Đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Cập nhật: 14-03-2012 | 00:00:00

Kỳ 1: Mang việc làm về nông thôn

Kỳ 2: Bảo đảm an sinh xã hội

Trong những năm qua, đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đã đạt được kết quả, nhưng thực tế vẫn còn gặp một số khó khăn như: Trình độ văn hóa học viên còn thấp, không đồng đều, chưa huy động được các nguồn lực để tham gia hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho LĐNT, chủ yếu dựa vào nguồn lực Nhà nước. Vậy giải pháp nào để thực hiện hiệu quả trong thời gian tới?  LĐNT đến tham dự phỏng vấn tại sàn việc làm được tổ chức tại Tân Uyên

Theo Ban chỉ đạo thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020” tỉnh Bình Dương, qua 2 năm thực hiện (2010-2011), Bình Dương đã mở 110 lớp dạy nghề cho LĐNT với 2.843 người lao động (NLĐ). LĐNT chủ yếu đăng ký học các ngành nghề như: Kỹ thuật trồng, chăm sóc và cạo mủ cây cao su, cắt uốn tóc, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cảnh, lái xe nâng hàng, sửa chữa máy vi tính, nấu ăn đãi tiệc, kỹ thuật trồng nấm, chăn nuôi thú y. Trong đó, lao động có việc làm sau đào tạo đạt 80%. Sau khi tốt nghiệp các khóa học, NLĐ được các công ty doanh nghiệp may mặc, công ty cao su, các hộ trồng cao su tiểu điền trên địa bàn tỉnh nhận vào làm việc với mức lương ổn định và cao hơn trước.

Vẫn khó chiêu sinh

Đào tạo nghề cho LĐNT trong những năm qua đã phát huy tác dụng và được đông đảo lao động ở các vùng nông thôn đăng ký học nghề, đồng thời nâng cao được nhận thức của người dân, của cộng đồng về công tác đào tạo nghề và vai trò, vị trí của người thợ được nâng cao trong nhận thức của xã hội. Theo dự báo, từ nay đến năm 2020, hàng năm Bình Dương cần tuyển dụng trên 50.000 lao động trong đó phấn đấu trên 80% lao động được qua đào tạo. Tuy nhiên, hiện nay ở một số nơi trong tỉnh huy động học viên ra lớp còn hạn chế. Mặc dù kinh phí cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ tốt cho việc đào tạo nghề ở một số địa phương luôn được đầu tư nhưng thực tế vẫn còn một số nơi khó tuyển sinh. Theo Hiệu trưởng trường Trung cấp Nghề Dĩ An Kiều Giác Ngộ thì: “Khó khăn chung hiện nay là trình độ học viên (HV) đến tham dự các lớp học không đồng đều. Đối tượng LĐNT học nghề ở Dĩ An còn ít, chiêu sinh rất khó khăn, đôi khi chỉ có 4 - 5 HV. Trong đề án tỉnh quy định số HV mỗi lớp tối thiểu phải 20 người. Vận dụng để tạo điều kiện cho số HV này, trường đã phải kết hợp số HV LĐNT này vào các lớp dạy nghề cho NLĐ không có hộ khẩu tại địa phương (đối tượng này có thu học phí). Khi thanh quyết toán, trường chỉ lấy số HV LĐNT thực tế, nhân với số tiền quy định cho mỗi HV (được quy định cụ thể trong đề án của tỉnh). Tuy nhiên, trường không được quyết toán với lý do không đủ số HV quy định. Đây là sự vận dụng phù hợp nhằm chăm lo cho đối tượng LĐNT, trong điều kiện thực tiễn tại địa phương, trường đề nghị các cấp lãnh đạo nghiên cứu giải quyết”.

Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Bình Dương Bùi Văn Kiêu cho biết: công tác dạy nghề cho LĐNT tại các xã vùng xa là rất quan trọng, tuy nhiên trong việc tổ chức các lớp học, trung tâm đã gặp phải một số khó khăn như: tiền thù lao cho giáo viên còn quá thấp (37.500 đồng/giờ) so với thực tế, chính vì lẽ đó mà việc cử hoặc hợp đồng giáo viên đi giảng dạy gặp nhiều khó khăn; không cấp kinh phí đi lại cho cơ sở đào tạo để phục vụ công tác khai giảng, bế giảng, thi tốt nghiệp và kiểm tra lớp học; Tiền cấp chứng chỉ trong đề án là rất thấp; Kinh phí chi thuê thiết bị giảng dạy của dự án quá ít làm ảnh hưởng tới chất lượng giảng dạy. Đối với một số ngành nghề như kỹ thuật trồng nấm, chăn nuôi thú y thì số tiền hỗ trợ cho nguyên vật liệu không đủ để thực hiện một mô hình giảng dạy nhằm giúp cho người học có được cái nhìn nhận và hiểu về thực tế của môn học. Ngoài ra, đề án dạy nghề cho LĐNT cần thiết phải cấp kinh phí phục vụ cho công tác tuyên truyền, tư vấn, định hướng NLĐ trong việc lựa chọn các ngành nghề phù hợp, đồng thời, lồng ghép đào tạo nghề cho LĐNT với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực cũng như nhu cầu và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đào tạo nghề cạo mủ cao su cho LĐNT ở Tân Uyên

Theo nhận xét, đánh giá của Ban chỉ đạo đề án đào tạo nghề cho LĐNT thì: trình độ văn hóa của nhiều HV còn thấp, không đồng đều, phần lớn HV đều vừa tham gia học tập vừa làm công việc phụ giúp gia đình nên không bảo đảm duy trì sĩ số, chất lượng chưa cao. Các nguồn lực để tham gia hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho LĐNT chưa huy động được mà chủ yếu dựa vào nguồn lực Nhà nước. Định mức hỗ trợ tiền ăn cho LĐNT học nghề còn thấp 15.000 đồng/người/ngày đối với nhóm 1 và 10.000 đồng/người/ngày đối với nhóm 2 và 3 chưa khuyến khích NLĐ nông thôn tham gia học nghề.

Tiếp tục thực hiện nhiều chính sách

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Phùng Trung cho biết: Qua 2 năm thực hiện, đề án đào tạo nghề cho LĐNT ở Bình Dương đã được triển khai đúng hướng, phù hợp với nhu cầu nhân lực và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho NLĐ  và chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế đáp ứng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Bình Dương đến năm 2020. Để công tác dạy nghề thực hiện có hiệu quả cần phải có sự tham gia tích cực của các sở, ban, ngành, hội trong công tác chỉ đạo, tuyên truyền, tư vấn. Huy động sự tham gia của các doanh nghiệp vào công tác dạy nghề nhằm giải quyết tốt việc làm của lao động sau khi học nghề. Các trường dạy nghề, trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh phối hợp với trung tâm dạy nghề các huyện, thị xã thực hiện đào tạo nghề cho LĐNT trên cơ sở yêu cầu của các huyện, thị. Thường xuyên cập nhật, xây dựng các chương trình cho các nghề mới theo nhu cầu của NLĐ và phù hợp với tình hình thực tế. Thực hiện trong giai đoạn mới, Bình Dương tiếp tục thực hiện những chính sách đối với người học như: Hỗ trợ học phí và các chi phí khác cho LĐNT thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo (theo chuẩn của tỉnh Bình Dương), người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người bị thu hồi đất canh tác được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng). Ngoài ra, Bình Dương còn có chính sách hỗ trợ vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho LĐNT học nghề được vay để học theo quy định hiện hành về tín dụng đối với học sinh, sinh viên...

Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tân Uyên NGUYỄN THỊ HỒNG: Cấp kinh phí tuyên truyền cho đào tạo nghề

Bên cạnh những kết quả đạt được còn có những khó khăn, hạn chế nhất định nên hiệu quả triển khai thực hiện đề án ở Tân Uyên mang lại hiệu quả so với yêu cầu thực tế chưa cao. Đề nghị Sở LĐ-TB&XH tỉnh hàng năm cấp kinh phí tuyên truyền phục vụ cho công tác đào tạo nghề tại địa phương, nhằm tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về công tác đào tạo nghề cho LĐNT. Đơn giản hóa một số thủ tục trong việc liên kết đào tạo nghề giữa Phòng LĐ-TB&XH với các trường, cơ sở dạy nghề...

Hiệu trưởng trường Trung cấp Nghề Dĩ An KIỀU GIÁC NGỘ: Tăng kinh phí cho LĐNT

Qua 2 năm thực hiện đề án, trường đã gặp một số thuận lợi cũng như những khó khăn, trường xin góp ý và đề xuất ý kiến cụ thể như sau: Tăng kinh phí cho LĐNT nói riêng và công tác dạy nghề nói chung. So với năm 2010 đến năm 2012 tất cả vật tư dạy nghề đều tăng từ 20 - 25%. Trong phân bổ kinh phí cho từng lớp học cũng chưa hợp lý. Ví dụ lớp điện 19 triệu đồng, trong khi lớp cơ khí chỉ có 10 triệu đồng, cùng với 20 HV. Giao dự toán kinh phí sớm cho các cơ sở, kinh phí mua sắm trang thiết bị cũng đưa xuống rất trễ. Các công văn hướng dẫn thực hiện các đề án về trễ (4 - 5 tháng sau khi có đề án), thời gian có hiệu lực thực hiện lại bắt đầu từ khi có đề án, nên các trường không thể thực hiện theo hướng dẫn được, dẫn đến nhiều khoản, mục bị xuất toán mà không biết trách nhiệm thuộc về ai. Cần thống nhất nguyên tắc tính toán chi phí cho các lớp LĐNT khi có quyết định chi phí tăng lên hoặc giảm xuống.

Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Bình Dương BÙI VĂN KIÊU: Cần có sự “vào cuộc” của địa phương

Đào tạo nghề cho LĐNT phải xuất phát từ nhu cầu sử dụng lao động thật sự của các doanh nghiệp trên địa bàn; đồng thời dựa trên nhu cầu thực tế về nghề nghiệp của người dân, chứ không phải là các hoạt động có tính phong trào, nhất thời. Vì vậy, cần nắm chắc được các nhu cầu (theo từng nghề, nhóm nghề, vị trí công việc...) của người dân ở từng địa phương (xã, huyện) và của doanh nghiệp, thông qua điều tra khảo sát nhu cầu. Thứ hai cần phải có sự “vào cuộc” của cả hệ thống chính ở địa phương. Thực tế thời gian vừa qua cho thấy, ở địa phương nào có sự quan tâm của cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền và sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội... thì ở địa phương đó, công tác dạy nghề cho LĐNT đạt được kết quả mong muốn, người dân có việc làm, năng suất lao động và thu nhập của người dân được nâng lên, giảm nghèo bền vững...

VĂN SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên