Cứu lấy hát ru!

Cập nhật: 29-06-2012 | 00:00:00

Đó là thông điệp được đưa ra tại Ngày hội Gia đình năm 2012 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa tổ chức tại Hà Nội. Cũng trong khuôn khổ của hoạt động này, một buổi giao lưu hát ru đã được tổ chức, với sự tham gia và quan tâm của không chỉ các bà mẹ mà còn có cả các nhà nghiên cứu văn hóa truyền thống. Điểm tương đồng mà nhiều học giả có uy tín đều trăn trở sau buổi giao lưu này, đó là không thể xem nhẹ sự mai một đáng báo động của loại hình hát ru rất đặc sắc của dân tộc đã tồn tại từ ngàn năm.

Hát ru - một sinh hoạt và là nét văn hóa truyền thống đã ăn sâu vào từng gia đình Việt Nam, thế mà nay lại có nguy cơ mai một - điều mà có lẽ ai là người Việt cũng phải cảm thấy chua xót. Lắng lòng khi nghe tâm sự của nhiều cụ bà lớn tuổi, rằng dù làm gì đi nữa thì họ vẫn duy trì cái nếp sinh hoạt hát ru đã có suốt từ đời con và bây giờ là tới đời cháu, đời chắt. Và cũng không khỏi chạnh lòng khi rất nhiều bà mẹ trẻ bộc bạch không thuộc nổi một bài hát ru con, xem việc hát ru con như một việc làm “xa lạ”; phải “cầu cứu” đến các đĩa nhạc thu âm sẵn, thậm chí ru con bằng... nhạc rock, nhạc rap! Chính thực tế đó đã làm nhà nghiên cứu văn học Văn Giá phải thốt lên: “Hát ru là vẻ đẹp rất kỳ diệu của văn hóa dân tộc. Nếu không gìn giữ để mất là có tội với tiền nhân và cha ông!”.

Từ những kinh nghiệm nghiên cứu của mình, PGS.TS Văn Giá đã chia sẻ: “Đứa trẻ nào được hưởng thụ lời hát ru truyền thống từ bà, mẹ từ tấm bé thì đứa trẻ đó sẽ có lòng nhân ái, nhân bản và có cơ hội phát triển hơn những đứa trẻ khác. Đặc biệt, lời hát ru của mẹ không những giúp trẻ con ngủ ngon hơn mà còn làm tình mẫu tử trở nên khắng khít”. Có lẽ, đúc kết này không phải là mới, nhiều cuộc nghiên cứu trước đây và thực tế cũng đã chứng minh, lời ru, tiếng hát chính là hình thức giáo dục con cái hữu hiệu, bởi nó làm cho con người thêm giàu lòng nhân ái, sống thiện hơn.

Cách đây không lâu, Gio An - một xã vùng xa của tỉnh Quảng Trị đã trở nên “nổi tiếng” khi đứng ra tổ chức một buổi liên hoan hát ru với hàng trăm người tham gia mà chi phí chỉ vỏn vẹn 3 triệu đồng. Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở chỗ tổ chức một buổi văn nghệ với chi phí thật khiêm tốn, mà nó còn rất ý nghĩa ở việc một địa phương vùng xa đã mạnh dạn làm được chuyện mà chưa chắc địa phương nào khác có điều kiện kinh tế hơn đã quan tâm thực hiện. Từ sự kiện này, nhiều gia đình Việt kiều sinh sống ở Mỹ đã tìm về Gio An để động viên tinh thần và sưu tập thêm các bài hát ru để mang về Mỹ “làm vốn” ru con. Câu chuyện ấy thật đáng để chúng ta suy ngẫm.

Không thể phủ nhận rằng, trong cuộc sống hiện đại với rất nhiều áp lực chi phối, việc hát ru con đã trở thành một sinh hoạt được xem là “thứ yếu”. Hát ru hay không hát ru và thực hiện như thế nào, điều ấy có lẽ còn phụ thuộc vào hoàn cảnh, sự sắp xếp của mỗi gia đình thời hiện đại, nhưng chí ít thì đừng để hát ru phải mai một ngay từ trong tư tưởng, tâm thức mỗi người. Nói như nhà nghiên cứu Văn Giá thì hãy cứu lấy hát ru để đừng làm điều có tội với tiền nhân, với cha ông và truyền thống dân tộc.

* Q.MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên