Đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp

Cập nhật: 12-12-2018 | 09:06:20

Lĩnh vực đào tạo nghề tỉnh trong những năm qua có những đột phá mạnh mẽ. Hàng loạt các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được hợp nhất nâng cấp thành trường cao đẳng tham gia tuyển sinh và tổ chức đào tạo, góp phần nâng cao năng lực đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.

Đột phá đào tạo nghề

Ông Võ Đông Duy, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ- TB&XH), cho biết trong năm 2018, phát triển mạng lưới các cơ sở GDNN theo hướng xã hội hóa, nâng tổng số cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh hiện nay là 82 cơ sở. Mỗi năm, các cơ sở GDNN trong tỉnh phải bảo đảm cung ứng cho thị trường lao động trong tỉnh từ 25.000 đến 35.000 lao động có tay nghề. Chất lượng dạy nghề luôn chuyển biến, từng bước đáp ứng thị trường lao động. Đội ngũ giáo viên dạy nghề đã được củng cố nâng dần về chất lượng, nhiều giáo viên đã chủ động cập nhật kiến thức công nghệ mới để đưa vào bài giảng, từng bước đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực hóa người học.

Sinh viên trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương thực hành nghề công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm)

Công tác đào tạo nghề của Bình Dương đã được tập trung đầu tư xây dựng cơ bản và nâng cấp cơ sở vật chất, bằng nguồn kinh phí chương trình mục tiêu và ngân sách của tỉnh khá lớn. Trong năm 2018, các cơ sở GDNN đã tuyển sinh đào tạo 39.135 học sinh, sinh viên (HSSV); đạt 111,7%. Các ngành nghề đào tạo luôn thu hút HSSV như: Điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, hàn, công nghệ ô tô, cơ điện nông thôn, công nghệ chế biến gỗ, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, kỹ thuật sửa chữa lắp ráp máy tính, thiết kế đồ họa… Ngoài những ngành nghề trên, còn xuất hiện thêm những ngành nghề mới như: Sinh vật cảnh, hướng dẫn viên du lịch, quản trị khách sạn hiện đang thu hút nhiều người học. Các dự án xây dựng, phát triển được tiếp tục triển khai. Trang thiết bị giảng dạy được đầu tư nâng cấp bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, giúp cho các cơ sở GDNN phát huy, đẩy mạnh hơn việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển thành phố thông minh Bình Dương tương lai. Một số chính sách, chế độ ưu đãi cho người học nghề cũng được tỉnh ban hành, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác đào tạo nghề. Nhờ đó đến nay, trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh đã được nâng lên; gần 26% lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ nghề. Tỷ lệ HSSV có việc làm sau khi tốt nghiệp tại các cơ sở GDNN, nhất là ở các nghề thuộc khối kỹ thuật - công nghệ như: Điện tử, điện công nghiệp, cơ khí, cơ điện tử, công nghệ ô tô, công nghệ 3D… đạt trên 85%.

Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp

Theo dự kiến, đến năm 2020, tỷ lệ lao động trong tỉnh qua đào tạo đạt 80%, trong đó có văn bằng chứng chỉ là 30% (dự kiến đào tạo khoảng 120.000 người). Hàng năm, giải quyết cho số việc làm tăng thêm khoảng 45.000 lao động. Nhằm hỗ trợ nhà trường và doanh nghiệp hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực; đào tạo nghề, tuyên truyền nghề và phát triển nghề cho lao động phục vụ cho Đề án thành phố thông minh Bình Dương, Sở LĐ-TB&XH xây dựng kế hoạch hỗ trợ nhà trường và doanh nghiệp hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực. Thời gian qua, các cơ sở GDNN đã có nhiều nội dung, hình thức phối hợp, gắn kết với các doanh nghiệp trong đào tạo như: Hỗ trợ học bổng của doanh nghiệp cho HSSV học nghề; hợp đồng đào tạo cho lao động của doanh nghiệp; hợp tác đưa sinh viên đến thực tập tại doanh nghiệp; tổ chức cho HSSV, giáo viên dạy nghề tham quan tìm hiểu về doanh nghiệp; hợp tác xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch đào tạo; tham gia xây dựng chương trình đào tạo; cung cấp thông tin tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp, thông tin phản hồi chất lượng sinh viên tốt nghiệp; doanh nghiệp đã hỗ trợ thiết bị thực hành nghề cho cơ sở GDNN; bố trí việc làm cho sinh viên tốt nghiệp… Ngoài ra, các cơ sở GDNN còn thực hiện cam kết về việc làm với thu nhập tốt cho người học, hoàn trả học phí cho người học nếu không có việc làm sau khi tốt nghiệp.

Tiếp tục nâng cao chất lượng GDNN, trong đó gắn kết GDNN với doanh nghiệp, thị trường lao động được coi là giải pháp đột phá trong tình hình mới. Trong năm 2018, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức một số hội thảo nhằm thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp để thực hiện trong thời gian tới, cụ thể như: Sở LĐ-TB &XH phối hợp với Báo Bình Dương, Đài Phát Thành - Truyền hình Bình Dương, các tổ chức đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh, học nghề và giải quyết việc làm trong giai đoạn hiện nay, góp phần dần thay đổi tâm lý sính bằng cấp đại học của một bộ phận người dân. Sở phối hợp với các sở ngành, hiệp hội ngành nghề trong tỉnh ký kết biên bản ghi nhớ trong hợp tác nhằm cam kết việc xác định nhu cầu, đào tạo cung ứng đúng, đủ theo yêu cầu của xã hội. Triển khai tốt các nội dung hợp tác trong lĩnh vực GDNN, việc làm. Cụ thể: Phối hợp trong giới thiệu, cung ứng và tuyển dụng lao động phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp; hợp tác xây dựng chương trình đào tạo sát với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp; hợp tác trong tổ chức đào tạo nghề nghiệp, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho các nhà giáo và cán bộ, nhân viên trong các doanh nghiệp; phối hợp hướng dẫn thực hiện pháp luật về an toàn lao động, việc làm, tiền lương và bảo hiểm xã hội.

“Trong những năm gần đây, sự nghiệp dạy nghề đã đạt được kết quả khích lệ. Các cơ sở GDNN phát triển nhanh theo quy hoạch. Quy mô dạy nghề tăng nhanh, chất lượng và hiệu quả dạy nghề đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động. Các điều kiện bảo đảm chất lượng dạy nghề được cải thiện. Xã hội hóa dạy nghề tiếp tục được đẩy mạnh. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề được nâng cao”.

(Ông Võ Đông Duy, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH)

 

T.HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên