Đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Cập nhật: 30-11-2018 | 07:48:29

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, trong đó có Bình Dương. Trong bối cảnh hiện tại, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), trường đại học đang nỗ lực thay đổi phương thức đào tạo nhằm đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0  và xây dựng TP.thông minh Bình Dương.

Trong những năm qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh nói chung đã có bước chuyển biến tích cực. Đội ngũ lao động có tay nghề tăng lên, chất lượng bước đầu đã có sự cải thiện. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động có tay nghề, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp vẫn còn thấp so với tổng số lao động của tỉnh. Số lượng lao động có chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề còn ít, thiếu lao động có chuyên môn kỹ thuật cao. Vì vậy, tỉnh đã xây dựng đề án bảo đảm nguồn lao động có tay nghề, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết, nhằm tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh trong thời gian tới. Theo đó, tỉnh chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt nguồn lao động có tay nghề, vì đây là nền tảng vững chắc giúp hiện thực hóa mô hình thành phố thông minh, làm cho tỉnh trở thành một nơi đáng sống và làm việc.

Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương là 1 trong 5 trường Cao đẳng nghề chất lượng cao nằm trong chương trình liên kết hợp tác giữa hai chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc về lĩnh vực đào tạo nghề. Trong ảnh: Sinh viên Trường Cao đẳng Việt Nam – Hàn Quốc Bình Dương thực hành điện. Ảnh: T.Vy

Các cơ sở GDNN, các trường đại học là những địa chỉ cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho tỉnh. Đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển của xã hội, các trường đã mở thêm ngành mới, cập nhật nội dung, chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy phù hợp, phối hợp với doanh nghiệp trong đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Đề cập đến vấn đề này, TS Cao Việt Hiếu, Hiệu trưởng trường ĐH Bình Dương cho rằng, sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã đưa loài người bước sang một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên công nghệ, thì chắc chắn ngành giáo dục cũng cần phải thay đổi để phù hợp với thời đại. Đứng trước thực trạng đó, trong thời gian tới, nhà trường tiếp tục đổi mới các hoạt động đào tạo, mở rộng hợp tác quốc tế và hợp tác với các doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo, chủ động kết nối việc làm cho sinh viên. Với chủ trương này, trong thời gian qua nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, chia sẻ giữa chuyên gia với sinh viên; thành lập câu lạc bộ; các cuộc thi, giúp sinh viên trau dồi các kỹ năng nhằm đáp ứng yêu cầu công việc sau khi ra trường.

Có thể thấy, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với việc tỉnh xây dựng TP.thông minh đã có ảnh hưởng rất lớn đến giáo dục đào tạo. TS Ngô Hồng Điệp, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thủ Dầu Một đã nói, với tinh thần giáo dục đại học trong thời đại cách mạng 4.0, nhà trường không chỉ đào tạo sinh viên đáp ứng nhu cầu xã hội mà đã, đang và sẽ biến trường thành nơi tạo ra nhu cầu.  Thực tế nhà trường đã không thụ động chạy theo xã hội, mà đã chủ động đi tắt đón đầu.  Theo đó, cán bộ, giảng viên nhân viên nhà trường cũng phải là giảng viên thông minh để tạo nên sinh viên thông minh; phải linh hoạt, năng động và khai phóng để có thể vừa là giảng viên vừa là cố vấn học tập và tâm lý, vừa giỏi về chuyên môn vừa hiểu biết rộng về nhiều môn, đa lĩnh vực để có thể dạy liên môn, xuyên môn, liên ngành; nghiên cứu khoa học liên ngành theo chiến lược của nhà trường; phát triển năng lực cho sinh viên, tạo cho sinh viên khả năng tự học, tự tư duy tự nhiên cứu, tự khởi nghiệp.

Với Sở Lao động – Thương binh và xã hội tỉnh, xác định tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề, phục vụ cho sự phát triển của đất nước, sở đã và đang phối hợp cùng các ngành xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung tham mưu xây dựng từ 2-3 trường cao đẳng có chất lượng tầm khu vực và quốc tế. Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Gíam đốc Sở Lao động-Thương binh và xã hội, cho biết hỗ trợ các nhà giáo đang giảng dạy tại các trường nghề tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, tìm giải pháp công nghệ tốt nhất để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh hoạt động tốt hơn. Tổ chức các chương trình đào tạo khởi sự, quản trị doanh nghiệp cho các em học sinh, sinh viên đang học tập tại các trường cao đẳng, trung cấp. Hỗ trợ nhà trường và doanh nghiệp hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực; đào tạo nghề, tuyên truyền nghề và phát triển nghề cho lao động nông thôn.

Để có được nguồn nhân lực có chất lượng, ngoài vai trò của các trường đại học, cao đẳng, trường nghề, thì học sinh, sinh viên đã ý thức được trách nhiệm với đất nước trong giai đoạn mới, các em đã ra sức học tập, rèn luyện, xứng đáng là những công dân của TP.thông minh trong tương lai. Từ sự hướng dẫn của các thầy cô, các em đã tự học, tự nghiên cứu, trang bị ngoại ngữ, tin học và các kỹ năng mềm. Các em biết vận dụng và kết hợp kiến thức được học với kỹ năng thực hành. Sau khi ra trường, các em không chỉ có kiến thức vững chắc, mà còn xây dựng cho mình tác phong công nghiệp, có khả năng làm chủ tri thức, khoa học công nghệ hiện đại.

Ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Đảng ta đã xác định, giáo dục- đào tạo cùng với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, là chìa khóa để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thu hẹp khoảng cách và bắt nhịp cùng các quốc gia phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng. Trong hệ thống giáo dục, giáo dục đại học trực tiếp đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước và có vai trò, vị trí hết sức quan trọng, nhất là trong kỷ nguyên công nghệ số, hướng đến nền kinh tế tri thức như hiện nay.

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Gíam đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội: Theo đề án bảo đảm nguồn lao động có tay nghề của tỉnh, đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%, trong đó có văn bằng chứng chỉ là 30 % (dự kiến đào tạo khoảng 120.000 người). Hàng năm, giải quyết cho số việc làm tăng thêm khoảng 45.000 lao động. Đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 90%, trong đó có văn bằng chứng chỉ là 40 % (dự kiến đào tạo khoảng 200.000 người). Hàng năm giải quyết thêm khoảng 45.000 lao động.

 

H.THÁI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên