“Đã uống rượu, bia không lái xe”

Cập nhật: 08-01-2020 | 02:35:28

 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/ NĐ- CP chính thức có hiệu lực vào ngày 1-1- 2020. Với những chế tài khắt khe, kể từ thời điểm này, mọi người dân khi ra đường nếu trong máu có nồng độ cồn, dù ít hay nhiều đều sẽ bị xử lý nếu điều khiển các loại phương tiện tham gia giao thông… 

Lực lượng CSGT đo nồng độ cồn một lái xe có dấu hiệu vi phạm bằng thiết bị chuyên dụng

 Trong nội dung Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hàng loạt cảnh báo mà người tham gia giao thông, đặc biệt là các cá nhân thường sử dụng rượu, bia cần phải hết sức lưu ý để không vi phạm, cụ thể như: Cấm rủ rê, lôi kéo, ép buộc, xúi giục người khác uống rượu, bia; cấm người dưới 18 tuổi uống rượu, bia; cấm cán bộ, công chức, viên chức sử dụng rượu, bia trong giờ làm việc; cấm uống rượu, bia ở những địa điểm công cộng... Đặc biệt, việc cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã uống rượu, bia sẽ tác động rất nhiều đến tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên cả nước.

Việc triển khai Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đang được sự ủng hộ cao của đại đa số người dân. Nhiều người cho rằng việc điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã sử dụng rượu, bia đang trở thành thói quen đối với một số cá nhân, do đó nếu luật này đi vào cuộc sống sẽ mang lại rất nhiều lợi ích, trước tiên là giảm thiểu được số vụ tai nạn giao thông (TNGT) do người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn gây ra.

Việc Ủy ban ATGT Quốc gia chọn khẩu hiệu “Đã uống rượu, bia không lái xe” là chủ đề của Năm ATGT 2020 cho thấy việc siết chặt, xử lý nghiêm các vi phạm về nồng độ cồn là việc làm cấp bách và cần thiết. Trong đó, mục tiêu trọng tâm của nhiệm vụ năm 2020 là cần phải nâng cao hơn nữa nhận thức và ý thức của người tham gia giao thông trong việc chấp hành pháp luật trật tự ATGT, đặc biệt là quan tâm đến các quy định về nồng độ khi điều khiển phương tiện giao thông. Từ đó, mới có thể góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ chung giảm các tiêu chí TNGT từ 5 - 10% số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2019.

Hưởng ứng thời điểm Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chính thức có hiệu lực, đồng thời thực hiện chỉ đạo của Ban ATGT về tăng cường xử lý vi phạm về nồng độ cồn trên địa bàn tỉnh, ngay từ những ngày đầu tháng 12-2019, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh thường xuyên tổ chức tuần tra kiểm soát, phát hiện và xử lý gần 1.000 trường hợp vi phạm về trật tự ATGT. Trong số này, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) đã phát hiện, lập biên bản nhiều trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã sử dụng rượu, bia. Hiện lực lượng chức năng tỉnh vẫn đang tiếp tục phối hợp triển khai cao điểm, nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự ATGT trên toàn địa bàn.

Thượng tá Nguyễn Anh Kiệt, Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh, cho biết bắt đầu từ ngày 1-1-2020 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia bắt đầu có hiệu lực và chủ đề của năm 2020 là “Đã uống rượu, bia không lái xe”, Phòng CSGT Công an tỉnh đã xây dựng và triển khai kế hoạch tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn. Trong đó, phòng đặc biệt chú ý đến các khung giờ, các khu vực thường xảy ra vi phạm để tập trung xử lý…

Nằm trong kế hoạch bảo đảm trật tự ATGT năm 2020, Ban ATGT tỉnh yêu cầu các đơn vị thành viên và Ban ATGT các huyện, thị, thành phố tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm luật giao thông. Trong đó, tập trung vào các hành vi có nguy cơ cao gây TNGT như: Vi phạm tốc độ, tải trọng; đi không đúng làn đường, phần đường... Đặc biệt là đối với các hành vi vi phạm về nồng độ cồn và sử dụng ma túy khi điều khiển phương tiện.

Việc Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực là một tin vui cho tất cả những người tham gia giao thông trên đường. Trong thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, ngành chức năng tỉnh cần nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ nói chung, cũng như Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia nói riêng đến mọi tầng lớp nhân dân. Qua đó, giúp người tham gia giao thông tiếp cận, hiểu và thực hiện đúng các quy định trong văn bản luật vừa được ban hành, góp phần kéo giảm các tiêu chí về TNGT trên toàn tỉnh, nhất là các vụ TNGT liên quan đến rượu, bia.

 Ông Trần Bá Luận, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, Phó trưởng ban ATGT tỉnh, cho biết trong thời gian qua đã có nhiều vụ TNGT liên quan đến việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Vì vậy, dưới góc độ bảo đảm trật tự ATGT, ngay khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chính thức có hiệu lực vào ngày 1-1-2020, Ban ATGT tỉnh đã có kế hoạch phối hợp cùng các cấp, ngành, các đoàn thể tăng cường tổ chức tuyên truyền để mọi người dân nâng cao nhận thức về pháp luật, đặc biệt là hiểu, nhận thức được về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia từ đó nghiêm túc thực hiện, nhất là trong lĩnh vực ATGT…

BÌNH MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên