“Dám làm, dám chịu trách nhiệm”

Cập nhật: 04-09-2020 | 09:09:55

 Đó là cụm từ mà anh Vũ Nam Hưng, Chủ nhiệm Bộ phận Chế tạo II Công ty TNHH Toung Loong Textile Mfg Việt Nam (Khu công nghiệp Việt Hương) nhắc tới nhiều lần khi trò chuyện với chúng tôi. Bởi, theo anh Hưng, dám làm, dám chấp nhận thử thách, dám chịu trách nhiệm thì mới khẳng định được bản thân, tạo được lòng tin ở người sử dụng lao động. “Mà sếp có tin thì mới mạnh dạn giao việc...”.

 Nhờ “Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” mà anh Vũ Nam Hưng có rất nhiều sáng kiến, cải tiến, làm lợi cho doanh nghiệp hàng tỷ đồng

 Nỗ lực hết mình

“Tự tin, vui vẻ, cởi mở” là những gì tôi cảm nhận về anh Vũ Nam Hưng, Chủ nhiệm Bộ phận Chế tạo II Công ty TNHH Toung Loong Textile Mfg Việt Nam. Anh được xem là một hình mẫu của những người công nhân lao động cần cù, ham học hỏi để cho ra đời nhiều cải tiến, sáng kiến đem lại lợi nhuận cao cho doanh nghiệp. Kể về thành công của mình, anh Vũ Nam Hưng, cho biết năm 1999, sau khi tốt nhiệp ngành trung cấp điện công nghiệp, anh về đầu quân cho Công ty TNHH Toung Loong Textile Mfg Việt Nam. Đây là công ty của Đài Loan, chuyên sản xuất chỉ may, sợi dệt.

Vượt qua biết bao khó khăn của một người công nhân mới ra nghề ở một doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài, anh Hưng đã được chủ DN tin tưởng, sẵn sàng giao việc. Anh Hưng, chia sẻ: “Không dễ dàng gì để có được lòng tin của ban giám đốc công ty. Vì vậy, bản thân phải luôn nỗ lực hết mình với tinh thần trách nhiệm cao nhất”. Anh Hưng kể, những năm đầu làm ở bộ phận quản lý thiết bị, anh không có thời gian xuống ca, bởi một phần máy móc lạ chưa quen hết “tính cách”, cũng như “sự ương ngạnh” của từng loại. Mỗi khi nó trở chứng là phải mày mò nghiên cứu, sửa khi nào xong mới thôi. Cũng nhờ sự tận tâm, nhạy bén trong công việc mà anh Hưng đã dần dần được ban giám đốc tin tưởng giao nhiều việc; từ việc sang nước ngoài xem máy móc, tiếp cận công nghệ mới..., đến việc gặp gỡ giải quyết các vấn đề khó khăn của khách hàng.

Hiện nay, trên cương vị người quản lý, anh luôn bảo đảm tiến độ công việc, hiệu quả và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; đồng thời không ngừng học hỏi, nâng cao chất lượng công việc, thường xuyên cóýtưởng vàtham mưu cho lãnh đạo trong công tác cải tiến kỹ thuật, góp phần nâng cao hiệu quảkinh doanh cho công ty. Anh Hưng đang quản lý gần 2/3 công nhân và khối lượng công việc của toàn công ty nhưng ở anh không có “cán bộ - nhân viên”, mà đơn giản: “Mình là người hỗ trợ các bạn. Đồng hành cùng tôi để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Những sáng kiến tiền tỷ

Hơn 20 năm gắn bó với công ty, anh Vũ Nam Hưng có rất nhiều sáng kiến, được áp dụng sâu rộng vào thực tế của sản xuất, làm lợi cho DN hàng tỷ đồng; đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu suất lao động, rút ngắn quy trình sản xuất, bảo đảm an toàn cho người công nhân lao động trực tiếp, góp phần xây dựng công ty ngày một phát triển vững mạnh hơn. Nói về khởi nguồn của những sáng kiến, cải tiến tại DN, anh Vũ Nam Hưng, chia sẻ: “Công ty được thành lập năm 1998. Máy móc thời đó chủ yếu là máy cũ được chuyển giao về từ công ty mẹ ở Đài Loan, sau một thời gian sử dụng thì liên tục hư hỏng. Máy móc hư làm cho tiến độ sản xuất bị ảnh hưởng, năng suất của người lao động không cao do phải thường xuyên ngừng máy sửa chữa. Và, một vấn đề khó đặt ra làcác linh kiện này ở Việt Nam không có, phải nhập khẩu. Việc phụ thuộc nhập khẩu linh kiện lại phát sinh 2 vấn đề. Thứ nhất là giá thành cao; thứ hai là gián đoạn sản xuất khi linh kiện nhập về không kịp. Việc thay thế linh kiện mới cũng khá phức tạp và mất thời gian, trong khi số DN chuyên về ngành chỉ may, sợi dệt ở Việt Nam khá nhiều. Sự cạnh tranh trên thương trường khá khốc liệt buộc DN phải sản xuất ra sản phẩm có chất lượng tốt nhất mà giá thành thấp nhất. Từ những lý do đó, các ý tưởng sáng kiến cứ lần lượt ra đời”.

Sáng kiến thứ nhất phải kể đến là việc cải tiến đầu khởi động máy IHC. Đây là tên một loại máy đánh cuộn, chỉ sử dụng để sản xuất nylon nhún. Nguyên bản đầu khởi động máy được đúc bằng nhựa cứng dễ bị gãy. Anh Hưng đã chuyển sang làm bằng thép thông thường trên cơ sở giữ nguyên đường kính của vòng cao su để bảo đảm ma sát truyền động; căn cứ vào kích thước trục truyền động thực tại để làm kích thước lỗ ghép cho đầu khởi động. Cải tiến thành công đã đem lại hiệu quả lớn cho DN. Đó là nội địa hóa được linh kiện máy móc, không cần bảo dưỡng. Về mặt kinh tế, mỗi năm tiết kiệm được trên 88 triệu đồng chi phí thay thế định kỳ. Hiệu quả về mặt xã hội là ổn định sản xuất, nâng cao chất lượng, sản lượng sản phẩm, đáp ứng sản xuất kịp thời tạo uy tín cho khách hàng; đồng thời giảm chi phí thời gian chờ ngưng máy để sữa chữa; hạn chếrác thải ra môi trường, làm giảm ô nhiễm môi trường... Sáng kiến này được công nhận theo Giấy chứng nhận số: 003/QĐ ngày 6-4-2010 của Tổng giám đốc Công ty TNHH ToungLoong.

Một trong những sáng kiến được đánh giá cao nữa là sáng kiến máy chẻ củi sử dụng đốt lò hơi. Theo anh Hưng, giữa năm 2013, công ty đưa vào sử dụng lò đốt hơi sử dụng nguyên liệu đốt là củi gỗ, thay thế lò hơi đốt dầu nhằm giảm chi phí sản xuất hạ giá thành sản phẩm; qua một thời gian sử dụng đã phát sinh một số vấn đề. Đó là công nhân thao tác vất vả và mất an toàn; củi lớn không bỏ vào lò đốt được; công ty phải tốn chi phí tách củi, chẻ củi bằng thủ công. Số lượng củi ngày càng nhiều thêm, chẻ củi không kịp nên chiếm mặt bằng khá lớn để lưu trữ... Qua quan sát và thực hiện công tác chuyên môn, ý tưởng sáng kiến máy chẻ củi được ra đời. Sau khi đề xuất ý tưởng trên, được ban giám đốc ủng hộ và anh Hưng chính thức nghiên cứu. Chi tiết để anh cải tiến là sử dụng nguyên lý cơ bản máy ép ván gỗ; bảo đảm lực ép khoảng 20 tấn đủ để xẻ những loại gỗ củi cứng. Riêng phần dao chẻ thiết kế hai phần, phần đế dao sử dụng thép C45; phần lưỡi dao sử dụng thép có qua nhiệt luyện và liên kết chắc chắn với phần đế, mục đích là có thể thay thế nếu phần lưỡi hỏng. Sau thời gian đưa vào sử dụng thì thấy rất an toàn khi thao tác, giảm thiểu tai nạn lao động. Hiệu suất đem lại cao khoảng 3m3/ giờ tùy loại gỗ củi; giá thành lại hạ rất nhiều so với trước đây. Cụ thể, giá máy chẻ củi và bản quyền sử dụng khoảng 70 triệu đồng/máy, trong khi tự nghiên cứu sáng chế chỉ mất 42 triệu đồng/máy, tiết kiệm 28 triệu đồng/máy; tiết kiệm nhân công và chi phí 60 triệu đồng/năm; đồng thời tiết kiệm mặt bằng sử dụng để lưu trữ củi. Sáng kiến này được công nhận theo Giấy chứng nhận số: 009/QĐ ngày 12-11-2014 của Tổng giám đốc Công ty TNHH ToungLoong.

Với những sáng kiến, cải tiến và hiệu quả công việc đem lại, năm 2013, anh Vũ Nam Hưng, khi ấy là chủ nhiệm - quản lý sản xuất của công ty đã vinh dự được nhận giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ II của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Và, năm 2016 anh được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước trong công nhân viên chức lao động giai đoạn 2010-2015.

 Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh là phần thưởng cao quý của Công đoàn Việt Nam, vinh danh cá nhân tiêu biểu, xuất sắc là những công nhân hăng say lao động sản xuất, say mê sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Họ xứng đáng là những người thầy, người anh trong tổ, đội, phân xưởng giúp DN, đơn vị đào tạo dìu dắt đội ngũ công nhân lao động trẻ nắm vững tay nghề, kỹ năng làm việc hiệu quả, nhanh chóng tiếp thu và làm chủ khoa học, công nghệ tiên tiến, góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm.

 THU THẢO  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên