Dấu ấn của Đại tướng Lê Đức Anh trong Cách mạng Tháng Tám

Cập nhật: 26-04-2019 | 05:47:11

Những ngày cuối tháng 4 lịch sử, cả dân tộc đang long trọng kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2019). Đây cũng là dịp để mỗi người con đất Việt tự hào với truyền thống của cả dân tộc. Ở đó có những con người bình dị đã làm nên huyền thoại. Trong đó, phải kể đến Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, người luôn có mặt ở những “điểm nóng” và cầm quân trở về trong chiến thắng. Đặc biệt, Đại tướng có những đóng góp to lớn trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8-1945 ở tỉnh Thủ Dầu Một - Sông Bé - Bình Dương.

 Chủ tịch nước Lê Đức Anh cùng lãnh đạo tỉnh Sông Bé thăm Công ty Thương mại- Xuất nhập khẩu Thanh Lễ năm 1995. Ảnh: XUÂN LỘC

 Theo lời gợi ý của đại tá Trần Trung Nguyên, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, tôi đi tìm những nhân chứng biết về quá trình tham gia cách mạng của Đại tướng Lê Đức Anh ở tỉnh Thủ Dầu Một trước năm 1945.

Lật giở từng trang tư liệu của tỉnh Thủ Dầu Một xưa, sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Lê Đức Anh gắn liền với tỉnh Thủ Dầu Một, từ trước Cách mạng Tháng Tám cho đến thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ. Theo tài liệu ghi lại, tháng 10-1939, thực dân Pháp thực hiện cuộc khủng bố ở Thừa Thiên - Huế, hầu hết các đảng viên huyện Phú Lộc bị bắt. Hệ thống cơ sở bị vỡ, phong trào cách mạng Phú Lộc bị tổn thất nặng nề; số cơ sở còn lại phải rút vào hoạt động bí mật nhằm bảo đảm duy trì hoạt động của Đảng sau này. Đại tướng Lê Đức Anh cũng nằm trong số đó.

Năm 1940, sau khi từ Đà Lạt về Lộc Ninh (thuộc tỉnh Thủ Dầu Một), Đại tướng Lê Đức Anh vào làm phu cao su cho đồn điền CEXO. Công việc chính của đồng chí lúc này là làm ba tê, xúc xích. Từ khi về đây làm việc, công việc không bị quản lý chặt như phu cạo mủ cao su, lại có điều kiện đi lại giữa các đồn điền, đồng chí Lê Đức Anh có điều kiện đến các làng tiếp xúc với phu cao su. Từ đó, đồng chí tận dụng cơ hội để vận động, xây dựng phong trào cách mạng.

Để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo phong trào công nhân và phong trào cách mạng chung toàn tỉnh, đầu năm 1943, tại Làng 1, Đồn điền cao su Dầu Tiếng, Tỉnh ủy lâm thời (gọi là Ban cán sự Đảng) tỉnh Thủ Dầu Một được tái lập do đồng chí Văn Công Khai làm Bí thư, Đại tướng Lê Đức Anh khi ấy được bổ sung vào làm Tỉnh ủy viên. Lúc này, Tỉnh ủy phân chia địa bàn hoạt động ra làm hai vùng phía bắc và phía nam, phân công cán bộ chỉ đạo trực tiếp các vùng. Đại tướng Lê Đức Anh và đồng chí Nguyễn Văn Trung chỉ đạo phong trào Lộc Ninh và toàn bộ vùng phía bắc.

Đầu năm 1944, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một tổ chức hội nghị công tác. Tham gia hội nghị có các đồng chí Nguyễn Văn Thi, Nguyễn Văn Trung và đồng chí Lê Đức Anh. Hội nghị bàn các biện pháp nghị quyết Xứ ủy và tổ chức Hội Cứu quốc trong nông dân, công nhân, thanh niên và phụ nữ.

Trên cơ sở đó, tháng 2-1944, ở Lộc Ninh, đồng chí Lê Đức Anh lập nhóm quần chúng trung kiên trong công nhân, giáo viên, đồng bào dân tộc có khoảng 8 người làm nòng cốt. Đồng thời, một chi bộ Đảng Cộng sản cũng được thành lập ở Lộc Ninh gồm 5 đảng viên (đồng chí Lộc - Bưu điện, Ba Đèn - thợ điện, Hai Lực - thợ nguội và Cứng - lái xe). Đại tướng Lê Đức Anh khi đó là Ủy viên Ban cán sự Đảng tỉnh Thủ Dầu Một, kiêm Bí thư chi bộ và phụ trách vấn đề dân tộc thiểu số. Theo chỉ thị của Tỉnh ủy, Chi bộ Lộc Ninh trước mắt khẩn trương gây dựng phát triển lực lượng, đẩy mạnh tuyên truyền cách mạng trong công nhân và nhân dân vùng Hớn Quản, chuẩn bị đón thời cơ phát động quần chúng công nhân và đồng bào các dân tộc vùng lên khởi nghĩa.

Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính, hất cẳng Pháp, giành quyền cai trị Đông Dương. Ở Thủ Dầu Một, ngay đêm đó, 200 quân Pháp đóng tại thành Săng Đá chống cự yếu ớt và nhanh chóng đầu hàng. Bộ máy cai trị của thực dân Pháp tan rã và được thay thế bằng bộ máy cai trị của phát xít Nhật. Quân Nhật vẫn giữ nguyên tổ chức hành chính cũ của Pháp; đồng thời tăng cường bộ máy đàn áp, siết chặt chính sách cai trị, tăng thêm lực lượng mật thám kìm kẹp quần chúng và phá hoại các tổ chức cách mạng. Đối với nhân dân, chúng thi hành chính sách sưu cao, thuế nặng, ra sức vơ vét, bóc lột phục vụ nhu cầu chiến tranh, đẩy các tầng lớp nhân dân lao động, nhất là nông dân và công nhân vào cuộc sống ngày càng đói khổ, cùng cực, làm cho họ ngày càng căm thù.

Cuối tháng 5-1945, thực hiện chủ trương của Xứ ủy Nam kỳ, phong trào Thanh niên Tiền phong nhanh chóng lan ra các địa phương trong tỉnh. Nhiệm vụ của đội Thanh niên Tiền phong là chuẩn bị sẵn sàng làm lực lượng nòng cốt cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương. Công tác vận động quần chúng trong thời gian này được Tỉnh ủy Thủ Dầu Một chỉ đạo sát sao.

Đầu tháng 8-1945, trước sự phát triển của phong trào quần chúng, bộ máy tề ở nhiều làng của Thủ Dầu Một dần mất tác dụng. Tổ chức Thanh niên Tiền phong ở nhiều làng từng bước thay thế Ban tề làng thực hiện chức năng quản lý trật tự, an ninh xóm ấp và tích cực chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa.

Ngày 13-8-1945, Trung ương Đảng tiến hành hội nghị toàn quốc ở Tân Trào, kịp thời đưa ra chủ trương lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời hiệu triệu đồng bào và chiến sĩ cả nước đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ra mà tự giải phóng cho ta”.

Hòa chung khí thế cùng cả nước, tại tỉnh Thủ Dầu Một khí thế cũng hừng hực. Từ ngày 19 đến 23-8-1945, trên các địa bàn quan trọng vẫn còn đan xen giữa ta và địch. Tuy nhiên, thế của cách mạng ngày càng dâng cao. Quân Nhật thể hiện sự hoang mang cao độ. Tình thế xoay chuyển, tổ chức ngụy quân, ngụy quyền dần tan rã. Tỉnh ủy chỉ đạo cho cán bộ, đảng viên đẩy mạnh công tác binh vận trong cảnh sát và cộng hòa vệ binh. Công tác tuyên truyền giáo dục cổ động toàn dân khởi nghĩa cũng được thực hiện song song với các khẩu hiệu như: “Việt Nam hoàn toàn độc lập”, “Chính phủ cộng hòa dân chủ”, “Chính quyền về tay Việt Minh”… Với sự tích cực vận động, tổ chức và chỉ đạo sâu sát của Đảng, cho đến tháng 8-1945 ở Lộc Ninh, lực lượng quần chúng đã hình thành các hội cứu quốc (Việt Minh), Thanh niên Tiền phong, các đội thanh niên bán vũ trang, đội tự vệ.

Sau khi kết thúc cuộc họp Tỉnh ủy mở rộng (từ ngày 21 đến 23-8-1945), đồng chí Văn Công Khai phân công từng người về triển khai các biện pháp thực hiện. Đồng chí Lê Đức Anh được giao nhiệm vụ phụ trách các quận Hớn Quản, Bù Đốp và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Và sau khi giành chính quyền xong, lúc đó đồng chí Lê Đức Anh tiếp tục tổ chức lực lượng chi viện cho Thủ Dầu Một và Sài Gòn giành chính quyền. Ngày 23-8-1945, tin tức về thắng lợi của cuộc đấu tranh chính trị ở Sài Gòn và thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Tân An nhanh chóng dội đến Thủ Dầu Một, càng thôi thúc các địa phương sục sôi nổi dậy.

Trong Cách mạng Tháng 8-1945, với vai trò là Ủy viên Ban cán sự Đảng tỉnh Thủ Dầu Một, kiêm Bí thư Chi bộ Lộc Ninh, đồng chí Lê Đức Anh đã trực tiếp lãnh đạo công nhân, nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số giành chính quyền trong ngày 23-8-1945. Sáng ngày 24-8-1945, hàng ngàn công nhân các làng, đồn điền cao su Lộc Ninh - Đa Kia cùng nông dân các địa phương nhất tề nổi dậy. Lộc Ninh là một trong những nơi giành chính quyền sớm trong tỉnh. Ngay tối hôm đó, đồng chí Lê Đức Anh tổ chức lực lượng gồm 300 người, trang bị vũ khí vừa thu được và giáo mác, tầm vông… kéo xuống Thủ Dầu Một tham gia tổng khởi nghĩa. Thắng lợi to lớn trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tại tỉnh Thủ Dầu Một gắn liền với vai trò và công lao to lớn của Đại tướng Lê Đức Anh.

THU THẢO (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên