Đào tạo nghề gắn với nhu cầu xã hội

Cập nhật: 19-04-2017 | 11:13:58

Hôm qua (18-4), tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã trả lời chất vấn trực tuyến với đại biểu Quốc hội ở hội trường và 63 điểm cầu trong cả nước. Nổi lên trong nội dung vấn đề được các đại biểu quan tâm là thực trạng công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề. Vấn đề được đặt ra là hiện nay trình độ tay nghề và năng suất lao động của người Việt Nam thuộc hàng thấp nhất trong khu vực và trên thế giới.

 Trong khi đó, nhu cầu lao động có tay nghề trong xã hội lại rất lớn nhưng các cơ sở đào tạo vẫn chưa đáp ứng được. Giải thích về thực trạng này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH thừa nhận điều này và cho rằng trong các nguyên nhân cơ bản kìm hãm năng suất lao động, đầu tiên là chất lượng nguồn lao động của chúng ta thấp. Mặt khác, việc chuyển dịch cơ cấu lao động chậm không theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đồng thời mất cân đối giữa cung và cầu lao động, đặc biệt việc ứng dụng khoa học công nghệ của chúng ta chậm so với thế giới từ 10 đến 20 năm!

Về giải pháp, người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH cho biết cần tập trung tái cơ cấu nguồn nhân lực. Trong thời gian tới, cần tập trung đào tạo theo nhu cầu đặt hàng của thị trường, doanh nghiệp chứ không phải kiểu nhà trường cứ đào tạo mà không cần biết doanh nghiệp cần gì. Song song đó, đẩy mạnh xã hội hóa trong đào tạo nghề, đổi mới chương trình, giáo trình theo chuẩn quốc tế; tập trung phát triển đội ngũ nhà giáo; tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị… Trong đó tập trung vào 3 đột phá: Tăng cường tự chủ; tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vào công tác đào tạo, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với đào tạo bảo đảm nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp đồng thời tập trung xây dựng các chuẩn đào tạo theo hướng tiệm cận với chuẩn quốc tế.

Đào tạo nghề cho nguồn nhân lực phải theo nhu cầu của xã hội. Chuyện hàng năm học sinh đổ xô thi vào đại học cũng như tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” kéo dài trong nhiều năm qua là hệ quả tất yếu của những bất cập trong định hướng đào tạo nghề không theo nhu cầu thị trường lao động. Vì vậy, đội ngũ lao động được đào tạo ra vừa mất cân đối về cơ cấu trình độ cũng như cơ cấu ngành nghề. Điều đó dẫn tới tình trạng vừa thừa, vừa thiếu lao động. Đào tạo nhân lực phải gắn với thị trường lao động. Khi phát triển hệ thống dạy nghề, cần chú trọng cả chính sách lẫn thị trường lao động. Công tác dạy nghề cần quan tâm nhiều hơn việc nâng cao kỹ năng tay nghề, kỹ năng nghề, học đi đôi với hành, vừa đáp ứng được nhu cầu học của người lao động, vừa đáp ứng nhu cầu lao động của xã hội và doanh nghiệp.

NHẬT HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên