Cuốn sách gấp lại, cuộc đời mở ra

Cập nhật: 20-04-2019 | 06:02:03

 Muốn đi đến thành công, con người cần phải có tri thức và sách là người thầy vĩ đại, là con đường lớn nhất để con người tiếp cận thông tin, văn hóa, tri thức. Đọc sách còn giúp con người thư giãn, tích lũy kiến thức, tăng cường khả năng tư duy. Với nhiều người, đọc sách còn là một cách thưởng thức văn hóa sang trọng và có chiều sâu, làm phong phú tâm hồn, làm giàu vốn liếng ngôn từ. Nói một cách hình tượng hơn, đối với những người yêu sách, khi gấp cuốn sách lại, cuộc đời sẽ mở ra.

 Đọc sách từ lâu đã trở thành một nét đẹp văn hóa của con người. Tuy nhiên, với sự ảnh hưởng của làn sóng công nghệ thông tin, văn hóa đọc, nhất là đối với giới trẻ hiện đang đứng trước nguy cơ bị lấn át của các phương tiện nghe nhìn, đặc biệt là sự phát triển của internet, mạng xã hội. Thay vào việc ra các hiệu sách, vào thư viện, đa số bạn trẻ lại dành thời gian cho việc lướt facebook, tìm kiếm thông tin không chính thống và vô bổ trên mạng xã hội. Nhiều người sẵn sàng bỏ hàng giờ đồng hồ để ngồi bên chiếc máy tính, dán mắt vào chiếc smartphone... Điều này cho thấy, văn hóa đọc sách đang rất cần phải được xem xét một cách nghiêm túc, từ đó đề ra những giải pháp để hình thành thói quen đọc sách, xây dựng văn hóa đọc trong giới trẻ.

Hơn thế nữa, ngay cả khi đọc sách, cách đọc và mục đích đọc sách của giới trẻ hiện cũng đang có những dấu hiệu đáng quan ngại. Nhiều bạn trẻ đang có xu hướng “đọc xổi”, “mì ăn liền”, sa đà vào những đầu sách lãng xẹt, đánh vào thị hiếu, trào lưu nhất thời, những thể loại “ngôn tình”, “lâm li, bi đát”... Vấn đề đặt ra trong văn hóa đọc ở đây không phải là đọc được bao nhiêu, mà đã đọc được những gì, đọc như thế nào và đọc để làm gì. Như trên đã nói, phải ý thức được rằng, khi cuốn sách gấp lại, cuộc đời sẽ mở ra. Đó mới là mục đích và nghĩa tối thượng của việc đọc sách.

Lênin đã từng nói: “Không có sách thì không có tri thức”. Đối với những người có niềm đam mê đọc sách thì sách vẫn luôn là “báu vật”, vẫn có những cuốn sách “gối đầu giường”. Ngay cả khi công nghệ thông tin ngày càng phát triển, “một cái click chuột mở ra thế giới”, con người có thể đọc sách qua mạng internet, thì sách in xuất bản vẫn không hề mất đi giá trị văn hóa lâu đời vốn có của nó. Và, những hoạt động khuyến khích, phát triển, tôn vinh văn hóa đọc sách là một trong những giải pháp để giá trị truyền thống ấy lan tỏa, trường tồn.

 THÀNH SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên