Dành nhiều thời gian hơn cho con

Cập nhật: 30-05-2012 | 00:00:00

Trong khu vui chơi thiếu nhi, đứa bé khoảng 5 tuổi níu tay mẹ nói: “Mẹ ơi ra đó chơi với con đi mẹ!”. Người mẹ trẻ hất tay con ra với giọng mệt mỏi: “Con chơi một mình đi, mẹ mệt lắm”... Dường như ba mẹ chăm con đủ điều nhưng lại ít dành thời gian chơi với con...  Con cái thích nhất là được đi chơi cùng ba mẹ

Hết cả nghỉ hè

Đứa bé tất nhiên là tiu nghỉu đi đến chỗ mấy chiếc xích đu, cầu tuột chơi một mình. Chơi được một lúc, nó thẫn thờ đi quanh khu vui chơi của công viên và đưa mắt nhìn một người mẹ khác đang dùng hết sức đẩy cho chiếc xích đu của hai con chị thật cao. Hai đứa trẻ ngồi trên xích đu cười hăng hắc. Giá như mẹ nó không nói “mệt quá” mà cũng đến cùng chơi với nó dẫu chỉ là một lát thôi nó cũng được cười sung sướng như vậy.

Ngập chìm trong “thời khóa biểu” mưu sinh, chăm con nên nhiều phụ huynh nghĩ rằng mình đã tròn trách nhiệm với con. Họ rất ít khi (và khó có thể) dành thời gian để chơi với con chứ đừng nói cùng con làm đồ chơi hay dán con diều để cùng thả khi mùa hè đến. Chị Hà, một cán bộ Nhà nước kể: “Con của mình nghỉ hè đúng có một ngày! Đó là ngày 1-6, trường tổng kết xong là hôm sau, con chuyển sang trường tư, mẹ tiếp tục đi làm chứ biết làm sao bây giờ?”. Với những trẻ không còn lứa tuổi mầm non, học thêm tại nhà cô lại là “giải pháp” tiện cả đôi đường. Bởi, con có học thêm được gì thì học, ba mẹ yên tâm đi làm chứ để con ở nhà cũng nhấp nhổm không yên. Cứ như thế mà nghỉ hè trở nên... xa xỉ với trẻ em bây giờ!

Thời gian ít ỏi của buổi tối, khi cả nhà bên nhau thì hóa ra cũng chẳng... bên nhau chút nào! Ba đọc báo hoặc coi thời sự. Mẹ lại tiếp tục với một mớ công việc dọn dẹp ở bếp rồi ủi quần áo, chuẩn bị tươm tất mọi thứ để “hôm sau lên đường”. Và con, vẫn phải một mình lủi thủi chơi game, coi hoạt hình...

Cho nhiều thứ, trừ… thời gian!

“Giá mình nhận ra sớm hơn, mình đã không để con học bán trú quá nhiều năm như thế!” - anh Hải làm ở Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương chia sẻ. Theo anh, con học bán trú ở trường cả ngày. Chiều đón về thì ba mẹ lại bận lu bu vì công việc nhà nên cũng không chú ý đến con bao nhiêu cả. Đến tối, nếu có “học bài chung” với con cũng được hơn tiếng đồng hồ. Trong khoảng thời gian đó, nội chuyện tập trung lo cho con “giải quyết” hết tất cả bài học là... oải rồi, lấy đâu ra thời gian tâm sự, tìm hiểu xem con mình đang cần gì, nghĩ gì? Chưa hết, cũng theo anh Hải, sinh hoạt trong môi trường tập thể với những hoạt động đều đều, ít có thời gian chuyện trò với ba mẹ nên con cái cũng tỏ ra xa cách. Tệ hơn là có nhiều bậc phụ huynh than rằng: “Sao con tôi giống... gà công nghiệp vậy trời?”... Muộn còn hơn không nên anh Hải đã xin cho con chuyển trường học một buổi. Theo anh, có thể bận rộn hơn vì đưa đón con cái nhưng thời gian gần con sẽ nhiều hơn.

Một nữ doanh nhân khá thành đạt của ngành chế biến, xuất khẩu hạt điều cũng cho biết chị đã hối hận khi để cho con “tự bơi” mọi lúc mọi nơi. Là phụ nữ đơn thân nuôi con nên chị quyết tâm làm việc thật nhiều, phải thành công để con mình không phải chịu thiệt thòi. Để tập trung cho công việc, con trai chị học bán trú... triền miên từ mẫu giáo đến lớp 9. Khi con lên lớp 10 chị đã cho con đi du học. Nghĩ lại, chị thấy thời gian mẹ con gần nhau quả là rất ít ỏi. Khi con về nhà thì cũng chỉ biết cắm đầu vào học ở phòng riêng còn chị lại ngập trong sổ sách, tính toán. Mới đây, nhìn thấy vẻ mặt buồn xo của con chị mới biết mình đã dành thời gian cho con quá ít.

Bên con nhiều hơn những lúc có thể, sắp xếp công việc để gần gũi con hơn cũng quan trọng không kém chuyện chúng ta chỉ cắm cúi làm việc lo cho cuộc sống sung túc của con cái sau này.

Quỳnh Như

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên