm phán khu vực, Harris từng 6 năm làm Tổng chưởng lý bang California trước khi được bầu làm Thượng nghị sĩ Mỹ vào năm 2016.

Bà Kamala Harris.

Giới phân tích cho rằng, bà Harris được chọn trong số những ứng cử viên nặng ký khác trước hết là bởi kinh nghiệm của bà trong vai trò Thượng nghị sĩ bang California, đồng thời bà cũng từng là Tổng chưởng lý bang và thẩm phán khu vực San Francisco. Bà được xem là nữ chính khách da màu nổi bật nhất trong đảng Dân chủ, là đại diện tiêu biểu cho thế hệ chính khách trẻ, năng động. 3 vấn đề mang dấu ấn Harris rõ nét nhất chính là cải cách tư pháp hình sự, cải thiện chăm sóc sức khỏe cho người da màu và chống kỳ thị màu da.

Sự kiện George Floyd đã giúp củng cố thêm quan điểm của bà Harris về việc cần thiết phải cải cách tư pháp hình sự, phải thay đổi mạnh mẽ hoạt động của cảnh sát nhằm xóa bỏ hành động bạo lực của cảnh sát mang tính chất kỳ thị màu da. Đại dịch COVID-19 đã khiến nước Mỹ rơi vào tình trạng khủng hoảng về y tế. Và đây sẽ là một cơ hội để bà Harris thể hiện quan điểm chính trị của mình trước cử tri.

Với việc chọn bà Harris, ông Biden đã phát đi thông điệp rõ ràng về vấn đề tuổi tác của ông và tương lai chính trị của đảng Dân chủ. Năm nay 78 tuổi, giới phân tích chính trị cho rằng nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này thì ông Biden sẽ là người cao tuổi nhất đắc cử Tổng thống Mỹ và là tổng thống một nhiệm kỳ. Ông Biden từng tự xem mình là thế hệ chuyển tiếp của chính trị đảng Dân chủ, cho rằng mình muốn làm “cầu nối” giữa thế hệ chính trị đi trước và thế hệ trẻ tuổi hơn, với đại diện được ông lựa chọn là bà Harris.

Một vấn đề nữa được giới phân tích quan tâm mổ xẻ nằm ở chinh bản thân bà Harris. Năm nay 56 tuổi, Harris là con gái của người nhập cư gốc Jamaica và Ấn Độ. Có nghĩa là, bà có đến hai gốc gác da màu khác nhau, châu Phi và châu Á. Sau loạt sự kiện biểu tình phản đối bùng nổ trên toàn nước Mỹ vì cái chết của thanh niên da màu George Floyd, sự xuất hiện của bà Harris hứa hẹn mang lại cho ông Biden một cầu nối cũng như lợi thế quan trọng để ông vươn đến thành phần cử tri da màu trên toàn nước Mỹ. Ông Biden từng giành chiến thắng quan trọng trong cuộc đua sơ bộ tại bang Nam Carolina là nhờ lá phiếu của những cử tri nữ da màu tại bang này.

Bản thân bà Harris cũng đã thể hiện quan điểm hướng đến cử tri da màu. Việc bà Harris phát động chiến dịch tranh cử vào ngày 24-1-2019 cũng là một mốc lịch sử đáng chú ý. Đó cũng là ngày mà người Mỹ gọi là “Lễ hội sinh nhật Martin Luther King”, một biểu tượng chống kỳ thị chủng tộc, với câu nói bất hủ “Tôi có một giấc mơ Mỹ”. Khi khai trương chiến dịch tranh cử hồi tháng 1-2019, bà Harris đã chọn địa phương đầu tiên để vận động là bang Nam Carolina, nơi có nhiều cử tri da màu sinh sống, thay vì thành phố Oakland, bang California như kế hoạch ban đầu.

Tuy nhiên, dư luận cũng đặt vấn đề hoài nghi về quyết tâm của bà Harris trong vấn đề cải cách tư pháp hình sự. Bởi bản thân bà từng là một phần của hệ thống tư pháp này, vì vậy người ta cho rằng bà Harris sẽ khó thực hiện cải cách một cách triệt để. Nhưng, bà đã thể hiện quyết tâm rõ nét của mình khi trả lời phỏng vấn của đài CNN, rằng từ nhỏ đã chứng kiến sự lạm dụng của cảnh sát, chứng kiến những người thân quen của mình bị cảnh sát hành hạ bằng cách này hay cách khác, cho nên bà hiểu rất rõ và rất quyết tâm phải thay đổi.

Trong sự kiện đầu tiên ngày 12-8, liên danh tranh cử Biden-Harris đã đưa ra lời kêu gọi người dân Mỹ hãy xem việc đeo khẩu trang là bắt buộc nhằm ngăn ngừa sự lây lan đại dịch COVID-19. Trước đó, liên danh Biden-Harris cũng đã chỉ trích Tổng thống Donald Trump vì cách xử lý sai lầm dẫn đến việc nước Mỹ trở thành vùng dịch lớn nhất và chết chóc nhất thế giới, với hơn 5,4 triệu ca mắc và hơn 170.000 ca tử vong.

COVID-19 đã tác động mạnh đến cuộc bầu cử, làm thay đổi cách thức vận động tranh cử và nhiều vấn đề về kinh tế, xã hội, an ninh, y tế,... đồng thời tác động làm thay đổi suy nghĩ của cử tri về nhiều vấn đề trong xã hội. Đây sẽ là cơ hội cho ông Biden hay sẽ lại là một cú vấp ngã nữa của đảng Dân chủ trước ông Trump? Câu trả lời nằm ở chặng đường tranh cử sắp tới của liên danh lịch sử Biden-Harris.

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên