Đa dạng hóa hoạt động giáo dục bậc tiểu học

Cập nhật: 09-12-2014 | 10:14:41

Chủ trương dạy học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học (TH) nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh (HS) và phụ huynh. Để hiệu quả giáo dục đạt chất lượng thực sự, các trường TH đã thực hiện thời khóa biểu linh hoạt vào buổi học thứ hai (buổi chiều), từ đó đã phát huy được năng khiếu học tập của HS.

Được học thời khóa biểu linh hoạt vào buổi chiều, HS trường TH Lý Tự Trọng (TX.Thuận An) phát huy được năng khiếu học tập. Ảnh: A. SÁNG

Theo bà Nguyễn Thị Kim Tuyết, Phó phòng giáo dục TH, Sở Giáo dục - đào tạo (GD-ĐT), thực hiện cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, từ năm học 2008- 2009, sở đã chỉ đạo các trường TH đổi mới quản lý chỉ đạo, giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy, nhằm ổn định chất lượng giảng dạy. Cụ thể, buổi sáng giáo viên dạy theo phân phối chương trình do Bộ GD-ĐT quy định, buổi chiều thực hành các kiến thức đã học, giúp đỡ HS yếu kém vươn lên, đồng thời tổ chức dạy các môn năng khiếu như: Tin học, tiếng Anh, âm nhạc, mỹ thuật…

Hưởng ứng chủ trương trên, những trường TH dạy 2 buổi/ ngày đã nhanh chóng triển khai thực hiện. Cô Lê Thị Hải, Hiệu trưởng trường TH Bình Mỹ (Bắc Tân Uyên) cho biết, trường có 25 lớp với 866 (HS). Với cơ sở vật chất hiện có, cùng với quy mô HS như trên là điều kiện lý tưởng để nhà trường thực hiện lớp học linh hoạt từ lớp 1 đến lớp 5. Đầu năm học, sau khi khảo sát chất lượng HS, giáo viên phân chia trình độ HS giỏi, khá, trung bình, yếu. Buổi sáng HS học cùng lớp, buổi học thứ hai các em học theo lớp học linh hoạt tùy theo trình độ HS, kết hợp với dạy các môn năng khiếu.

Tổ chức lớp học linh hoạt là cụ thể hóa chủ trương dạy 2 buổi/ ngày, đổi mới phương pháp giảng dạy và đa dạng hóa hoạt động giáo dục. Trường TH Đông Hòa (TX.Dĩ An) cũng đủ điều kiện bố trí lớp học linh hoạt. Theo thầy Phan Thanh Sơn, Hiệu trưởng nhà trường, tính tích cực của hình thức học tập này là HS yếu kém không bị đuối vì kiến thức vượt quá khả năng, HS giỏi không bị nhàm chán, từ đó kích thích các em hứng thú, say mê học tập. Buổi học thứ hai tập trung vào các nội dung, như: Thực hành kiến thức đã học, giúp đỡ HS yếu kém vươn lên hoàn thành yêu cầu học tập, bồi dưỡng HS giỏi ở các môn toán, tiếng Việt; dạy các môn năng khiếu khác, dạy các môn tự chọn và tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp.

Lâu nay giáo viên chỉ soạn giáo án cho HS trong một lớp học, thực hiện đổi mới phương pháp dạy, trong quá trình giảng dạy giáo viên linh hoạt thay đổi theo đối tượng HS. Từ khi thực hiện lớp học linh hoạt, giáo viên cũng phải vận dụng thời khóa biểu linh hoạt. Nghĩa là người thầy ngoài soạn giáo án dạy vào buổi sáng, còn có một giáo án khác dạy theo đối tượng HS giỏi, khá, trung bình, yếu. Để có được chất lượng thực sự, người thầy cần nâng cao trách nhiệm với học trò. Từ khi thực hiện chủ trương này người thầy đã không ngừng học tập, nghiên cứu, sáng tạo để có được những trang giáo án hay. Cô Phạm Thị Hường, giáo viên trường TH Lái Thiêu (TX.Thuận An), cho biết thực hiện thời khóa biểu linh hoạt, giáo viên vất vả hơn vì phải soạn giáo án theo đúng đối tượng HS. Nếu được giao phụ trách lớp giỏi, giáo viên phải tìm tòi, nghiên cứu tài liệu để dạy HS theo hướng nâng cao, còn với lớp học HS có học lực trung bình - yếu giáo viên củng cố kiến thức đã dạy vào buổi sáng, dạy kỹ những phần các em chưa hiểu.

Qua nhiều năm vận dụng thời khóa biểu linh hoạt, chất lượng giáo dục ở các trường TH có sự chuyển biến rõ rệt. Theo cô Lê Thị Hải, tỷ lệ HS lên lớp hàng năm đạt trên 98%, qua các năm học nhà trường đều có HS đạt giải HS giỏi các cấp, riêng năm học vừa qua có 17 em đạt giải cấp huyện, 2 em đạt giải cấp tỉnh ở các cuộc thi: Giải toán bằng tiếng Việt, giải toán bằng tiếng Anh và thi Olympic tiếng Anh.

Bà Nguyễn Thị Kim Tuyết cho biết, hàng năm ngành đã tập trung chỉ đạo các trường thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cho phù hợp với đối tượng HS trên cơ sở bảo đảm chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình, thực hiện đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục TH. Đây còn là cơ sở để đánh giá chuẩn nghề nghiệp của đội ngũ.

A.SÁNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X