Đánh giá phòng chống tham nhũng

Cập nhật: 29-09-2014 | 09:45:19

Tổng Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông tư 04/2014/TT-TTCP quy định về nhận định tình hình tham nhũng và đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng.

Theo đó, mức độ phổ biến của hành vi tham nhũng, được phân chia như sau: Thứ nhất, mức độ phổ biến của hành vi tham nhũng phản ánh tần suất xảy ra hành vi tham nhũng trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa phương hoặc trên phạm vi toàn quốc, được đo lường bằng số vụ việc có hành vi tham nhũng được phát hiện, xử lý bởi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và cảm nhận, trải nghiệm của người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức.

Đang có đề xuất tham nhũng không bị tử hình, với lý do “cho sống để khắc phục” (ảnh minh họa)

Thứ hai, số vụ việc có hành vi tham nhũng được phát hiện, xử lý bởi cơ quan Nhà nước là tổng số các vụ việc được kết luận là có hành vi tham nhũng thông qua công tác quản lý nhà nước, hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, xét xử theo quy định của pháp luật được tổng hợp theo ngành, lĩnh vực, địa phương và tổng hợp trên phạm vi toàn quốc.

Việc tính điểm và xác định mức độ phổ biến của hành vi tham nhũng được thực hiện như sau: Điểm thành phần thứ nhất được xác định căn cứ vào số vụ việc có hành vi tham nhũng được kết luận thông qua công tác quản lý nhà nước, hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, xét xử: Có từ 10 vụ việc trở lên: 30 (điểm); có từ 5 đến 9 vụ việc: 20 (điểm); có từ 1 đến 4 vụ việc: 10 (điểm); không có vụ việc nào: 0 (điểm).

Điểm thành phần thứ hai được xác định căn cứ vào cảm nhận, trải nghiệm của người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức về mức độ phổ biến của hành vi tham nhũng. Theo đó, mức độ rất phổ biến: 40 (điểm); mức độ phổ biến: 30 (điểm); mức độ ít phổ biến: 20 (điểm); mức độ không phổ biến: 0 (điểm).

Việc xác định và nhận định mức độ phổ biến của hành vi tham nhũng theo thang điểm như sau: Điểm tổng hợp trên 70 (điểm) đến 100 (điểm) tương ứng với mức “Rất phổ biến”; điểm tổng hợp trên 40 (điểm) đến 70 (điểm) tương ứng với mức “Phổ biến”; điểm tổng hợp trên 0 (điểm) đến 40 (điểm) tương ứng với mức “Ít phổ biến”; điểm tổng hợp bằng 0 (điểm) tương ứng với mức “Không phổ biến”.

Ví dụ: Nếu một tỉnh có 10 vụ việc được kết luận là có hành vi tham nhũng và kết quả khảo sát cảm nhận, trải nghiệm của người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức về mức độ phổ biến của hành vi tham nhũng là rất phổ biến, thì các điểm thành phần và điểm tổng hợp như sau: điểm thành phần 1: 30 (điểm); điểm thành phần 2: 40 (điểm) và điểm tổng hợp sẽ là: 2 x 30 + 1 x 40 = 100 (điểm); do vậy, nhận định tình hình là: hành vi tham nhũng “Rất phổ biến”.

Thông tư này thay thế Thông tư số 11/2011/TT-TTCP ngày 9-11-2011 và có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2015.

 NGUYỄN CAO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên