Đại tá Nguyễn Thanh Bình: Người con ưu tú đất Thủ - Bài 1

Cập nhật: 01-04-2014 | 00:00:00

Bài 1: Diệt tên “ác ôn số một” ở Tân Phước Khánh

Suốt cuộc đời gần 50 năm binh nghiệp, đại tá Nguyễn Thanh Bình, người chỉ huy trận đánh Nhà Đỏ năm xưa, nguyên Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Biên Hòa, Bình Long, rồi Tỉnh đội phó Tỉnh đội Sông Bé… để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng cấp trên và nhất là đồng đội về một người sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam trí dũng song toàn. Với những chiến tích đặc biệt, có chiến công đi vào lịch sử kháng chiến hào hùng của dân tộc, đại tá Nguyễn Thanh Bình (hiện cư ngụ tại khu vực ngã tư Tân Lập, phường Chánh Nghĩa, TP.TDM) đang được Tỉnh đội Bình Dương làm thủ tục đề nghị xét tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

 

Đại tá Nguyễn Thanh Bình đang thuật lại những ký ức hào hùng năm xưa

Ảnh: C.THANH

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Thới Hòa, huyện Bến Cát, ngay từ nhỏ cậu bé Nguyễn Thanh Bình đã sớm giác ngộ ý thức cách mạng từ người cha là một đảng viên. Năm 1945, khi đó cậu bé Thanh Bình được 14 tuổi (sinh năm 1931) đã nghỉ học, xung phong vào du kích địa phương. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, hòa bình được tạm thời được lập lại tại miền Nam, với vốn liếng chữ nghĩa học từ trường Bến Cát, Thanh Bình được cử làm thư ký liên lạc cho Ủy ban Kháng chiến hành chính xã Thới Hòa, Bến Cát, tỉnh Thủ Dầu Một. Sau đó, khi thực dân Pháp quay lại cướp nước ta một lần nữa, chàng thanh niên Nguyễn Thanh Bình với dòng máu cách mạng sục sôi đã xin cấp trên cho gác lại công việc của một viên thư ký để tòng quân, trực tiếp cầm súng chiến đấu chống lại kẻ thù.

Nhấp ngụm nước lọc, đại tá Nguyễn Thanh Bình, dù đã bước sang tuổi 83 nhưng tinh thần vẫn còn minh mẫn, bồi hồi kể lại: Đó là vào một đêm trăng sáng, bộ đội chủ lực thuộc Tiểu đoàn 902, Châu Thành, Thủ Dầu Một về đóng quân cạnh nhà, họ đang dàn quân chuẩn bị đánh nhau với giặc Pháp, tôi tới xem thấy thì mê quá, liền nhờ người dẫn đi gặp chỉ huy để xin đầu quân. Nhận thấy chàng thanh niên có gương mặt thông minh sáng sủa, nhanh nhẹn, rất am hiểu địa thế ở địa phương, lại là con em của gia đình cách mạng, nên Bình được chỉ huy đơn vị thu nhận, bố trí làm trinh sát quân báo của Tiểu đoàn 902.

Trận đầu tiên mà tân binh Nguyễn Thanh Bình tham gia chiến đấu là khi Tiểu đoàn 902 phối hợp với Tiểu đoàn 303 đánh đoàn xe lửa của giặc chạy ngang qua khu vực Bến Cát vào tháng 8-1948. Trận này, sau khi bộ đội ta dùng 3 - 4 trái mìn tự tạo loại 250kg, gây hư hỏng những toa xe đi đầu, địch tháo chạy, ta tiêu diệt được một số lính Pháp, thu nhiều súng đạn, hàng hóa (còn gọi là trận Bến Ông Khương). Sau đó, ông Tư Bình được cấp trên cho đi huấn luyện trong 6 tháng ở căn cứ đặt tại Sở Bác Vật (khu vực Vĩnh Tân, Tân Hiệp thuộc TX.Tân Uyên hiện nay). Năm 1949, ông cùng các đồng đội Tiểu đoàn 902 tham gia chống lại trận càn của giặc Pháp, chúng sử dụng lính dù nhảy từ máy bay Dakota xuống Chiến khu Vĩnh Lợi. Trận này, quân ta làm tiêu hao khá nhiều sinh lực của địch, bảo đảm cho cán bộ đầu não của huyện và tỉnh Thủ Dầu Một rút lui an toàn.

Năm 1954, đa số cán bộ đảng viên, bộ đội của ta phải tập kết ra Bắc. Theo chỉ đạo của cấp trên, ông Tư Bình được lệnh ở lại cùng với 12 chiến sĩ lo chôn giấu vũ khí, bảo vệ căn cứ Tỉnh ủy tại Chiến khu Long Nguyên; bí mật bảo vệ nhân dân ở các cuộc đấu tranh chính trị với kẻ thù nhằm yêu cầu thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ. Cũng trong thời gian đầy khó khăn với những thử thách khắc nghiệt của cách mạng ở miền Nam; năm 1955, ông Nguyễn Thanh Bình được kết nạp vào Đảng, tại Chiến khu Vĩnh Lợi. Kể từ đây, ngoài vai trò của một chiến sĩ trực tiếp cầm súng bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng, ông Tư Bình còn được cấp trên giao thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt đòi hòi lòng dũng cảm và cơ trí hơn người.

Ông Tư Bình hồi tưởng: “Vào giữa năm 1959, lúc đó tôi đang giữ chức vụ Trung đội phó, thuộc Tiểu đoàn 380 của tỉnh thì được ông Ba Tình, Bí thư Huyện ủy Châu Thành xuống gặp riêng và phổ biến: Hiện phong trào cách mạng đang bị tổn thất nghiêm trọng bởi tên Chồi, Trung úy biệt động quân, đóng tại đồn Tân Phước Khánh (Tân Uyên). Tên này đã từng giết hại hơn 100 cán bộ, đảng viên, cơ sở cách mạng. Tên Chồi từng bị các chiến sĩ an ninh điệp báo của ta tìm cách tiếp cận để tiêu diệt hắn nhưng đều thất bại, ngược lại còn bị thiệt hại. Ông Tư Bình được giao làm tổ trưởng, cùng với 2 đồng đội tên Gắt, Nết nhận nhiệm vụ phải tiêu diệt tên trung úy Chồi. Tiếp cận địa bàn, ông Tư Bình và các thành viên trong tổ được sự giúp đỡ của cơ sở mật cung cấp thông tin, tạo điều kiện áp sát hắn.

Chồi hiếm khi ra ngoài, trừ những lúc hắn cùng với lính tráng hùng hậu, trang bị vũ khí tận răng đi càn quét, bắt bớ xung quanh đồn. Những lúc đó, tên Chồi đều cẩn thận bố trí những toán lính đi trước để dò mìn, che chắn kỹ cho hắn. Do đó, ông Tư Bình nhận định sử dụng phương án đặt trái nổ hay ném lựu đạn, bắn tỉa là không khả thi. Sau gần 3 tháng ém quân dưới hầm bí mật, cuối cùng cơ hội ra tay tiêu diệt tên Chồi đã đến. Ông Tư Bình nói tiếp: “Hôm đó, có gánh hát về diễn tại chợ Tân Phước Khánh, gần trước cổng đồn. Tên Chồi vốn mê hát nên mò qua xem. Ông Tư Bình và 2 đồng đội cải trang trong bộ dạng của những ông chủ Tàu, là “dân chơi sành điệu” cũng vào xem hát.

Len lỏi mãi, ông Tư Bình mới tiếp cận với vị trí hàng ghế thứ 3, cách hàng ghế danh dự mà tên Chồi ngồi một dãy. Với khoảng cách này, ông Tư Bình thấy rất thuận lợi để kết liễu cuộc đời của tên gian ác, chuyên giết hại đồng bào. Tuy nhiên, đúng vào lúc ông chuẩn bị rút súng ra nã đạn vào tên Chồi thì bất ngờ trong khu vực gánh hát, một số đoàn viên thanh niên xung kích giật dây kéo cờ búa liềm xuất hiện trên sân khấu. Bọn cận vệ thấy vậy rút súng bắn chỉ thiên, dân chúng tóe chạy nhốn nháo. Lúc ấy đèn bật sáng rực nên nếu cố mà bắn tên Chồi thì cũng khó thành công, mà rất dễ lạc đạn trúng người dân; hơn nữa sẽ rất khó thoát chạy ra ngoài do bọn lính từ đồn Tân Phước Khánh kéo qua vây chặt. Suy nghĩ rất nhanh, ông Tư Bình ra hiệu cho đồng đội tìm cách rút êm ra ngoài, chờ cơ hội khác.

Hơn một tuần sau, tình hình tạm lắng sau hàng loạt cuộc bắt bớ, truy xét của địch. Tên Chồi yên tâm ra ngồi nhậu cháo gỏi vịt ngay trước cửa đồn cùng với 2 tên lính cận vệ có trang bị súng ống đầy đủ. Ông biết là thời cơ chín muồi đã tới và lần này quyết phải tiêu diệt cho bằng được tên “ác ôn số một” ở vùng Tân Phước Khánh và các xã lân cận của Tân Uyên.

Ông Tư Bình phân công người đồng đội là Gắt chạy xe đạp chở mình ngồi sau, ăn vận như tay chơi nhà giàu, thẳng tiến đến chợ Tân Phước Khánh, lượn nhanh một vòng ngang cổng đồn. Sau khi Gắt nhận diện “đúng là tên Chồi”, ông Tư Bình ra hiệu cho người đi cùng nhấn mạnh bàn đạp, xe quay ngược lại và chạy thẳng đến trước cổng đồn, ngay trước bàn nhậu của tên Chồi. Khi Chồi và đám cận vệ của hắn chưa kịp định thần, hiểu chuyện gì đang xảy ra thì ông Tư Bình đã rút súng Browning 9 ly bắn liền 4 phát. Tên ác ôn trúng đạn chết ngay tại chỗ. Nghe súng nổ, đám cận vệ hoảng loạn vứt cả súng mà bò mà lết vào đồn. Ông Tư Bình và Gắt vứt xe đạp, hòa vào các thực khách, người buôn bán đang bỏ chạy tán loạn, thoát về hướng đã định trước, nơi có đồng đội Nết đang đứng cảnh giới sẵn sàng hỗ trợ. Cả 3 người sau đó thoát về căn cứ an toàn. Hôm đó là ngày 20-8-1959.

Kinh nghiệm diệt ác ôn do tổ của ông Tư Bình chỉ huy đã được phổ biến cho các đơn vị trong toàn tỉnh. Gần một tháng sau đó, Bí thư Huyện ủy là đồng chí Ba Tình xuống gặp riêng, chúc mừng và tặng thưởng cho Tư Bình món quà là… sợi dây dù giăng võng, là vật thuộc loại rất hiếm vào thời bấy giờ. (còn tiếp)

 Ông Nguyễn Văn Hữu (Một Hữu), nguyên Ủy viên Thường vụ, Tỉnh đội trưởng Sông Bé, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Sông Bé xác nhận (trong hồ sơ đề nghị phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho ông Nguyễn Thanh Bình):

“Tôi xác nhận những gì đồng chí Nguyễn Thanh Bình đã trình bày, nhất là các trận đánh lẫy lừng là hoàn toàn đúng sự thật. Đồng chí Nguyễn Thanh Bình với tinh thần chấp hành nghị quyết của cấp trên cao, tinh thần cách mạng kiên cường, dũng cảm đã tiêu diệt được tên trung úy Chồi, biệt động quân ở đồn Tân Phước Khánh. Lúc đó, tôi nghe báo lại tên trung úy này ngồi nhậu với 2 cận vệ có trang bị súng ống đầy đủ; vậy mà đồng chí Tư Bình vẫn dũng cảm trong tính toán, lao vào bắn chết tên ác ôn này ngay tại chỗ.

Ông Huỳnh Văn Thu, nguyên Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sông Bé:

“Tôi xác nhận những chiến công mà đồng chí Nguyễn Thanh Bình đã trình bày là thể hiện tinh thần dũng cảm và trách nhiệm hơn người. Thời kỳ này, tôi là đồng đội chiến đấu cùng địa phương, anh em các đơn vị khi nghe chiến công của đồng chí Nguyễn Thanh Bình đều rất nể phục tài trí của đồng chí ấy và cảm thấy được cổ vũ, động viên rất nhiều từ

 

 NGUYỄN CHÍ THANH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên