Cuộc sống mới của người Nùng tại Phú Giáo

Cập nhật: 05-10-2013 | 00:00:00

 Cuộc sống sung túc

Theo lời kể của những “trưởng lão” người dân tộc Nùng tại Phú Giáo, người Nùng đến Phú Giáo vào những năm 80 thế kỷ trước, từ đợt di dân tìm miền đất mới để “an cư lạc nghiệp”, đa số quê tại Cao Bằng. Ban đầu, tại đây chỉ có khoảng 10 hộ người Nùng. Nhận thấy mảnh đất Phú Giáo màu mỡ, những người “tiên phong” đã đưa họ hàng, con cháu về định cư. Với kinh nghiệm trồng lúa, họ áp dụng trên mảnh đất mới và phụ thuộc vào thời tiết. Mưa nắng thất thường, ruộng lúa cho năng suất không cao khiến nhiều gia đình gặp điêu đứng. Khắc phục tình trạng này, họ chủ động nước tưới, phân bón để tăng năng suất. Mỗi đợt thu hoạch, người dân hân hoan khi có đủ cái ăn. Tuy nhiên, càng về sau, đất trồng ngày càng bạc màu, khô hạn, không còn phù hợp với lúa, người Nùng chuyển sang trồng khoai mì.   Người Nùng đưa bản sắc văn hóa lên sân khấu tại Liên hoan đồng bào các dân tộc huyện Phú Giáo 

Năm 2002, người dân được Trung tâm Khuyến nông huyện, Hội Nông dân huyện hướng dẫn chuyển đổi cây trồng sang trồng cây điều. Giá điều ổn định, năng suất cao, người Nùng đã trồng theo và có cuộc sống khá sung túc. Lúc này những ngôi nhà lá, tường gỗ đã được thay thế bởi những căn nhà tôn, tường gạch. Những tưởng cuộc sống của người dân đã khởi sắc, nhưng đến năm 2007, giá điều bấp bênh, sâu bệnh làm chết cây, họ lại tiếp tục gặp khó khăn. Sau đó, một lần nữa, Trung tâm Khuyến nông huyện “cứu cánh” vườn điều bằng sự xuất hiện những vườn cao su. Từ những dòng mủ trắng đã tạo ra “vàng”. Cuộc sống người dân “thay da đổi thịt”, đầy đủ, đầm ấm hơn. Một điều đặc biệt, người Nùng sống rất có tình, có nghĩa. Họ luôn khẳng định bằng câu “lá lành đùm lá rách”, gia đình “có” giúp gia đình “khó” nên toàn huyện hiện không còn hộ dân tộc Nùng nghèo.

Cuối năm 2003, mạng lưới điện quốc gia đã được kéo đến tận nhà dân. Có điện, người dân mua nhiều vật dụng có giá trị, trẻ em có điện để học tập. Ông Vy Văn Thảy nói: “Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính sách của địa phương, chúng tôi đã ổn định cuộc sống. Từ việc có “của ăn, của để”, người dân chú trọng hơn việc học tập, nâng cao trình độ cho các con. Các cháu đều được đến trường đúng độ tuổi. Các cháu học giỏi, siêng năng đã đạt nhiều thành tích cao. Nhiều cháu học cao, quay về phục vụ lại địa phương, đồng bào”.

Lưu giữ bản sắc văn hóa

Sinh sống trên miền đất mới trên 30 năm, người Nùng ở đây vẫn giữ được những nét văn hóa rất riêng của mình. Họ luôn nhắc con cháu nỗ lực lưu giữ bản sắc văn hóa từ trang phục truyền thống, nói tiếng của dân tộc mình, hát những làn điệu Sli, điệu lượn, điệu ví đằm thắm trong những dịp lễ, tết. Đối với tiếng nói, những người lớn trong nhà luôn sử dụng tiếng mẹ đẻ để dạy cho các con, cháu. Song song đó, họ còn giải thích các câu ca dao, tục ngữ của dân tộc mình. Khuyến khích con, cháu nói chuyện với nhau bằng tiếng Nùng để lưu giữ tiếng nói. Về trang phục truyền thống, tất cả các hộ đồng bào đều giữ lại trang phục truyền thống của dân tộc. Áo nam giống nhiều dân tộc khác, áo nữ là loại năm thân màu chàm, quần chân què ít trang trí. Bộ trang phục đẹp hơn khi kết hợp với chiếc khăn đội đầu được trang trí nhiều chi tiết cầu kỳ. Mặc dù những bộ trang phục ấy không phù hợp với mảnh đất này, nhưng đến khi tham dự liên hoan đồng bào dân tộc, lễ, tết, họ đều đem ra mặc. Từ đó, giúp con, cháu “yêu” thêm trang phục của dân tộc.   Bà Hoàng Thị Kính kể về bản sắc văn hóa dân tộc với cán bộ văn hóa xã Tân Hiệp (Phú Giáo)

Có thể nói, nét nổi bật nhất trong văn hóa của người Nùng nơi đây là những làn điệu Sli mượt mà làm mê đắm lòng người. Do dân số quá ít và trải qua nhiều biến động, nên nhạc cụ, làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc Nùng tại đây cũng ít được sử dụng. Tuy nhiên, các cụ lớn tuổi người Nùng vẫn còn lưu giữ và đang tìm cách truyền trao cho thế hệ trẻ. Bà Hoàng Thị Kính, 71 tuổi, nhớ lại: Tại quê hương Cao Bằng, từ khi còn nhỏ, bà thường được nghe các anh chị, các cô, các bác ở trong làng hát. Đặc biệt là những ngày đầu xuân năm mới, hoặc những đêm trăng sáng, nhiều đôi nam thanh nữ tú thường chia làm 2 nhóm ngồi hát đối đáp với nhau, qua những cuộc hát như thế có nhiều đôi đã nên vợ, nên chồng. Để hát Sli hay, ngoài chất giọng tốt, phải tập trung, phải biết luyến láy và có sự cảm thụ, cách thể hiện làm sao để lời hát dễ đi vào lòng người. Khi hát Sli không cần nhạc cụ hay điệu múa đi kèm. “Chúng tôi hy vọng chính quyền địa phương giúp sức để thành lập câu lạc bộ văn nghệ truyền thống của dân tộc Nùng. Từ đó, chúng tôi có cơ sở truyền đạt lại những điệu hát Sli cho con cháu”, bà Kính, nói.

Tết của người dân tộc Nùng gần giống như người Kinh. Bà Long Thị Van kể: Chúng tôi chuẩn bị đón năm mới khá kỹ lưỡng. Tuy không làm lễ tiễn ông Công, ông Táo lên trời ngày 23 tháng chạp như người Kinh nhưng không vì thế người Nùng sửa soạn cho ngày tết kém phần trang trọng. Ngoài bánh chưng được coi là lễ vật, chúng tôi còn có bánh cao (còn gọi là bánh khảo). Ngoài ra, còn có bánh tro.

Ông Vũ Hải Lý, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp, cho biết: Hiện nay do sống chung với các dân tộc anh em, người Nùng ở Tân Hiệp tiếp nhận thêm những văn hóa của các dân tộc khác nên các nét văn hóa truyền thống của dân tộc Nùng đã có phần mai một. Từ thực tế trên, vài năm gần đây, chúng tôi đã khuyến khích những người biết về bản sắc văn hóa dân tộc truyền dạy cho thế hệ trẻ. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, bồi dưỡng niềm say mê, yêu thích, tự hào cho những thế hệ sau đối với văn hóa dân tộc mình. Qua đó, góp phần bảo tồn bền vững những nét văn hóa truyền thống.

Được biết, để gìn giữ và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa của các dân tộc tại huyện Phú Giáo. Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đã tổ chức nhiều đợt giao lưu văn hóa dân tộc với các tỉnh, thành lân cận. Bên cạnh đó, tổ chức liên hoan đồng bào dân tộc trong tỉnh, tạo điều kiện để bảo lưu những bản sắc văn hóa. Tuy nhiên, để “lấy lại” những bản sắc của các dân tộc đã bị “hòa tan”, chính những “lão làng” của người dân tộc trong huyện phải nhắc nhở con cháu lưu giữ. Sự kết hợp giữa chính quyền và sự quan tâm của chính đồng bào Nùng mới mong “tìm lại” những giá trị đã mất.

 T.LÝ - Đ.TUÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên