Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Hiệu quả thiết thực

Cập nhật: 31-12-2014 | 08:13:46

 Với phương châm “học đi đôi với hành”, “trao cần câu” và dạy “cách câu”, đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) trong tỉnh đã có được những kết quả thiết thực. Qua 5 năm thực hiện, nhiều LĐNT có thu nhập ổn định sau khi tham gia các lớp dạy nghề ngắn hạn do Sở Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với các sở, ngành và các địa phương tổ chức.

Chị Nguyễn Thị Diệu bên vườn lan của gia đình 

Học đi đôi với hành

Chị Nguyễn Thị Diệu (khu phố 1, phường Chánh Phú Hòa, TX.Bến Cát) vốn là giáo viên dạy môn quốc phòng tại trường THPT Bến Cát. Chị đam mê hoa lan nên thường sưu tầm các loại lan về trồng chơi. Lúc này, đời sống giáo viên cũng chỉ đủ ăn. Từ khi tham gia lớp trồng, chăm sóc sinh vật cảnh tại UBND xã Chánh Phú Hòa (nay là phường Chánh Phú Hòa), chị đã “biến” những chậu lan trưng bày thành vườn lan kinh doanh. Gia đình chị Diệu đã đầu tư vườn lan rộng 2.000m2, đang đầu tư thêm 5.000m2. Ngoài ra, chị Diệu còn học kinh nghiệm kết hoa, cắm hoa cho khách để kiếm thêm thu nhập. Hiện nay, thu nhập gia đình bình quân trừ mọi chi phí khoảng trên 20 triệu đồng/ tháng. Mô hình trồng lan của chị cũng góp phần tạo việc làm cho 10 chị em phụ nữ trong phường. Chị Diệu tâm sự: “Trước đây tôi chưa từng nghĩ đến việc đầu tư trồng hoa lan để kinh doanh. Tham dự lớp dạy nghề LĐNT, tôi vỡ lẽ ra nhiều điều về việc làm giàu bằng niềm đam mê. Học xong, tôi thử nghiệm trên những chậu lan của mình và đem lại hiệu quả. Từ đó, tôi mạnh dạn đầu tư vườn lan kinh doanh”.

Cuộc sống của gia đình chị Liêu Thị Bích Ngọc (khu phố 5, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một) đã thay đổi. Trước đây, chị chủ yếu đi phụ nấu đám tiệc cho các cơ sở nấu ăn. Cuối năm 2012, chị được giới thiệu học nghề Nấu ăn đãi tiệc do Phòng LĐ-TB&XH thành phố phối hợp với UBND phường Phú Lợi tổ chức. Sau gần 3 tháng học nghề, chị đã mạnh dạn mở cơ sở nấu ăn, bán đồ ăn tại nhà. Chị Bích Ngọc cho rằng, mặc dù đã có kinh nghiệm trong suốt mấy năm đi phụ bếp nhưng chị vẫn chưa tự tin đứng bếp. Học xong lớp nấu ăn với đầy đủ kiến thức về an toàn thực phẩm, chế biến thức ăn, bảo quản thức ăn… chị quyết tâm chọn nghề này để mưu sinh.

Niềm vui có nghề nghiệp ổn định, gia đình thoát nghèo hiện rõ trên khuôn mặt chị Lý Thị Hoa (xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng). Chị Hoa là người đồng bào dân tộc Hoa. Trước đây, vợ chồng chị mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá trên lòng hồ Dầu Tiếng. Công việc không ổn định, gia đình luôn rơi vào cảnh khó khăn. Năm 2011, vợ chồng chị được học nghề cạo mủ cao su tại UBND xã Minh Hòa. Học xong, anh chị được các chủ lô cao su tư nhân nhận vào làm, với thu nhập gần 5 triệu đồng/người/tháng. Một thời gian có công ăn việc làm ổn định, gia đình chị đã thoát nghèo. “Lớp dạy nghề đã thực sự giúp gia đình tôi “đổi đời”. Bây giờ chúng tôi không còn cảnh lo bữa nay, mất bữa mai. Có tiền trang trải cuộc sống, chúng tôi cố gắng chăm lo cho 2 con đến lớp”, chị Hoa tâm sự.

Những con số “biết nói”

3 trường hợp trên là 3 trong số hàng ngàn LĐNT được học nghề và ổn định cuộc sống. Từ đó cho thấy việc dạy nghề cho LĐNT đã đi vào chiều sâu, giúp nhiều trường hợp khó khăn tìm thấy “lối thoát”. Cụ thể, qua 5 năm (2010- 2014) Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020” đã tổ chức dạy nghề cho 7.734 người, đạt 70,7% so với kế hoạch. Sau khi đào tạo, các học viên đều nắm vững kiến thức cơ bản, có khả năng thực hành, đủ điều kiện làm việc tại các doanh nghiệp hoặc tự tạo việc làm. Với những kiến thức học được 5.684 người có việc làm tại các doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng và tự tạo việc làm sau khi học nghề.

Theo đề án, danh mục đào tạo nghề LĐNT có 16 nghề. Trong đó 7 nghề nông nghiệp (trồng, chăm sóc và cạo mủ cao su; trồng và chăm sóc sinh vật cảnh; trồng nấm; chăn nuôi thú y; kỹ thuật trồng bưởi; kỹ thuật trồng rau an toàn, nghề trồng hoa lan); 9 nghề phi nông nghiệp (lái xe nâng hàng; nấu ăn đãi tiệc; cắt uốn tóc; sửa chữa máy vi tính; điện công nghiệp; điện dân dụng; may gia dụng; sửa chữa xe gắn máy, nghề đan lát thủ công). Để đào tạo nghề hiệu quả, Ban chỉ đạo đề án đã chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên, người dạy nghề. Hiện nay, có 29 giáo viên tham gia dạy nghề cho LĐNT, số giáo viên đạt chuẩn chiếm tỷ lệ là 82,7%.

Ông Nguyễn Phùng Trung, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho biết, sau 5 năm triển khai đề án đã tạo được chuyển biến cơ bản trong nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội và người lao động về vai trò quan trọng của công tác đào tạo nghề cho LĐNT đối với phát triển nguồn nhân lực nông thôn. Từ đó, góp phần giảm nghèo, nâng cao mức sống, phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện tốt đề án, thời gian tới, các cấp, các ngành trong tỉnh cần phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác đào tạo nghề; tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho các cơ sở dạy nghề đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy nghề; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề; gắn đào tạo nghề với phát triển sản xuất, tạo việc làm sau đào tạo.

Kế hoạch đề án giai đoạn 2016- 2020, đào tạo nghề cho khoảng 10.000 LĐNT, trong đó nhóm ngành nghề công nghiệp 2.325 người; nhóm ngành nghề dịch vụ 3.400 người; nhóm ngành nghề nông nghiệp 4.275 người. Tỷ lệcóviệc làm sau khi học nghềtrong giai đoạn này tối thiểu đạt 90%. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện: 47.175,25 triệu đồng.

 

 THIÊN LÝ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên