Đất nước trọn niềm vui - Bài 2

Cập nhật: 30-03-2015 | 07:52:48

Bài 2: “Thống nhất non sông mới thỏa tấm lòng…”

 

 …Sông Bến Hải bên bồi bên lở/ Cầu Hiền Lương bên nhớ bên thương/ Cách ngăn mười tám năm trường/ Khi mô mới được nối đường vô ra?/…Ván thơm gỗ mới cho ta gặp mình… Những vần thơ da diết của Tố Hữu trong bài thơ Nước non ngàn dặm đã nói lên khát vọng hòa bình và ý chí thống nhất non sông của đồng bào hai miền Nam - Bắc. Dã tâm của kẻ thù dù có thâm độc đến mấy cũng không thể chia cắt được dân tộc Việt Nam là một, đất nước Việt Nam là một. Bắt đầu từ những năm 50, cả dãy Trường Sơn rùng rùng chuyển động, dậy tiếng quân reo cùng tiến về miền Nam cho sự nghiệp thống nhất…

 Sau hiệp định Giơnevơ, quân dân miền Nam tập kết ra Bắc, ra đi và hẹn sau ngày tổng tuyển cử năm 1956 sẽ sum họp một nhà. Nhưng, Mỹ - Diệm đã phá hoại hiệp định, chúng cự tuyệt tổng tuyển cử, hô hào “lấp sông Bến Hải”, “Bắc tiến”, công khai gây nên một cuộc chiến tranh kéo dài và vô cùng tàn khốc trong lịch sử Việt Nam. Song, với ý chí quật cường bất khuất, được kết tinh của sức mạnh truyền thống “dời non lấp biển” của hơn 4000 năm trước, sức mạnh đó lại được phát huy lên đến đỉnh cao trong thời đại Hồ Chí Minh vĩ đại, dưới ngọn cờ đại nghĩa của Đảng, nhân dân Việt Nam quyết đứng lên đánh đổ ngoại xâm, thống nhất giang sơn. Trong chiến tranh máu lửa, tàn khốc, lịch sử đã ghi nhận biết bao tình nghĩa thiêng liêng của đồng bào hai miền vì mục tiêu độc lập tự do.

Ở miền Bắc, sau những năm dài kháng chiến chống Pháp, tuy được sống trong độc lập, tự do nhưng hầu như không giây phút nào không nghĩ đến đồng bào miền Nam, đến cách mạng miền Nam. Không chỉ hàng ngàn, hàng vạn mà là hàng triệu người con ưu tú của hậu phương lớn đã  lên đường vào Nam chiến đấu. Họ ra đi sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân và cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng miền Nam. Đã biết bao con người mãi mãi nằm xuống trên dải đất Nam bộ thân yêu. Từ Trị Thiên hay Tây nguyên, ven biển miền Trung hay miền Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long và ngay giữa Sài Gòn, đâu đâu cũng ghi dấu máu xương của một thế hệ biết quên mình xả thân cứu nước.

Ở tuyền tuyến lớn, đồng bào miền Nam ngày đêm đối mặt với quân thù, bom đạn, chết chóc vẫn nêu cao tinh thần “một tấc không đi, một ly không rời”, “tiếng hát át tiếng bom” đã thể hiện lòng yêu nước nồng nàn, sự căm thù giặc sâu sắc và niềm tin vô hạn vào Đảng và Bác Hồ vĩ đại, vào anh bộ đội giải phóng, vào đồng bào miền Bắc và nhân dân miền Nam anh dũng thành đồng.

Cùng với nhân dân cả nước sục sôi đánh giặc, sau một thời gian cách mạng bị dìm trong biển máu, trước cao trào Đồng Khởi nổi dậy của nhân dân miền  Nam, ở Thủ Dầu Một, Tỉnh ủy chủ trương phát động quần chúng đấu tranh uy hiếp địch. Tỉnh Thủ Dầu Một là địa bàn ác liệt nhất của chiến trường miền Đông Nam bộ từ trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Sang thời Mỹ - ngụy, hàng ngàn cán bộ, đảng viên và quần chúng yêu nước bị địch bắt bớ, giết hại dã man. Lực lượng Đảng, lực lượng cách mạng của tỉnh có bị tổn thất nặng qua các chiến dịch “tố cộng, diệt cộng” của Mỹ - Diệm, nhưng Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh vẫn giữ vững ý chí đấu tranh, kiên cường chịu đựng vượt qua thử thách, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Trong quá trình lãnh đạo, Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp đã dựa vào quần chúng nhân dân để giữ gìn lực lượng, từng bước khôi phục và lớn lên, duy trì được hệ thống lãnh đạo, chỉ đạo từ tỉnh xuống cơ sở, củng cố xây dựng được lực lượng chính trị…, tạo thế, tạo lực thực hiện đồng khởi giành lại quyền làm chủ ở cơ sở hầu khắp các vùng nông thôn rộng lớn.

Ngày 10-11-1960, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một có cuộc họp mở rộng tại rừng Bàn Rô, xã Thanh Tuyền để tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương đồng thời đề ra khẩu hiệu đấu tranh: Đòi trả con em về gia đình, không bắt thanh niên đi lính, thực hiện hòa bình. Tỉnh ủy chủ trương lấy huyện Bến Cát làm trọng điểm, toàn tỉnh lấy ngày 14-11-1960 làm ngày đấu tranh thống nhất cả tỉnh. Qua 3 đợt thực hiện Đồng Khởi, quân và dân Thủ Dầu Một đã làm chủ được trên 40 ấp thuộc 25 xã và 10 làng công nhân cao su ở Dầu Tiếng. Có làng, xã ta làm chủ hoàn toàn và xây dựng được chính quyền tự quản. Trong những ngày Đồng Khởi, quân dân Thủ Dầu Một đã tiêu diệt hơn 100 tên ác ôn, giải tán nhiều ban tề xã, tề ấp, bức hàng và đánh chiếm nhiều đồn bót, thu trên 300 súng các loại. Suốt thời gian Đồng Khởi, ta huy động hàng chục ngàn lượt đồng bào tham gia đấu tranh trực diện với địch, kêu gọi hàng trăm binh lính bỏ ngũ. Mở rộng Chiến khu Đ, căn cứ Long Nguyên - Bến Cát…

Phong trào Đồng Khởi năm 60 ở Thủ Dầu Một đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng miền Nam cũng như của tỉnh. Thế và lực của cách mạng phát triển nhanh chóng, thời kỳ chuyển sang thế tiến công đã bắt đầu.

Nói sao cho hết những nghĩa tình và ý chí kiên cường của đồng bào hai miền Nam - Bắc. Trong những ngày tháng tư lịch sử này, chúng tôi đã có dịp trò chuyện với ông Nguyễn Văn Hữu (Một Hữu), nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Tỉnh đội trưởng, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ đạo chỉ huy giải phóng TX.Thủ Dầu Một năm 1975. Người cựu chiến binh nay tuổi đã cao, nhưng khi chúng tôi nhắc lại khí thế hào hùng của những ngày oanh liệt cách đây 40 năm, ông bỗng trở nên sôi nổi hẳn. Sinh ra trong một gia đình cách mạng, cha bị địch giết hại năm 1946, mẹ phải đóng cửa bỏ nhà ra đi vì sợ địch truy lùng. Với lòng căm thù giặc sâu sắc, từ những ngày đầu Cách mạng Tháng 8, cả 5 anh em ông đều xung phong vào bộ đội trả thù cho cha, cứu dân cứu nước.

Cho đến bây giờ, trong tâm khảm của người cựu binh này vẫn không sao quên  được những tình cảm, chở che, đùm bọc của các cơ sở cách mạng đã nuôi giấu ông trong những năm kháng chiến đầy gian khổ và ác liệt. Ông nói, để có được ngày 30-4 lịch sử, đất nước thống nhất về một mối, nhân dân Việt Nam đã phải trải qua một cuộc trường chinh hơn 20 năm đầy khốc liệt với sự hy sinh xương máu vô bờ bến của đồng bào hai miền Nam- Bắc. Hai mươi năm một chặng đường cũng rất đỗi vinh quang và hào hùng cho ước vọng cuối cùng đất nước được thống nhất non sông liền một dải, thỏa lòng ước mong mà Bác Hồ khi còn sống hằng mong đợi. Tháng tư, những bài ca cách mạng về một thời hào hùng lại vang lên làm xao xuyến lòng người: “…Vang lên từ miền Nam, vang lên từ miền Bắc. Tiền tuyến thành đồng mà hậu phương mà lũy thép, theo tiếng Người giục bước, tới thắng lợi vẻ vang. Thống nhất non sông mới thỏa tấm lòng. Thống nhất non sông mới thỏa tấm lòng…”.

 Bài 3: Hào khí đất miền Đông

 KIẾN GIANG - CAO SƠN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên