Dân quân tự vệ - “Bức tường sắt của Tổ quốc”

Cập nhật: 28-03-2015 | 07:56:08

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam luôn phải đương đầu với giặc ngoại xâm để bảo vệ đất nước, tạo dựng nên truyền thống quý báu: “Ngụ binh ư nông”, “trăm họ đều là lính”, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, “động viên toàn dân, vũ trang toàn dân”... Trong suốt 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, vượt qua bao gian khó, thử thách, hy sinh, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ (DQTV) đã hết lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc, nhân dân, chiến đấu kiên cường, mưu trí, dũng cảm, lập nên nhiều chiến công to lớn, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân giành những thắng lợi lịch sử, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và sự nghiệp đổi mới đất nước toàn diện hiện nay.

Kế thừa truyền thống dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc; vận dụng đúng đắn, sáng tạo nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của nước ta, ngay từ khi mới ra đời, Đảng đã đề ra chủ trương “vũ trang cho công nông” (Luận cương Chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương). Trong những năm 1930-1931, cả nước có rất nhiều cuộc bãi công, biểu tình liên tiếp nổ ra ở hầu hết các địa phương, đỉnh cao là phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh. Do đó, trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 3 (tháng 3-1931), Đảng đã chủ trương khi giành được chính quyền, sẽ thành lập “quân đội công nông”.

Lực lượng dân quân thường trực TX.Bến Cát huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.

Ảnh: T.L

Ngày 28-3-1935, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ I, họp tại Ma Cao (Trung Quốc), Đảng đã ra nghị quyết về đội tự vệ. Đây là nghị quyết đầu tiên của Đảng về tổ chức, chỉ đạo xây dựng, huấn luyện và hoạt động của lực lượng tự vệ, là một mốc son lịch sử và ngày 28-3 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống của lực lượng DQTV Việt Nam. Nghị quyết về đội tự vệ đã khẳng định: “Tự vệ đội càng mạnh thì tức là có điều kiện thuận lợi để sau này tổ chức du kích chiến tranh và vũ trang bạo động”. Đây là một dấu ấn quan trọng, mở ra một thời kỳ mới, là tư tưởng chỉ đạo chiến lược của Đảng, xuyên suốt qua các giai đoạn cách mạng. Có thể nói, nghị quyết về đội tự vệ là khởi đầu của tư tưởng vũ trang toàn dân và tư tưởng chiến tranh nhân dân với phong trào toàn dân đánh giặc.

Trong thời kỳ chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền (1940-1945), đi đôi với chủ trương mở rộng và củng cố các đội tự vệ ở khắp các vùng nông thôn, thành thị, Đảng đã có chủ trương thành lập các đội tự vệ cứu quốc, tổ, tiểu đội du kích cứu quốc, đội du kích chính thức. Các đội tự vệ đã trở thành tổ chức vũ trang quần chúng của các đoàn thể cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh, được xây dựng ở các căn cứ, địa phương có điều kiện; phối hợp với các đơn vị cứu quốc quân, Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân làm nòng cốt cho quần chúng thực hiện vũ trang khởi nghĩa từng phần, tiến hành chiến tranh du kích cục bộ, xây dựng và mở rộng các căn cứ địa Việt Bắc, Đông Bắc, Ninh Bình, Thanh Hóa, Ba Tơ... Đến tháng 8-1945, lực lượng DQTV đã phát triển tới vài chục ngàn người, cùng với giải phóng quân và toàn dân thực hiện thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám.

Bước vào giai đoạn kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-12-1946), lực lượng DQTV đã nhanh chóng phát triển rộng khắp trong cả nước, ngày càng lớn mạnh, là lực lượng vũ trang quần chúng do mặt trận chỉ đạo, đã từng bước thống nhất về tổ chức; là một bộ phận trong LLVT nhân dân Việt nam do các xã đội, huyện đội, tỉnh đội chỉ đạo, chỉ huy và dặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng các cấp. Đây là bước phát triển mới về chất lượng của lực lượng DQTV để cùng với vệ quốc quân và các lực lượng chính trị tạo thành sức mạnh to lớn cho thế và lực của cách mạng. Trong kháng chiến, lực lượng DQTV và bộ đội địa phương đã tiêu diệt 23,1 vạn/50 vạn quân địch (chiếm tỷ lệ 46,4% trên tổng lực lượng địch bị tiêu diệt); làm tan rã trên 20 vạn tên địch (chiếm tỷ lệ 35%) và kiềm chế, phân tán trên 90% tổng số lực lượng địch trên toàn chiến trường, khiến Na-Va phải thú nhận: “Quân Pháp đông nhưng chỉ để được 10% lực lượng cơ động chiến lược”. Vì vậy, chiến công của lực lượng DQTV và bộ đội địa phương đã góp phần cùng bộ đội chủ lực giành thắng lợi quyết định trong chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và giải phóng hoàn toàn miền Bắc năm 1954.

Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác là bộ phận lực lượng vũ trang dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự điều hành của Chính phủ và UBND các cấp, sự chỉ đạo, chỉ huy thống nhất của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và sự chỉ đạo chỉ huy trực tiếp của cơ quan quân sự địa phương.

Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chống Mỹ cứu nước đấu tranh giải phóng ở miền Nam, lực lượng DQTV ở miền Bắc đã tích cực tham gia cải cách ruộng đất, đánh đuổi địa chủ phong kiến, khôi phục và đẩy mạnh sản xuất, tham gia bắt gọn nhiều toán biệt kích Mỹ - ngụy tung ra miền Bắc. Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc chủ yếu bằng không quân, hải quân hiện đại của đế quốc Mỹ, lực lượng phòng không DQTV miền Bắc đã tổ chức được trên 700 phân đội, tăng cường nhiều loại vũ khí hiện đại như súng máy cao xạ 12,7mm, 14,5mm, 58 đại đội pháo cao xạ 37mm - 100mm và 36 phân đội pháo binh các loại đánh tàu chiến địch... Lực lượng DQTV đã phối hợp với bộ đội, công an và nhân dân thực hiện “tay cày tay súng, tay búa tay súng” chiến đấu liên tục ngày đêm. Cùng với mạng lưới bắn máy bay địch bay thấp bằng súng bộ binh, hình thành lưới lửa tầm thấp dày đặc vô cùng lợi hại, DQTV đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội phòng không, không quân bắn rơi nhiều máy bay địch. Riêng DQTV đã bắn rơi 424 máy bay các loại trong tổng số 4.181 máy bay Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc (chiếm 10%) và bắt sống nhiều giặc lái, bắn chìm và bắn cháy nhiều tàu chiến địch.

Lực lượng dân quân du kích miền Nam, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã tỏ rõ khả năng anh dũng phi thường, luôn chủ động đánh địch bằng mọi thứ vũ khí, vận dụng các hình thức đánh địch hết sức phong phú, sáng tạo trên khắp 3 vùng chiến lược; kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, 3 mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh vận), hình thành thế trận chiến đấu, phát triển các căn cứ chiến đấu, vành đai du kích, vành đai diệt Mỹ...; thực hiện bám trụ kiên cường, giữ thế xen kẽ, cài răng lược với địch. Đây là một phương thức tác chiến, một cách đánh độc đáo, sáng tạo của chiến tranh du kích Việt Nam. Lực lượng dân quân du kích đã phối hợp với nhân dân đấu tranh quyết liệt chống địch dồn dân lập “khu trù mật”, “ấp chiến lược”; độc lập và phối hợp với bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực trong mọi hoạt động, góp phần đánh bại các chiến thuật ‘trực thăng vận”, “thiết xa vận” và các chiến lược chiến tranh của Mỹ - ngụy như “bình định”, “ấp chiến lược”, “tát nước bắt cá”, “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh”...

Trải qua 80 năm xây dựng, phát triển, chiến đấu và trưởng thành dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lực lượng DQTV và lực lượng vũ trang quần chúng, sinh ra và lớn lên trong phong trào cách mạng của nhân dân, gắn bó mật thiết với quê hương, làng bản, từng căn nhà, góc phố, công, nông, lâm trường, nhà máy, xí nghiệp; sống, chiến đấu trong lòng dân, được nhân dân yêu thương, đùm bọc. DQTV Việt Nam đã khẳng định vị trí, vai trò chiến lược trong sự nghiệp cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ: “DQTV và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là bức tường sắt của Tổ quốc, vô luận định nhân hung bạo thế nào, hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó, thì địch nào cũng phải tan rã”.

Để ghi nhận công lao và thành tích của lực lượng DQTV qua các thời kỳ, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 370 tập thể và 284 cá nhân, trong đó có những tập thể tiêu biểu như Đại đội nữ dân quân Ngư Thủy - Lệ Thủy (Quảng Bình), Đại đội quân dân Tiền Hải (Thái Bình), Trung đội lão dân quân Hoằng Hóa (Thanh Hóa); Dân quân du kích huyện Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh), huyện Giồng Trôm, Mỏ Cày (Bến Tre)... và hàng ngàn, hàng vạn tấm gương anh hùng tiêu biểu khác đã góp phần tô thắm thêm những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam, dân tộc anh hùng.

 

P.V

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên