Cứu đuối nước trên cạn

Cập nhật: 05-09-2016 | 08:45:47

Mùa khô năm nay, tình hình thời tiết nóng bức kéo dài và diễn ra gay gắt, nhiều sông suối, ao hồ trên địa bàn tỉnh đã bị cạn kiệt, thiếu nước. Tuy vậy, số vụ chết đuối xảy ra trong mùa khô (6 tháng đầu năm 2016) đã bằng với tổng số vụ đã xảy ra trong cả năm 2015. Nhiều nạn nhân vốn biết bơi giỏi, sức khỏe tốt, rành sông nước nhưng đã bị đuối nước trên cạn khiến nhiều người phải băn khoăn, lo lắng.

 Đội cứu nạn cứu hộ chuyên nghiệp của Phòng 6 Cảnh sát PC&CC tỉnh triển khai đội hình lặn tìm kiếm nạn nhân mất tích dưới hầm đất. Ảnh: DUY CHÍ

 Dịp lễ 30-4 vừa qua, cán bộ, chiến sĩ Phòng 6 (Phòng hướng dẫn chỉ đạo về chữa cháy và cứu nạn cứu hộ) Cảnh sát phòng cháy (PC) và chữa cháy (CC) tỉnh liên tục xuất quân làm nhiệm vụ tìm kiếm nạn nhân mất tích nghi bị đuối nước trên cạn.

Từ những tai nạn đau lòng

Được nghỉ lễ (dịp lễ 30-4) nhiều ngày, anh Trần Văn H., ngụ xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng cùng nhóm bạn tổ chức vui chơi, ăn uống tại nhà. Do thời tiết nóng bức, cả nhóm rủ nhau chuyển địa điểm sang bờ kênh Phước Hòa (huyện Phú Giáo) tiếp tục vui chơi vì có sông nước mát mẻ, hữu tình. Tại đây, nhiều thành viên trong nhóm đã nhảy xuống kênh tắm, sau đó quay lại “mâm” tiếp tục cuộc vui. Thấy các thành viên trong nhóm chọn chỗ nước cạn, H. tỏ ý không hài lòng và đề nghị dọn “mâm” đến chỗ nước sâu, chảy xiết để bơi cho nhanh “giải” rượu. Tin H. có sức khỏe tốt, bơi giỏi lại rành con kênh này nên mọi người đồng ý. Thế nhưng trong lúc đang vui các thành viên trong nhóm không thấy H. xuất hiện nên tỏa ra đi tìm. Các thành viên nghi H. bị đuối nước chìm xuống kênh nhưng không ai dám lặn xuống vì sợ nước cuốn trôi nên đã cử người đến báo vụ việc cho Công an xã Vĩnh Hòa.

Trong tối cùng ngày xảy ra vụ việc trên, Nguyễn Văn T. đi bắt cá trên sông Bé đoạn qua xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên. Do nước cạn, trời tối, các hốc đá dưới sông bám nhiều rong rêu nên khi T. bước qua đã bất ngờ trượt chân ngã ra sông bị nước cuốn trôi mất tích. Trước đó, sự việc cũng xảy ra đối với chị Lê Thị T., ở một tỉnh đồng bằng sông Cửu Long lấy chồng tại xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng. Sau khi đi làm về gặp thời tiết nóng bức, T. đã mang thùng ra hầm đất sau nhà lấy nước về nấu ăn. Thấy nước trong và mát, T. xuống hầm tắm rồi không may bị chìm. Đến xế chiều không thấy T. về, gia đình tỏa ra đi tìm và phát hiện đôi dép của T., thùng xách nước để trên bờ hầm đất nên đã báo cho Cảnh sát PC&CC nhờ tìm kiếm…

Gian nan tìm kiếm nạn nhân

Trung tá Bùi Trung Hiếu, Phó Trưởng phòng 6, người chỉ huy tìm kiếm nạn nhân H. kể lại, nhận được tin báo, Phòng 6 Cảnh sát PC&CC tỉnh đã cử ngay lực lượng, phương tiện đến hiện trường tìm kiếm nạn nhân. Do nước chảy xiết, bờ kênh bê tông nên khiến cho công tác triển khai phương án rất khó khăn; cụ thể là dây ống hơi dễ bị quấn vào nhau rất nguy hiểm khi người nhái làm việc. Nhưng trước sự việc đau lòng của người thân nạn nhân, những người làm nhiệm vụ đã quyết tâm khắc phục khó khăn tìm kiếm bằng được nạn nhân.

Tham gia chỉ huy tìm kiếm nạn nhân T. bị chìm dưới hầm đất sâu, trung tá Lê Minh Dũng, Phó Đội trưởng Đội Cứu nạn cứu hộ chuyên nghiệp P6 cho biết, các hầm đất thường có bề mặt nước rất rộng, chiều sâu không đồng đều: có nơi gần bờ thì cạn nhưng ra xa vài mét chiều sâu tăng lên rất lớn, lại dạng hình cái phểu vì đây là công trình khai thác mỏ. Do nước sâu, đứng yên lâu ngày nên từ mặt nước xuống dưới 1m nhiệt độ xuống thấp đột ngột, rất lạnh. Tâm lý chung là khi trời nóng bức nhiều người thường tìm đến những nơi có nước mát để tắm và thường bơi ra xa cho thỏa cơn khát. Khi bơi ra xa trong môi trường nước lạnh cơ thể không thích ứng kịp nên phát sinh chuột rút, dọp bẻ nên dẫn đến đuối nước. “Tôi tham gia cứu đuối nhiều trường hợp nạn nhân có sức khỏe tốt, bơi giỏi, rành sông nước nhưng lại bị đuối ngay trên cạn, trong các hồ nước sâu. Lý do là vì họ ỷ lại sức khỏe mà không lường trước những bất ngờ như độ lạnh của nước, mặt hồ rộng… Sau nhiều lần tìm kiếm, cứu nạn nạn nhân bị đuối như thế, tôi đã thử bơi ngay trong các hồ này thì nhận thấy bơi trong hồ nước càng lạnh cơ thể càng mau mệt hơn bơi ngoài sông bình thường. Vì ôxy trong hồ nước lạnh không đầy đủ như ngoài môi trường tự nhiên khiến cơ thể rất mau mệt, đuối…”, trung tá Dũng nói.

Chỉ huy tìm kiếm nạn nhân bị đuối dưới hầm đất, đá đòi hỏi người chỉ huy phải dày dạn kinh nghiệm, am hiểu địa hình để hướng dẫn anh em đồng nghiệp tác chiến an toàn, hiệu quả. Thực tế cho thấy, trước khi cho nước vào các hầm mỏ, hầm đất, ven bờ thường có nhiều cây to, khi ngập nước cây chết nhưng gốc rễ vẫn còn dưới nước; bên cạnh đó nhiều vật dụng, phế liệu nguy hiểm cũng bị tuôn xuống hồ. Nếu thiếu kinh nghiệm, người nhái sẽ bị quấn dây, vướng ống hơi, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Chính vì vậy, giữa chỉ huy và người nhái khi tác chiến phải giữ liên lạc với nhau thông qua tín hiệu đã được thống nhất. Thông qua tín hiệu truyền tin, chỉ huy có thể “ra lệnh” cho người nhái chuyển hướng, thay đổi chiến thuật để công tác tìm kiếm đạt hiệu quả cao hơn.

Chẳng hạn, tại các hầm đất sâu từ vài chục mét trở lên thì nước dưới đó rất lạnh, đòi hỏi anh em phải được trang bị kỹ thuật thật tốt để bảo đảm an toàn sức khỏe. Nhưng trên thực tế, không phải trường hợp đuối nước nào nạn nhân cũng bị chìm tới đáy; cụ thể như tai nạn xảy ra tại các hồ nước sâu, thời gian xảy ra tai nạn dài… nạn nhân có thể “nằm” lờ đờ giữa đáy và mặt nước. Điều này có thể lý giải nguyên nhân mà dân gian hay gọi là “hạp” và “không hạp” khi lặn tìm kiếm nạn nhân đuối nước.

Cần sự vào cuộc quyết liệt

Trước tình trạng tai nạn đuối nước tăng cao trong thời gian gần đây, Phòng 6 Cảnh sát PC&CC tỉnh Bình Dương đã tiến hành kiểm tra, khảo sát 27 điểm, khu vực nguy hiểm trên địa bàn tỉnh để phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành cắm bảng thông báo, bảng cấm, kết hợp với việc thông tin tuyên truyền, tuần tra xử lý việc người dân tụ tập, vui chơi tại các nơi đã được xác định nguy hiểm - chết người.

Theo Thượng tá Nguyễn Ngọc Phước, Trưởng phòng 6, bên cạnh việc cắm biển thông báo cấm tụ tập, tắm, sinh hoạt tại các nơi nguy hiểm, về lâu dài các trường, ngành giáo dục cần quan tâm hơn nữa đến công tác phổ cập môn bơi trong các trường phổ thông theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Các bậc phụ huynh cần quan tâm hơn đến công tác rèn luyện thân thể, giáo dục thể chất, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng sinh hoạt tập thể, nhất là kỹ năng xử lý tình huống bất ngờ, cứu người bị nạn, góp phần giảm thiểu tai nạn chết người do chủ quan, thiếu hiểu biết. Ông Phước cho biết thêm, hết mùa khô là đến mùa mưa, các địa phương, cơ quan quản lý cũng cần tăng cường kiểm tra các công trình hồ đập, sửa chữa các nắp cống, hố ga nhằm bảo đảm an toàn, không để xảy ra tai nạn đáng tiếc.

Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Cảnh sát PC&CC tỉnh Bình Dương cho biết, ở các nước phát triển luôn coi cứu nạn cứu hộ, PC&CC là “nghề” và tôn vinh, trân trọng người lính CC và cứu nạn cứu hộ vì sự dũng cảm của họ. Chấp nhận vào làm lính CC và cứu nạn cứu hộ chúng ta cũng phải yêu và xem công việc này như cái nghề của mình. Trong giáo trình học tập, huấn luyện CC và cứu nạn cứu hộ người học được trang bị nhiều kiến thức với mọi tình huống, góc độ khác nhau, nhưng thực tế cứu nạn cứu hộ thì không có tai nạn nào giống tai nạn nào. Vì vậy, người lính CC và cứu nạn cứu hộ ngoài việc tinh thông nghiệp vụ còn phải có tình yêu nghề mãnh liệt mới có thể vượt qua những khó khăn, thử thách của công việc. Cụ thể như trường hợp cứu hộ thành công cháu bé bị rơi xuống giếng khoan công nghiệp trên địa bàn tỉnh vừa qua, nếu không sáng tạo thì lực lượng cứu hộ không có thiết bị chuyên dùng để đưa cháu lên khỏi mặt đất

 “KHI PHÁT HIỆN CHÁY, NỔ HÃY GỌI CHO CHÚNG TÔI QUA SỐ ĐIỆN THOẠI 114”

 DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên