Cứu sống 3 bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp

Cập nhật: 02-02-2015 | 08:41:26

Trong tuần qua, Các bác sĩ khoa Cấp cứu và khoa Tim mạch của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh đã tiếp nhận và xử lý kịp thời 3 ca nhồi máu cơ tim cấp vùng hoành. Các bệnh nhân (BN) được cứu chữa ngoạn mục bởi nguy cơ tử vong là rất cao.

Bệnh nhân Trần Văn D. được chăm sóc tại khoa Tim mạch.  Ảnh: Q.NHƯ

Trao đổi với chúng tôi về những ca bệnh nặng này, bác sĩ Ngô Ngọc Đông, khoa Cấp cứu BVĐK tỉnh, cho biết: “Tôi trực tiếp xử lý ca bệnh của BN Trần Thị L., sinh năm 1952. BN được BVĐK Mỹ Phước chuyển đến và có điện thoại báo trước cho khoa. Khi nhập viện, BN lừ đừ, chân tay lạnh, huyết áp khó đo, mạch không bắt được, tim chậm và không đều. Khi kíp trực đang theo dõi xử lý thì BN đột ngột gồng người, bị rung thất… BN được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp vùng hoành, Killip IV, giờ thứ 3, biến chứng loạn nhịp, rung thất”. Để xử lý, bác sĩ Đông đã trực tiếp shock điện 20 lần, đặt nội khí quản, thở máy và nhanh chóng mời bác sĩ tim mạch hội chẩn. Kết quả là BN bị tắt động mạch vành phải và đã được can thiệp động mạch vành (chụp động mạch vành, đặt stent…) kịp thời. Hiện sức khỏe của BN đã ổn định. Đây cũng là 1 trong 3 ca nặng nhất vì BN Trần Thị L. phải được cấp cứu hơn 1 tiếng đồng hồ nên rất dễ bị rơi vào tình trạng chết não.

Trước đó, khoa cấp cứu cũng tiếp nhận BN Nguyễn Thị U. sinh năm 1952 từ huyện Dầu Tiếng chuyển đến. Bệnh nhân được shock điện 3 lần, vận mạch… Sau khi can thiệp, mạch vành, huyết áp ổn định và đã xuất viện sau 7 ngày.

Khó khăn nhất là BN Trần Văn D. (SN 1950) được chuyển đến từ BVĐK Mỹ Phước. BN cũng được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp vùng hoành, thất phải, Killip IV, giờ thứ 6, biến chứng loạn nhịp, rung thất. Sau khi được cấp cứu, BN được chuyển về khoa tim mạch để can thiệp mạch vành nhanh chóng. Tuy nhiên, BN đã bị rung thất ngay trên bàn can thiệp, phải sốc điện tới 10 lần để ổn định huyết động. Bác sĩ Lê Lâm Quốc Đăng, khoa Tim mạch BVĐK tỉnh, giải thích thêm: “Khi bị rung thất, tim không đập nữa nên việc can thiệp mạch vành rất khó khăn. Cứu sống những BN này là một kỳ tích và chúng tôi rất vui mừng khi thành công”.

Tại khoa chăm sóc đặc biệt, người nhà của ông Trần Văn D. cho biết, ông bị đột quỵ bất ngờ và gia đình đã đưa ông đi bệnh viện gần nhất. Rất may là ông được cấp cứu kịp thời và được các bác sĩ tận tình cứu chữa nên ông qua cơn nguy kịch. Gia đình rất mừng bởi ông như được sinh ra một lần nữa. Mỗi ca thành công là thêm một bước ngoặt của sự tiến bộ, ghi dấu ấn những cố gắng của các bác sĩ ở đây. Tính đến nay, khoa Tim mạch BVĐK tỉnh đã can thiệp thành công hơn 200 ca, trong đó có 130 ca cấp cứu BN nhồi máu cơ tim cấp.

Khoa Tim mạch hiện được bố trí 100 giường bệnh, có các phòng khám tim mạch, cấp cứu và điều trị nội trú. 2 năm trở lại đây, khoa Tim mạch đã áp dụng phương pháp chẩn đoán và điều trị can thiệp mạch vành khá thành công. Riêng phương pháp can thiệp mạch vành, có 2 BS thực hiện chính là BS Lê Lâm Quốc Đăng và BS Nguyễn Chí Tính. Đây là những nhân sự “chủ lực” của khoa và được cử đi học thêm tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM.

Theo bác sĩ Lê Lâm Quốc Đăng, việc chẩn đoán điều trị cho BN đột quỵ vì nhồi máu cơ tim gần đây có những tiến bộ đáng ghi nhận, bởi khoa Tim mạch đã phổ biến về công tác tiếp nhận, xử lý bệnh ở tuyến dưới, nhanh chóng liên hệ và chuyển đến BVĐK tỉnh trong “giờ vàng”. “Giờ vàng” được giải thích là trong vòng 12 tiếng kể từ khi khởi phát cơn đau ngực, bệnh nhân tới càng sớm càng tốt vì khi đó tế bào của tim chết ít hơn, tiên lượng cũng sẽ tốt hơn. Tại BVĐK tỉnh, sự kết hợp với khoa Cấp cứu và khoa Tim mạch cũng phải nhanh chóng, nhịp nhàng mới kịp thời cứu được BN. Bởi cơ tim bị tổn thương rất khó phục hồi. Về việc đặt Stent, BS sẽ cài ống thông can thiệp (guiding catheter) vào lỗ động mạch vành có chỗ bị tắc hoặc hẹp nặng. Dùng dây dẫn (guidewire) đưa qua chỗ mạch vành bị tắc hoặc hẹp nặng. Tiếp đó dùng bóng (ballon) nong chỗ mạch vành bị hẹp. Cuối cùng là dùng giá đỡ (stent) đặt vào chỗ bị hẹp.

BS Lê Lâm Quốc Đăng cũng khuyến cáo thêm, số tuổi của BN bị nhồi máu cơ tim ngày càng trẻ. Để phòng tránh bệnh này cần chú ý thói quen sinh hoạt hàng ngày. Không hút thuốc lá, tập thể dục đều đặn, ăn ít cholesterol, kiểm tra sức khỏe định kỳ là cách chúng ta “để ý chăm sóc” cho trái tim được khỏe mạnh. Với BN tim mạch cần tuân thủ phác đồ điều trị của BS chuyên khoa tim mạch.

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên