Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thu: Chiến đấu hay, làm kinh tế giỏi

Cập nhật: 06-10-2011 | 00:00:00

Chứng kiến sự hy sinh của đồng đội trong chiến tranh, nên khi lành lặn trở về anh Nguyễn Văn Thu, Hội Cựu chiến binh (CCB) phường An Thạnh (TX.Thuận An) đã nhủ lòng phải làm kinh tế giỏi, góp phần làm giàu cho gia đình và xã hội.

Được sự giới thiệu của Hội CCB phường An Thạnh (TX.Thuận An), tôi đã hình dung một CCB Nguyễn Văn Thu gan góc nơi chiến trường Campuchia năm xưa phải là người lạnh lùng, nghiêm khắc. Nhưng khi tiếp xúc mới thấy khác hẳn. Trước mặt tôi, đó là người đàn ông đã ngoài 50 tuổi, hiền hòa, vui tính ngoại trừ nước da ngâm đen và cao lớn. Đúng là sức vóc hơn người thời trai trẻ, CCB Nguyễn Văn Thu ở khu phố Thạnh Hòa A nhập ngũ năm 1982 ở Tiểu đoàn 208, Đoàn 7707, Mặt trận Công-pông-chàm làm nghĩa vụ quốc tế, giúp nước bạn Campuchia chống chế độ diệt chủng Pôn Pốt.

  Anh Thu bồi hồi nhớ lại quá khứ chiến trường

Tâm sự với tôi, anh Thu nhớ, ngày đó, chỉ mới một tuần đến đơn vị, anh và đồng đội đã có đụng độ với địch. Anh được đơn vị trang bị súng B41 và lập nhiều chiến công. Tiêu biểu là trận anh bắn hạ được 9 tên địch và thu được 10 khẩu súng. Có lẽ suốt đời anh sẽ không bao giờ quên. Anh kể tiếp, khoảng 4 giờ sáng vào một ngày tháng 2-1983, khi anh và đồng đội được lệnh chi viện cho đại đội bạn đang bị địch vây đánh; trên đường đi, anh phát hiện một toán địch đang rút ra để tải thương và đang co cụm lại. Một cú siết cò quyết định, quả B41 của anh đã hạ được 9 tên địch. Anh và đồng đội đã thu được 10 khẩu súng gồm: 2 khẩu B40, 2 khẩu A bắn tăng và 6 AK.

Thành tích của anh được đơn vị đề nghị tặng thưởng Huân chương Tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc. Và đến năm 1985, anh hoàn thành nghĩa vụ trở về. Anh nói: “Những ngày trong quân ngũ, đứng giữa lằn ranh giữa sự sống và cái chết, tôi càng nhận rõ hơn giá trị của cuộc sống. Đồng đội tôi, có người đã vĩnh viễn ở lại chiến trường trên đất bạn, những người mà cách đó chừng 5 phút đã cùng anh quây quần bên mâm cơm dã chiến” “Mình may mắn trở về lành lặn nên dù khó khăn cũng phải cố gắng làm kinh tế giỏi, tạo dựng cuộc sống gia đình”- anh nhấn mạnh.

Nói là làm, anh bắt đầu xây dựng cuộc sống riêng từ hai bàn tay trắng. Từ năm 1985-1987, anh làm công nhân cho Công ty 3/2 nhưng lương công nhân không thỏa mãn. Vì thế, anh cùng vợ xuôi ngược theo các chuyến ghe đi miền Tây bán đồ gốm. 2 năm sau, anh mua được xe lam chở đồ gốm đi bán và chở thuê. Từ đó, việc làm ăn của anh bắt đầu phát triển. Năm 1992, anh mở thêm cơ sở thu mua phế liệu. Nhờ chăm chỉ, siêng năng nên gia đình anh ngày càng khấm khá. Anh tiếp tục đầu tư mua xe tải Huyndai loại 1,25 tấn. Cũng từ những chuyến xe xuôi ngược đây đó, anh thấy được tiềm năng của việc kinh doanh đất đai. Và anh bán xe, gom tiền mua đất rẻ ở Dầu Tiếng và dần dần cải tạo đất.

Với ý chí của bộ đội Cụ Hồ và tinh thần cầu thị học hỏi, anh tích tiểu thành đại, đến nay, anh đã có 13 ha đất trồng cao su sắp cho thu hoạch. Người con trai lớn của anh thì tiếp nối nghề thu mua phế liệu của anh, người con út mở tiệm internet. Ở địa phương, anh tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của Hội CCB, luôn chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, được bà con hàng xóm tin yêu.

ĐỨC LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên