Đào tạo theo nhu cầu xã hội: Nhà trường phải gắn kết với doanh nghiệp

Cập nhật: 23-03-2015 | 10:02:01

Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH), Bình Dương đang cần nguồn nhân lực có tay nghề kỹ thuật, chuyên môn, đáp ứng yêu cầu công việc. Hiện các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp (ĐH, CĐ, TCCN) đã gắn kết với các doanh nghiệp, đào tạo theo nhu cầu xã hội

Chất lượng đào tạo của trường Cao đẳng Y tế được các cơ sở y tế đánh giá cao.Trong ảnh: Giờ thực hành của sinh viên trường Cao đẳng Y tế. 
Ảnh: A.SÁNG

Ông Lê Thanh Tùng, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở Giáo dục - Đào tạo nhìn nhận, Bình Dương có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh, cần nguồn nhân lực mạnh cho công cuộc phát triển theo hướng CNH, HĐH. Kinh tế phát triển thì nhu cầu nguồn nhân lực đòi hỏi cũng phải đáp ứng theo. Chủ trương của UBND tỉnh về việc thực hiện đề án đào tạo theo nhu cầu xã hội là đúng đắn, tạo điều kiện cho học sinh (HS) tốt nghiệp THCS, THPT vào học TCCN, từ đó tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, góp phần giải quyết tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” như hiện nay.

Toàn tỉnh hiện có 18 trường ĐH, CĐ, TCCN và các cơ sở dạy nghề thuộc Sở LĐ-TB&XH quản lý. Năm 2014-2015, toàn tỉnh có 46.953 sinh viên (SV), HS đang theo học tại các trường. Với mạng lưới những trường chuyên nghiệp như hiện nay, tỉnh có đủ điều kiện đào tạo đáp ứng nhân lực kỹ thuật cho sự nghiệp phát triển. Về phía nhà trường, các trường đã nỗ lực đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ, đổi mới chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu giảng dạy trong tình hình mới. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Linh Hiệp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương cho biết, hiện nay tất cả các khoa trong trường có hợp tác với DN trong các lĩnh vực: Cử giảng viên đi tham quan thực tế, đưa sinh viên đến tham quan, thực tập… Qua những hình thức hợp tác như trên, trường đã nâng cao chất lượng đào tạo, các DN cũng nâng cao được chất lượng nguồn nhân lực.

Với trường CĐ Y tế Bình Dương, trường rất quan tâm đến việc làm và khả năng đáp ứng công việc của SV, HS sau khi tốt nghiệp. Hàng năm, trường ký kết hợp đồng với các cơ sở y tế trong tỉnh, giúp SV, HS thực tập thực tế. Ngoài ra, trường cũng mời những bác sĩ, dược sĩ của các đơn vị tham gia giảng dạy, qua đó sinh viên cập nhật thêm nhiều kiến thức thực tế.

Đào tạo theo nhu cầu xã hội là vấn đề được các trường rất quan tâm. Bởi chất lượng đào tạo nói lên uy tín của nhà trường đối với xã hội. Ông Huỳnh Kim Ngân, Hiệu trưởng trường Trung cấp Nông Lâm nghiệp Bình Dương cho biết, những máy móc phục vụ giảng dạy trực tiếp cho các ngành học của trường thường xuyên được cải tiến. Trang trại thực hành, thực tập được tỉnh, Sở GD-ĐT quan tâm đầu tư mới. Chương trình thực hành, thực tập được xây dựng trên cơ sở phối hợp với các DN, công ty để cùng xây dựng nội dung thực hành, thực tập. Hiện số tiết thực hành chiếm trên 60%. Nhà trường thường xuyên liên kết với các công ty trong và ngoài nước để đưa HS đến thực hành, thực tập trên các máy móc của công ty. Vì thế HS của trường sau khi ra trường không bị bỡ ngỡ với các thiết bị, máy móc hiện đại của các công ty, xí nghiệp.

Mặc dù các trường chuyên nghiệp đã nỗ lực gắn kết với DN, nhưng trên thực tế các trường đang đào tạo những gì mình có chứ chưa thật sự đào tạo theo nhu cầu xã hội. Trong những năm qua, các khối ngành kinh tế, sức khỏe, sư phạm có tỷ lệ HS chọn học cao nhất, trong khi khối ngành kỹ thuật, công nghệ có tỷ lệ khá khiêm tốn. Ông Lê Thanh Tùng nhìn nhận, thời gian tới nếu mối liên kết chặt chẽ giữa các trường và DN chưa được xây dựng thì nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội vẫn là vấn đề cần quan tâm. Ông đánh giá, tình trạng nguồn nhân lực có tay nghề hiện đang thiếu, việc đào tạo phục vụ cho xã hội tuy có tiến bộ nhưng công tác đào tạo của các trường để đáp ứng cho xã hội vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Vì HS sau tốt nghiệp chưa thể tiếp cận, vận hành các loại máy móc thiết bị. Về phía DN thì cho rằng việc tìm và tuyển những lao động có tay nghề là rất hiếm, nếu có tuyển dụng thì DN phải đào tạo lại mới đáp ứng được yêu cầu công việc.

Từ những trăn trở trên, những người làm công tác giáo dục nhận thấy đã đến lúc cần có một giải pháp tổng thể mang tính kinh tế và xã hội hơn cho việc đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Những giải pháp được đưa ra là, các trường cần quan tâm nhiều hơn trong việc đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ, chương trình đào tạo; liên kết, phối hợp rộng rãi với các DN. Các trường cần xem lại những ngành mà trường đang đào tạo, bổ sung các ngành xã hội đang cần; tiếp tục phát huy mô hình nhà trường gắn với DN, đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị sử dụng nguồn lao động.

 H.THÁI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X