Cựu chiến binh thi đua làm kinh tế giỏi

Cập nhật: 10-01-2015 | 09:04:26

Những năm qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một đã phát động phong trào thi đua làm kinh tế giỏi, tạo điều kiện khuyến khích hội viên phát huy phẩm chất “bộ đội Cụ Hồ” trong phát triển kinh tế.

 

CCB Hoàng Hồng Hà trước khu nhà cho thuê của gia đình Ảnh: P.LÊ

 Phát huy phẩm chất “bộ đội Cụ Hồ”, cán bộ, hội viên CCB phường Phú Lợi đã nêu cao ý chí tự lực tự cường, tích cực tăng gia sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi mô hình kinh tế với tinh thần “xưa đánh giặc, nay đánh nghèo”. Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Hội CCB phường Phú Lợi cho biết, trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển nhanh của đô thị, từ chỗ chỉ sản xuất nông nghiêp truyền thống là chính, các hội viên đã chuyển sang mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị và kinh doanh dịch vụ, qua đó góp phần tăng thu nhập cho gia đình, ổn định cuộc sống. Hội còn khai thác các nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho hội viên có vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Riêng trong năm 2014 hội đã liên hệ với Ngân hàng Chính sách xã hội cho 155 hộ nghèo vay vốn, trong đó có 26 hội viên vay với số tiền trên 2 tỷ đồng…

Bên cạnh đó, năm qua Hội CCB phường Phú Lợi đã thường xuyên vận động hội viên có điều kiện kinh tế khá giả giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo vay vốn không lãi để chăn nuôi, buôn bán vươn lên thoát nghèo. Các chi hội cũng giúp 40 hội viên vay vốn quỹ hội với lãi suất thấp để làm kinh tế gia đình. Nhờ đó, nhiều hộ hội viên vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Trong chiến tranh, những người lính đã anh dũng đánh giặc ngoại xâm, còn trong thời bình họ lại quyết tâm vượt qua khó khăn xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc. Điển hình như CCB Hoàng Hồng Hà ở khu phố 4. Năm 1980, sau khi tham gia chiến trường ở Campuchia về, ông làm việc cho một số cơ quan, công ty, cuộc sống của gia đình lúc đó gặp rất khó khăn. “Lúc đó gia đình tôi khó khăn lắm. Sau giờ làm, để có gạo nuôi con tôi phải đi làm thêm, ai mướn gì thì làm đó. Bà nhà tôi thì trồng rau, trồng mía để bánkiếm tiền trang trải cuộc sống. Nhà ở cứ mưa đến lại bị dột”, ông Hà tâm tình.

Năm 2007, từ số vốn ít ỏi tiết kiệm được, cùng số tiền vay mượn thêm của người thân và ngân hàng, ông Hà đầu tư xây dựng 18 căn nhà trọ. Ông nói: “Lúc đó, nhận thấy nhiều người từ các địa phương khác đến sinh sống có nhu cầu về nhà ở tôi đã bàn với bà xã vay mượn để đầu tư xây nhà trọ, không chỉ có thêm thu nhập mà còn góp phần phục vụ nhu cầu về chỗ ở cho nhiều người. Nghe tôi bàn vậy, bà nhà rất ủng hộ. Xây nhà trọ là việc làm vừa giúp mình và vừa giúp người. Đời lính chúng tôi xông pha chiến đấu, không quản hy sinh, nay thời bình làm được gì cho gia đình, xã hội thì mình cứ làm”.

Năm 2013, được sự giới thiệu của Hội CCB phường, ông Hà tiếp tục vay vốn ngân hàng sửa sang lại phòng trọ cũ và đầu tư xây thêm phòng trọ, ki-ốt cho thuê. Hiện nay, bình quân mỗi phòng trọ ông cho thuê với giá từ 800.000 - 1 triệu đồng/tháng và từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng đối với ki-ốt. Nhờ cách làm này gia đình ông đã có cuộc sống khá giả. Còn đối với CCB Nguyễn Văn Đương ở khu phố 3, năm 1990 gia đình ông cũng rất khó khăn, dù khi đó ông đang công tác tại trường Sĩ quan Chỉ huy kỹ thuật Công binh nhưng đồng lương mỗi tháng rất khiêm tốn. Trong khi đó, vì điều kiện gia đình, vợ ông phải nghỉ việc ở nhà chăm sóc con, tăng gia sản xuất. Một lần có người bạn đến nhà chơi thấy diện tích đất vườn của ông rộng nên đã thuê làm ván ép, sau đó đề nghị vợ chồng ông làm chung. Năm 2000, vợ chồng ông chuyển sang kinh doanh nhôm, sau đó kinh doanh thêm kính. Năm 2013, ông nghỉ hưu về nhà phụ giúp việc kinh doanh. Nhận thấy kinh doanh nhôm, kính cho thu nhập ổn định nên ông Đương đã đầu tư mở rộng cơ sở làm ăn, tạo thêm việc làm cho 20 lao động với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/tháng. Hiện nay, bình quân mỗi năm cơ sở kinh doanh của ông cho thu nhập hàng trăm triệu đồng...

Mỗi hội viên CCB phường Phú Lợi tuy có cách làm kinh tế khác nhau nhưng đều cùng chung mục đích là thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, đưa cuộc sống gia đình ngày một đi lên và tạo điều kiện cho con em có việc làm và thu nhập ổn định. “Qua thực hiện phong trào thi đua làm kinh tế giỏi, các chi hội, gia đình hội viên đã nhận thức ngày càng rõ vai trò, hiệu quả của việc giúp nhau phát triển kinh tế”, ông Dũng cho biết.

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên