Đậm đà truyền thống, vươn tầm tương lai - Kỳ 2

Cập nhật: 06-04-2021 | 08:05:17

Kỳ 2: Hoàn thiện thiết chế, phục vụ tốt nhân dân

 Hòa cùng tiến trình phát triển của tỉnh, thời gian qua, hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao các cấp ngày càng được chú trọng đầu tư hoàn thiện, góp phần tích cực vào việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân địa phương.

 Sân vận động Dĩ An được đầu tư hiện đại đã phục vụ tốt các hoạt động văn hóa thể thao của địa phương. Ảnh: BỦI VIỆT HƯNG

 Đáp ứng tốt nhu cầu

Đến Bình Dương hôm nay, nhiều du khách đều không khỏi ấn tượng về tốc độ phát triển đô thị của tỉnh, bên cạnh đó là các thiết chế văn hóa ngày càng được đầu tư hoàn thiện, hiện đại. Đó là kết quả bước đầu của quá trình đầu tư xây dựng nhiều công trình thiết chế văn hóa của tỉnh nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần, vui chơi giải trí, tập luyện thể dục, thể thao của nhân dân.

Tính đến nay, 9/9 huyện, thị, thành phố đã hình thành Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao, Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Truyền thanh. Trong đ, tiêu biểu cTrung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao TX.Tân Uyên, huyện Phú Giáo, huyện Dầu Tiếng được đầu tư xây dựng mới đạt chuẩn, phù hợp với quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ngoài ra, 52/91 xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Học tập cộng đồng, đạt tỷ lệ 57,14% (trong đc28 trung tâm được đầu tư xây dựng mới đạt chuẩn về diện tích, phù hợp với quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) .

Điểm đến được mọi người khen ngợi nhiều nhất là sân vận động Gò Đậu. Đây là sân vận động đạt tiêu chuẩn tổ chức các giải thi đấu thể thao cấp quốc gia, quốc tế, vì thế thường được chọn làm địa điểm tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao trọng đại. Bên cạnh đó, Nhà Thi đấu thể thao đa năng có sức chứa 1.500 chỗ ngồi trong Trung tâm Huấn luyện thể thao tỉnh, Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh cũng đang là địa điểm được chọn để tổ chức nhiều sự kiện, giải đấu cấp khu vực và quốc gia.

Không chỉ ở cấp tỉnh, các thiết chế văn hóa còn được đầu tư rộng khắp tại các huyện, thị, thành phố với quy mô và thiết kế hiện đại. Nhiều công trình được xây dựng theo kiểu kết hợp nhiều chức năng đang được khai thác sử dụng hiệu quả. Đến Quảng trường 30-4 (TX.Bến Cát) vào các buổi chiều, chúng tôi thật sự bất ngờ khi thấy rất đông người đân đến đây sinh hoạt, vui chơi, giải trí. Bà Dương Thị Như Ngọc (67 tuổi, ngụ tại khu phố 4, phường Mỹ Phước), cho rằng việc xây dựng quảng trường không chỉ giúp hoàn thiện cảnh quan đô thị, tăng vẻ mỹ quan cho địa phương mà còn tạo thêm không gian để người dân sinh hoạt, vui chơi, tập luyện thể dục, thể thao. Ngoài quảng trường, TX.Bến Cát còn vừa khánh thành đưa vào sử dụng tượng đài “Quân dân Bến Cát anh hùng”. Tượng đài không chỉ tạo thêm điểm nhấn cho thị xã mà còn góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng cho các thế hệ trẻ địa phương.

Tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Học tập cộng đồng phường Đông Hòa (TP.Dĩ An), chúng tôi ghi nhận được tại đây không khí sinh hoạt sôi nổi của các loại hình văn hóa. Hiện nay, tại trung tâm có 1 hồ bơi lớn, 1 hồ bơi nhỏ, 1 hồ bơi trẻ em, sân bóng đá mini, phòng tập gym, khu vui chơi thiếu nhi. Hàng ngày, nơi đây có nhiều câu lạc bộ tham gia sinh hoạt, tập luyện, như: Thể dục dưỡng sinh, văn nghệ, võ thuật và câu lạc bộ đờn ca tài tử.

Ngày càng phát huy hiệu quả

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng… Do đó, trong những năm qua, hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao từ tỉnh đến cơ sở giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị. Bởi đây còn là bộ mặt văn hóa của địa phương, là công cụ trực tiếp, đắc lực của cấp ủy Đảng, chính quyền trong lãnh đạo quần chúng ở địa phương.

Để phát huy hiệu quả của các thiết chế văn hóa, qua đó triển khai các hoạt động đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần cho nhân dân, Bình Dương đã phát huy và nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở, nhất là trong triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Chương trình hành động số 88-CTHĐ/TU ngày 12-9-2014 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Ông Lê Văn Thái, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết ngành văn hóa, thể thao và du lịch sẽ tham mưu thực hiện tốt chức năng của mình trong tổng thể các kế hoạch xây dựng thành phố thông minh; đồng thời, quan tâm phục vụ tốt hơn các nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân trên cơ sở phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và từng bước hình thành các thiết chế văn hóa theo tiêu chuẩn đô thị thông minh. Ngoài ra, sở sẽ tham mưu cho tỉnh có cơ chế, chính sách phù hợp tháo gỡ khó khăn nhằm khuyến khích, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở. Qua đó, huy động tốt các nguồn lực xã hội để xây dựng các thiết chế văn hóa và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người dân.

Có thể nói, xây dựng, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần cho nhân dân là yêu cầu cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Bởi đó là nơi kết nối, giao lưu, sáng tạo và tập hợp ý chí, quyết tâm của toàn xã hội. Mỗi địa phương, cơ sở phải phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Sự quan tâm, chỉ đạo và chung tay thực hiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tập luyện thể dục thể thao của nhân dân trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. (Còn tiếp)

 Ông Lê Văn Thái, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Các thiết chế văn hóa ngày càng đầu tư hoàn thiện, đưa vào sử dụng không chỉ đem lại niềm vui cho người dân mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thể hiện ý Đảng lòng dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, cổ vũ các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP.Dĩ An: Nhìn chung các thiết chế văn hóa phục vụ tốt nhu cầu vui chơi, giải trí, luyện tập, về nguồn… của người dân. Lãnh đạo thành phố rất quan tâm công tác văn hóa, văn nghệ, thể thao từ trung tâm thành phố đến các phường. Trong thời gian tới, TP.Dĩ An sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về văn hóa và nhiệm vụ phát triển văn hóa gắn liền với phát triển kinh tế, ổn định chính trị, an sinh xã hội. Hệ thống văn hóa thông tin từ thành phố đến cơ sở chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, sáng tạo các mô hình mới, tổ chức quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa - thể thao trên địa bàn... để tạo môi trường giải trí lành mạnh, bổ ích phục vụ nhân dân.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TX.Bến Cát: Trong định hướng phát triển của địa phương thời gian tới, TX.Bến Cát sẽ tập trung xây dựng và thực hiện Đề án “Nâng cao đời sống của nhân dân và xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 và những năm tiếp theo”. Trong đó, thị xã tập trung các nhóm giải pháp nhằm đầu tư, khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hóa, đa dạng hóa hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, góp phần xây dựng Bến Cát trở thành đô thị văn minh, giàu đẹp, nghĩa tình.

 MINH HIẾU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên