Đại lễ Vesak 2014 bế mạc và thông qua Tuyên bố Ninh Bình

Cập nhật: 10-05-2014 | 00:00:00

  Toàn cảnh phiên bế mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc lần thứ 11 – Vesak 2014. (Nguồn: TTXVN)

Chiều 10-5, Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc-Vesak 2014 đã bế mạc sau 4 ngày làm việc.

Dự lễ bế mạc có Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại diện Mặt trận Tổ quốc, các bộ, ban, ngành, địa phương.

Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, Phó pháp chủ Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng các chư tôn đức giáo phẩm đại diện cho Phật giáo các nước, các tông phái Phật giáo trên thế giới, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tham dự lễ bế mạc.

Cùng dự buổi lễ còn có Quốc vương Toro, đại diện Liên hợp quốc, các đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và nhiều đại biểu nước ngoài.

Diễn văn bế mạc do Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Quốc tế Vesak 2014 và Hòa thượng Dhammaratana, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban tổ chức quốc tế Vesak Liên hợp quốc (ICDV) đều chung nhận định Đại lễ Vesak 2014 đã thành công rực rỡ.

Đại lễ đã quy tụ gần 1.500 đại biểu đến từ 95 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng hơn 20 nghìn đại biểu tăng ni, phật tử Việt Nam trong và ngoài nước.

Nhấn mạnh ba trụ cột phát triển bền vững

Phát biểu tại lễ bế mạc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Đại lễ Vesak 2014 đã được tổ chức trọng thể, trang nghiêm trong tinh thần dân chủ, hòa hợp, thân thiện và đã thành công tốt đẹp.

Tư tưởng cao quý của Đại lễ với chủ đề “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc” đã được long trọng tuyên xưng trong hòa hợp và trách nhiệm lớn lao.

Nêu rõ trong thời gian Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc diễn ra tại chùa Bái Đính (Ninh Bình), trên khắp đất nước Việt Nam, hàng chục triệu tăng ni, phật tử trong cả nước cùng tiến hành kỷ niệm ngày Đản sinh của Đức Phật Thích Ca theo truyền thống tín ngưỡng tôn giáo của mình, hưởng ứng Đại lễ Vesak trong tinh thần văn hóa quốc tế và hữu nghị của Liên hợp quốc, Phó Thủ tướng nhấn mạnh ngày Phật đản Liên hợp quốc ở Việt Nam đã thực sự trở thành ngày hội văn hóa chan hòa tinh thần đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, nêu cao thông điệp hòa bình, yêu thương trên nền tảng tư tưởng của Đức Phật.

Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn thông qua Đại lễ này, sự đoàn kết, gắn bó giữa các quốc gia, các vùng lãnh thổ càng bền chặt để hành động có hiệu quả thiết thực hơn cho hòa bình, hợp tác và tiến bộ của nhân loại.

Gửi lời cảm ơn đến các vị khách quốc tế, các đại biểu và toàn thể tăng ni, phật tử đã góp phần cho Đại lễ được thành công viên mãn; đồng thời đánh giá cao và ghi nhận những nỗ lực của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong công tác tổ chức, Phó Thủ tướng tin tưởng những ý nguyện tốt đẹp của cộng đồng quốc tế được thảo luận, thống nhất thể hiện tại “Tuyên bố Ninh Bình 2014” sẽ trở thành hiện thực.

Qua Đại lễ này, mỗi người được tiếp nhận thêm nguồn cổ vũ, động viên và sự hỗ trợ để nỗ lực, tinh tấn nhiều hơn, góp phần cùng các tầng lớp nhân dân xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh ở mỗi quốc gia và trên toàn thế giới.

Tại lễ bế mạc, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng thư ký Ủy ban Tổ chức Quốc tế Vesak 2014 đã báo cáo tổng kết Đại lễ và Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tuyên đọc “Tuyên bố Ninh Bình 2014.”

 Các đại biểu dự Lễ bế mạc. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Tuyên bố gồm 7 Điều, 31 điểm, trong đó nêu rõ: “ mỗi cá nhân và tập thể có nghĩa vụ làm việc không mệt mỏi để đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (MDG) và phấn đấu hết sức để tham gia hoạt động xã hội để đạt được thành tựu cho các mục tiêu và xem đó như là một phần trong niềm tin và sự tu tập.”

Tuyên bố hối thúc các nhà lãnh đạo trên thế giới đặt sự phát triển bền vững trên ba trụ cột chính là bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế và công bằng xã hội, nhấn mạnh các nguyên tắc bình đẳng, công bằng xã hội, bảo vệ quyền con người và thúc đẩy giáo dục.

Giải quyết tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình

Đặc biệt, Tuyên bố Ninh Bình 2014 nhấn mạnh đến việc thúc đẩy hòa giải các cuộc xung đột, phê phán các hình thức sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực; đồng thời tôn trọng sự sống, thực hành lòng từ bi và bất bạo động thông qua đối thoại và hợp tác giữa các bên.

“Đôn đốc các nhà lãnh đạo chính trị giải quyết các tranh chấp liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa thông qua đàm phán và các biện pháp hòa bình khác, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, để duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác thế giới” – Tuyên bố nêu rõ.

Khuyến khích các phật tử chủ động hơn trong việc thúc đẩy hòa bình, truyền bá trí tuệ của Đức Phật về sự tương quan tương duyên của tất cả mọi người như một gia đình toàn cầu và cùng chia sẻ hậu quả của các hành động; đề cao hòa bình cả nội tại và ngoại tại bằng cách động viên các tín đồ Phật giáo tham gia giải quyết các vấn đề đương đại về chiến tranh, bạo lực, không khoan dung và khủng bố đang đe dọa đến hòa bình và ổn định xã hội trên toàn giới cũng là nội dung đáng chú ý của Tuyên bố này.

Lễ bế mạc kết thúc bằng màn biểu diễn nghệ thuật đặc sắc với ước mong về một thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc. Vào lúc 19 giờ tối 10/5, một lễ thắp nến cầu nguyện hòa bình sẽ diễn ra tại sân điện Thích Ca, chùa Bái Đính với khoảng 1.500 người tham gia./.

Theo Vietnam+

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên