D.U.N.S® NUMBER (DRS): Thêm giải pháp để hội nhập!

Cập nhật: 28-09-2016 | 08:39:55

Hiệp định thương mại tự do (FTA) Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được ký kết chính thức vào ngày 4-2-2016, hiện tại các nước thành viên đang tiến hành các thủ tục nội bộ để thông qua Hiệp định. Dự kiến TPP sẽ có hiệu lực vào năm 2018. TPP có hiệu lực sẽ mang lại rất nhiều cơ hội phát triển thương mại – đầu tư cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Song kèm theo cơ hội là nhiều thách thức, rào cản nghiêm nhặt. Do TPP là một FTA thế hệ mới với phạm vi cam kết rộng (bao gồm cả các vấn đề thương mại và phi thương mại), và là FTA có mức độ cam kết cao nhất từ trước tới nay mà Việt Nam tham gia. Nên hiện Nhà nước và DN đang rất lo lắng, đắn đo tìm giải pháp để chủ động hội nhập.


Sản phẩm gốm sứ của Minh Long 1

DN Việt và nỗi khổ khó nói về “thương hiệu”

Ông Tống Văn Hướng, Chủ trang trại nuôi gà lạnh ở Minh Hòa, Dầu Tiếng và ông Lê Văn Đạt, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hoa Lan TP. Thủ Dầu Một cho biết: “Hiện sản phẩm của chúng tôi đang tiêu thụ trên thị trường trong, ngoài nước dưới tên một thương hiệu khác. Và buồn hơn nữa là người ta đang thu lợi nhuận trên sản phẩm của mình. Do DN chúng tôi quá nhỏ bé, chưa có tên tuổi, chưa đủ năng lực cạnh tranh!” .

Tương tự ý kiến này, tại Hội thảo về EVFTA, TPP do Sở Công Thương tổ chức ngày 23-9 vừa qua, ông Lê Kỳ Anh - thành viên phái đoàn đàm phán Hiệp định VN-EU nhận định rằng, Rất nhiều sản phẩm chất lượng cao của VN khi xuất khẩu sang thị trường thế giới đều buộc phải lấy tên tuổi từ nhà nhập khẩu và phân phối. Đơn cử như mặt hàng café, dù cho dân EU dùng tới 70% café xuất xứ từ Việt Nam - trị giá hơn 2,2 tỷ USD nhưng người dân EU rất ít người biết được café mình đang thưởng thức có nguồn gốc từ Việt Nam. Điều này đã làm cho các DN Việt Nam không khai thác được hết triệt để giá trị gia tăng mà sản phẩm của mình sản xuất đem lại. Do vậy, việc gia tăng mức độ nhận diện, nâng cao vị thế thương hiệu của DN Việt trên thị trường quốc tế là điều cấp thiết.

Ông Kỳ Anh cũng nhận định: Các DN Bình Dương có rất nhiều lợi thế khi Hiệp định TPP lẫn EVFTA có hiệu lực, ngoài việc được ưu đãi thuế xuất nhập khẩu, các mặt hàng chủ lực của Bình Dương như điện tử, linh kiện điện tử, may mặc, da giày, gỗ... còn được bảo hộ về chỉ dẫn địa lý, sở hữu trí tuệ, kiểu dáng công nghiệp…

Cơ hội khi gia nhập EVFTA, TPP là rất hấp dẫn, song vấn đề “thương hiệu”, cạnh tranh khi hội nhập hiện đang đau đáu trong lòng DN Bình Dương nói riêng, DN Việt Nam nói chung.

Giải pháp phát triển mạnh hệ thống hỗ trợ, liên kết DN

Khi chúng tôi hỏi về giải pháp hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập, ông Phạm Thanh Dũng phát biểu: Về phía Nhà nước cần tiếp tục đồng hành, phát triển mạnh hệ thống hỗ trợ, liên kết DN: Tập trung tháo gỡ sớm những rào cản chính của DN, thiết kế lại các chính sách và công cụ hỗ trợ DN phù hợp với các ưu tiên phát triển và quy định của WTO, tạo thuận lợi cho phát triển các dịch vụ hỗ trợ DN, xã hội hóa các dịch vụ công, cải thiện các dịch vụ hạ tầng, giáo dục đào tạo, thông tin, công nghệ. Tạo thuận lợi cho các liên kết DN ngành, vùng, làng nghề…, kể cả với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó cần phát triển và phát huy mạnh vai trò của các hiệp hội DN, đặc biệt về đại diện bảo vệ quyền lợi DN, hỗ trợ, xúc tiến thương mại. Nhà nước cần quan tâm DN vừa và nhỏ, đồng thời tạo điều kiện phát triển các DN tư nhân quy mô lớn, đầu đàn.

Còn về phía DN, cần tìm hiểu các vấn đề về phát triển và hội nhập, thường xuyên trau dồi kiến thức, nắm bắt thông tin (tự học, sử dụng chuyên gia, tư vấn ngoài DN). Đổi mới tư duy kinh doanh phù hợp với bối cảnh mới. Xây dựng chiến lược kinh doanh của DN trên cơ sở lợi thế so sánh và theo hướng nâng cao vị trí trong chuỗi giá trị. Áp dụng các biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và vị trí trong chuỗi giá trị. Tăng cường hợp tác với các DN khác, tham gia các liên kết, mạng lưới và hiệp hội. Đổi mới tư duy kinh doanh: DN cần từ bỏ tư duy ỷ lại vào bảo hộ và bao cấp, ưu đãi của nhà nước, dựa dẫm vào quan hệ thân quen. Từ bỏ những thói quen không phù hợp (“đi cửa sau”, tù mù, làm hàng nhái, hàng giả…). Phải chấp nhận cạnh tranh và quy luật đào thải của thị trường. Thay tư duy ngắn hạn bằng chiến lược, tầm nhìn xa. Đổi mới chiến lược cạnh tranh. Biết mình biết người, tạo thế các bên cùng thắng (win-win).

...và chắp cánh thương hiệu

Qua ý kiến ông Dũng, Nhà nước vẫn đang tiếp tục hỗ trợ DN, còn bản thân DN cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh. Và để thiết thực hỗ trợ cho DN Bình Dương, bên cạnh việc tổ chức Hội thảo TPP, và EVFTA để DN nhận diện cơ hội và thách thức khi gia nhập các FTA này, Sở Công Thương còn mời đại diện Công ty Dun & Bradstreet (D&B) Việt Nam để hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường thế giới. Công ty này có chức năng cung cấp cho DN số mã D-U-N-S® Number ( DRS). Đây là mã số tiêu chuẩn toàn cầu trong giao thương quốc tế chỉ được cấp cho các DN đã vượt qua được các bước xác minh và được vào hệ thống dữ liệu toàn cầu của Công ty D&B. Mã số D-U-N-S® Number giúp DN tăng cường độ tin cậy, năng cao uy tín, gia tăng mức độ nhận diện của DN trên phạm vi toàn cầu và giúp DN kết nối với đối tác quốc tế thông qua hệ thống dữ liệu toàn cầu của Công ty D&B.

Bà Đặng Ngô Thảo Nguyên, Giám đốc Công ty D&B cho biết, để nắm bắt các cơ hội kinh doanh mà các FTA thế hệ mới mang lại, DN Việt cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh mang tính toàn cầu. Do đó, công tác minh bạch hóa thông tin, hồ sơ DN nhằm gia tăng mức độ nhận diện, tạo niềm tin cho đối tác và các nhà đầu tư quốc tế là một trong những việc quan trọng cần làm. Đây là xu thế, và là một trong những điều kiện tiên quyết, bắt buộc khi DN Việt muốn cộng tác với các đối tác quốc tế, đặc biệt là các DN hàng đầu trên thế giới như Apple, Intel, Walmart... hầu hết họ đều yêu cầu đối tác phải có chứng nhận mã số D-U-N-S® Number.

Bà Thảo Nguyên cho biết thêm: D-U-N-S® Number (DRS) được công nhận, khuyến nghị và yêu cầu bởi hơn 200 tổ chức ngành nghề và thương mại toàn cầu, bao gồm Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (International Organisation for Standardisation), Liên Hiệp Quốc (United Nations), Ủy ban Châu Âu (European Commission) và Chính phủ Liên bang Hoa Kỳ hay Apple, Intel, Walmart… Do vậy, DN Bình Dương hãy tận dụng tốt những lợi ích, những giá trị mà D-U-N-S Number (DRS) mang lại trong quá trình hội nhập.

Ông Herb Corchan - Chủ tịch Phòng thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam đã đánh giá cao về mức độ hỗ trợ DN của D.U.N.S® Number (DRS): “DN cần có mã số D.U.N.S® Number để tăng tính cạnh tranh và hưởng được lợi ích từ thị trường. Nên chăng đề nghị Chính phủ hỗ trợ để có nhiều hơn nữa DN có mã số D.U.N.S® Number!”

Các hiệp định mở cửa thương mại thời gian qua và những FTA thế hệ mới sắp tới chắc chắn sẽ là một động lực mới, mang theo những cơ hội chưa từng có và cả thách thức to lớn cho nền kinh tế và các DN Việt Nam. Nhà nước và DN còn rất nhiều việc phải làm để khắc phục những thách thức, biến những cơ hội thực sự trở thành hiện thực. DN sẽ phải là những người đầu tiên cần thay đổi, cải thiện năng lực cạnh tranh với sự tiếp tục đồng hành, hỗ trợ của Nhà nước, để DN có thể vững chãi tiến lên trên con đường hội nhập sắp tới.

BẢO ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên