Đặc khu Hong Kong - 15 năm ổn định và phát triển

Cập nhật: 30-06-2012 | 00:00:00

15 năm đã trôi qua kể từ ngày Hong Kong trở về Trung Quốc. Giờ đây, Đặc khu hành chính này ngày càng trở nên sầm uất và thịnh vượng.

Nếu được hỏi cảm nhận về chính sách “một nước hai chế độ,” ngay cả một người Hong Kong không mấy quan tâm tới chính trị, chưa hài lòng với tình hình kinh tế, xã hội, dân sinh cũng không thể phủ nhận sự thành công của chính sách đúng đắn này.

Những thành tựu mà Hong Kong đạt được là kết quả của khả năng nắm bắt cơ hội, ứng phó linh hoạt và phấn đấu không mệt mỏi của người dân Đặc khu, nhưng cũng không thể tách rời sự ủng hộ, trợ giúp của Chính phủ Trung Quốc.

  Các em nhỏ Hong Kong đón chào Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào Ít ai biết rằng vài năm trước thời điểm Hong Kong tái hợp với đất mẹ Trung Quốc (1-7-1997), làn sóng di cư khỏi Hong Kong đã trở nên ồ ạt.

Mặc dù lúc đó, “Tuyên bố chung Trung-Anh” đã được ký kết, “Luật Cơ bản” cũng đã được công bố, nhưng đối với đại bộ phận người dân Hong Kong, các khái niệm như “một nước hai chế độ,” “người Hong Kong quản trị Hong Kong,” “tự trị cao,” nghe thì vẫn hiểu, nhưng vấn đề là họ “nhìn không thấu.” “Một nước” làm sao có thể tồn tại “hai chế độ” và “tự trị cao,” và “cao” ở mức độ nào. Hệ quả là những người thiếu niềm tin đã tìm đường ra đi.

Thế nhưng, trong 15 năm qua, Hong Kong vẫn ổn định và không ngừng phát triển. Trong khung chính sách “một nước hai chế độ,” sau khi trở về với Trung Quốc, chế độ kinh tế, xã hội, đồng tiền, phương thức sinh hoạt của Hong Kong vẫn giữ nguyên, luật pháp về cơ bản không thay đổi.

Hong Kong tiếp tục giữ vai trò là một thương cảng tự do, trung tâm thương mại, tài chính quốc tế và duy trì, phát triển quan hệ kinh tế với các nước, các vùng lãnh thổ khác trên thế giới.

Ưu thế cạnh tranh độc đáo của Hong Kong trên toàn cầu cũng được hình thành từ chính nền tảng chính sách “một nước hai chế độ.” Vì thế, cho dù phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn từ nhiều thành phố của Trung Quốc và những “con rồng,” “con hổ” xung quanh như Singapore và Hàn Quốc, Hong Kong vẫn là điểm đến hấp dẫn không chỉ của dòng vốn đầu tư, mà còn của du khách thập phương. Con số hơn 700 công ty, tập đoàn tầm cỡ thế giới đặt trụ sở ở Hong Kong, lượt khách du lịch gấp gần 7 lần dân số là minh chứng hùng hồn cho điều đó.

Bên cạnh đó, từ khi trở về Trung Quốc, Hong Kong luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền trung ương. Vào mỗi thời khắc then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của Hong Kong, Bắc Kinh đều đưa ra chính sách cụ thể để ủng hộ và tạo sức sống mới cho Đặc khu hành chính này.

Nhìn lại 15 năm qua, đặc biệt là từ năm 2003 tới nay, chính phủ Trung Quốc đã có rất nhiều chính sách mạnh mẽ hỗ trợ Hong Kong như mở cửa du lịch cá nhân tới Hong Kong cho người dân Trung Quốc, ký kết Thỏa thuận Xây dựng Quan hệ kinh tế thương mại chặt chẽ hơn giữa Hong Kong và Trung Quốc đại lục (CEPA), cho phép các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc niêm yết trên thị trường chứng khoán Hong Kong, thúc đẩy hợp tác Hong Kong-Quảng Đông, hợp tác khu vực kinh tế tam giác sông Châu Giang mở rộng.

Nhờ vào sự trợ giúp thiết thực đó, trong giai đoạn 2004-2008, tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm của Hong Kong đạt 5%, cao gấp 2 lần so với các nền kinh tế phát triển khác.

Sau “cơn sóng thần tài chính thế giới” năm 2008, Hong Kong chỉ mất hơn một năm để thoát khỏi đáy khủng hoảng. Kinh tế Hong Kong phục hồi mạnh mẽ, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp kỷ lục (tới tháng 5 vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp của Hong Kong chỉ còn 1,4%, tương đương 123.400 người), năng lực ứng phó với rủi ro kinh tế và cải thiện dân sinh tăng lên rõ rệt.

Cùng với việc có được môi trường kinh doanh mang lại hiệu quả tốt cho các nhà đầu tư, chính quyền hoạt động hữu hiệu, thể chế pháp luật hoàn thiện, thông tin công khai, minh bạch, mở cửa cạnh tranh công bằng, cơ sở hạ tầng về thông tin, giao thông, mạng lưới tài chính phát triển, Hong Kong đang ngày càng có điều kiện thuận lợi để biến rủi ro thành cơ hội, tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của mình.

Hong Kong hiện đang đứng trước những khó khăn và thách thức mới. Trong các lĩnh vực như kinh tế, xã hội và dân sinh đã xuất hiện nhiều vấn đề tầng sâu, nhất là việc khoảng cách giàu nghèo ngày một gia tăng. Tuy nhiên, với nền tảng tốt và ưu thế đặc biệt, cùng sự nỗ lực của người dân và sự trợ giúp của chính quyền trung ương, hoàn toàn có cơ sở để lạc quan về sự phát triển của Hong Kong.

Các hoạt động kỷ niệm 15 năm Hong Kong trở về Trung Quốc diễn ra đúng vào thời điểm chính quyền Đặc khu khóa 4 chính thức ra mắt. Phương châm “tìm kiếm sự thay đổi trong ổn định” do Trưởng Đặc khu và chính quyền khóa mới đưa ra đã nhận được sự hưởng ứng của xã hội và người dân Hong Kong.

Thế giới vận động không ngừng, tình hình Trung Quốc, tình hình Hong Kong cũng đang có những thay đổi và người Hong Kong kỳ vọng vào chính quyền khóa mới sẽ tìm được con đường phát triển cho Đặc khu bằng “con người mới, tác phong mới và tư duy mới” để Hong Kong “tiến cùng thời đại.”.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên