Đại biểu Quốc hội “soi” ngành y tế

Cập nhật: 25-05-2018 | 08:44:30

Hành lang pháp lý, cơ chế để bảo vệ cán bộ, nhân viên y tế; chế độ đãi ngộ để “giữ chân” bác sĩ công tác tại các bệnh viện công lập; vệ sinh an toàn thực phẩm… tiếp tục là những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Đây cũng là những vấn đề từng gây bức xúc dư luận xã hội mà ngành y tế chưa đưa ra được giải pháp giải quyết căn cơ.

Vấn đề đầu tiên của ngành y tế được các đại biểu “soi” là dự toán chi từ nguồn ngân sách Nhà nước năm 2018 dành cho Bộ Y tế hơn 5.000 tỷ đồng, nhưng 4 tháng đầu năm mới chỉ thực hiện được 110,8 tỷ đồng, tương đương 2,4%.

 Đề cập vấn đề này, nhiều đại biểu cho rằng lĩnh vực đầu tư y tế giải ngân thấp thì hiệu quả chẩn đoán, điều trị bệnh trong giai đoạn tới sẽ kém. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất buôn bán thuốc, dược phẩm chưa được ngành y tế quản lý chặt chẽ, vẫn còn tình trạng thuốc giả, thuốc lậu, thuốc kém chất lượng và một số vụ việc gây bức xúc dư luận xã hội như thuốc hỗ trợ điều trị ung thư được sản xuất từ bột than tre!

Cán bộ, nhân viên bệnh viện vừa thực hiện chuyên môn, vừa lo bị tấn công là vấn đề được các đại biểu quan tâm thảo luận nhiều nhất và cho rằng cần có biện pháp giải quyết dứt điểm. Một bác sĩ bị người nhà bệnh nhân tấn công đồng nghĩa với việc kẻ tấn công bác sĩ đã tước đi quyền được điều trị của bệnh nhân kế tiếp. Nếu không giải quyết kịp thời vấn đề này, quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân sẽ xấu đi, ảnh hưởng lớn đến công tác điều trị bệnh cho bệnh nhân tại bệnh viện. Do vậy, cần có hành lang pháp lý, cơ chế để bảo vệ cán bộ, nhân viên y tế.

Trước tình hình nhiều bác sĩ rời bệnh viện công hoặc “chân trong, chân ngoài”, nhiều đại biểu cho rằng đến nay vẫn chưa thấy Bộ Y tế đề xuất chế độ đãi ngộ đối với bác sĩ. Lương thấp và không có chế độ đãi ngộ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bác sĩ không yên tâm công tác, phải làm thêm, thậm chí rời bỏ hệ thống y tế công lập để ra làm riêng hoặc đầu quân cho hệ thống y tế tư nhân với mức lương cao hơn. Kêu gọi bác sĩ thể hiện y đức thì phải tạo môi trường để bác sĩ vừa có thể cống hiến và thể hiện y đức, vừa nuôi được gia đình.

An toàn thực phẩm là vấn đề được nhiều đại biểu “soi” gay gắt nhất. Nêu ví dụ về vụ vỏ cà phê trộn lõi pin, heo bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ… vẫn tiếp tục tồn tại, nhiều đại biểu cho rằng đó là do pháp luật không nghiêm! Và, nếu tình trạng này vẫn còn diễn ra thì hệ lụy kéo theo không chỉ dừng lại ở mức có bao nhiêu người mang bệnh ung thư mà còn làm suy giảm sức khỏe, trí tuệ và sắc vóc của cả dân tộc.

Mặc dù đều là những chuyện “biết rồi”, nhưng vẫn được đại biểu “soi” kỹ. Điều này là cần thiết nhằm tìm ra giải pháp giải quyết căn cơ các vấn đề, vì nếu không giải quyết kịp thời thì hậu quả của những vấn đề này sẽ rất khó lường

LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên