Đào tạo nghề, tăng thu nhập cho lao động nông thôn

Cập nhật: 29-12-2020 | 07:52:55

 Qua 10 năm thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), huyện Phú Giáo đã chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật cho khoảng 1.500 người tham gia các lớp thuộc nhóm nghề nông nghiệp và 1.000 lao động các nhóm nghề khác; số lao động có việc làm sau học nghề đạt trên 85%. Chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT ngày càng tăng đã thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm nghèo của huyện.

 Tham gia các lớp đào tạo nghề ở địa phương, nhiều LĐNT huyện Phú Giáo đã có việc làm, thu nhập ổn định

 Tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp

Căn cứ tình hình thực tế và nhu cầu học nghề của LĐNT tại các xã, thị trấn, hàng năm UBND huyện Phú Giáo chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Phòng Kinh tế huyện tổ chức thống kê, rà soát nhu cầu học nghề của LĐNT, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch đào tạo, định hướng, tư vấn học nghề cho LĐNT và bộ đội xuất ngũ. Qua đó, các đơn vị chủ động phối hợp với các ngành liên quan và UBND các xã, thị trấn tổ chức các hoạt động tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho LĐNT; đẩy mạnh công tác tuyên truyền các ngành nghề đào tạo, giáo dục định hướng nghề nghiệp, việc làm thông qua các hội nghị tư vấn, trường nghề, trung tâm dạy nghề… giúp cho lao động chủ động nắm bắt, tìm hiểu và có định hướng nghề nghiệp trước khi tham gia học nghề, nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề.

Trên cơ sở danh sách đăng ký học nghề, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT huyện chỉ đạo cơ quan thường trực chủ động phối hợp với các đơn vị có tham gia dạy nghề, như Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương; trường Trung cấp Kỹ thuật và Nghiệp vụ Công đoàn Bình Dương và Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa; trường Trung cấp Nông lâm Bình Dương... và UBND xã, thị trấn tổ chức khai giảng các lớp đào tạo nghề theo đúng ngành nghề đã đăng ký của học viên.

Trong 10 năm thực hiện đề án (2010-2019), trên địa bàn huyện đã tổ chức được 98 lớp nghề cho LĐNT. Số lao động được đào tạo là 2.484 người, với tổng kinh phí thực hiện trên 4,8 tỷ đồng. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo nghề đạt trên 85%. Bên cạnh những lớp nghề, như: Chăm sóc cây cảnh, trồng trọt, khai thác mủ là thế mạnh tại địa phương; Ban Chỉ đạo đề án không ngừng mở rộng các ngành nghề phù hợp với sự phát triển về công nghiệp, đó là may mặc, lái xe nâng, dịch vụ nấu ăn... Ông Bồ Thanh Tùng, Trưởng phòng LĐ- TB&XH huyện Phú Giáo, cho biết: “Để công tác đào tạo nghề cho LĐNT đạt kết quả tốt, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân, địa phương thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn cho các cán bộ tham gia công tác đào tạo nghề trên địa bàn huyện; qua đó, trang bị cho cán bộ công chức nắm bắt và hiểu sâu hơn các thông tin, chính sách về đào tạo nghề cho LĐNT”.

Giải quyết việc làm

Bên cạnh việc định hướng, đào tạo nghề chất lượng, công tác tạo việc làm sau học nghề luôn được địa phương quan tâm. Với những học viên học các nghề cơ khí, lái xe, Phòng LĐ-TB&XH chủ động liên hệ với các doanh nghiệp trong và ngoài huyện, cũng như các trung tâm giải quyết việc làm trong tỉnh để tìm việc cho học viên. Qua đó, có rất nhiều học viên đã tìm được việc làm, có thu nhập ổn định.

Một hướng giải quyết việc làm khác không kém phần hiệu quả, đó là các ban, ngành trong huyện phối hợp chặt chẽ, rà soát lại toàn bộ các doanh nghiệp trên địa bàn để tạo việc làm cho học viên; tạo điều kiện phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX), các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Từ đây, có không ít tổ hợp tác đã đi đúng hướng, phát triển ngày càng mạnh, giải quyết được việc làm cho nhiều LĐNT. Điển hình như HTX May mặc Tân Hiệp Phát ở xã Tân Hiệp. Trước đây, HTX này chỉ là một tổ may nhỏ, nay phát triển thành HTX, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động, có thu nhập trên 6 triệu đồng/ tháng/người. Các HTX không chỉ tạo việc làm cho LĐNT mà còn góp phần trong việc đào tạo nghề cho lao động.

Sau đào tạo nghề, được sự quan tâm của địa phương, trong đó có việc tạo điều kiện cho vay vốn sản xuất, phát triển nghề theo hướng mình đã chọn, không ít người lao động mạnh dạng đứng ra tạo dựng cơ sở làm ăn. Điển hình như trường hợp của chị Lý Mỹ Hoa tại xã Vĩnh Hòa. Sau khi tham gia lớp học nấu ăn, chị đi phụ việc cho các quán ăn lớn một thời gian rồi mạnh dạn liên kết với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã xin vay vốn phát triển nghề. Ban đầu chỉ là quán ăn vỉa hè, nay chị đã tạo được một quán ăn khá lớn trên địa bàn, mang lại nguồn thu ổn định. Tương tự như cách làm của chị Hoa, ở Phú Giáo có rất nhiều ông chủ, bà chủ thành đạt từ các lớp học nghề và đi lên từ các quán ăn nhỏ...

Mặc dù công tác đào nghề trên địa bàn huyện Phú Giáo đạt kết quả khả quan, tuy nhiên hiệu quả theo yêu cầu của đề án thì còn hạn chế, cần khắc phục trong thời gian tới vì học viên tham gia học nghề phần lớn phục vụ cho nhu cầu của gia đình, hướng phát triển việc làm theo ngành nghề đã học chưa cao. Người lao động ở nông thôn, đặc biệt là lao động trẻ ở nông thôn chưa nhận thức được việc học nghề là một nhu cầu, yếu tố cần thiết để bảo đảm cuộc sống cho bản thân, gia đình nên chưa quan tâm đến việc học nghề”.

(Ông Bồ Thanh Tùng, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Phú Giáo)

 QUANG TÁM  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên