Dấu ấn hợp tác, đầu tư

Cập nhật: 04-08-2017 | 08:43:47

Kỳ 1: Điểm nhấn khu công nghiệp kiểu mẫu

Từ những nền móng đầu tiên được xây dựng bằng niềm tin, mối quan hệ sâu sắc giữa hai Chính phủ Việt Nam và Singapore, sau 20 năm đi vào hoạt động, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (KCN VSIP) tại Bình Dương hôm nay vẫn giữ vững vai trò mô hình KCN kiểu mẫu trong quy hoạch lẫn kêu gọi đầu tư của cả nước. Đến nay, KCN VSIP vẫn là KCN hoạt động hiệu quả nhất trong các quốc gia thuộc ASEAN đầu tư tại Bình Dương.

KCN VSIP - Điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư

ASEAN hiện đã trở thành đối tác thương mại thứ hai của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng bình quân 14,5%/năm trong thập niên qua. Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với ASEAN tăng từ khoảng 19 tỷ USD năm 2006 lên 41,36 tỷ USD năm 2016. ASEAN là thị trường lớn thứ 3 và cũng là đối tác thương mại cung cấp nguồn hàng hóa lớn thứ 3 cho các doanh nghiệp Việt Nam. ASEAN cũng là nguồn đầu tư quan trọng của nước ta với tổng vốn đăng ký khoảng 64 tỷ USD.

Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH TPR Việt Nam (KCN VSIP II-A, TX.Tân Uyên). Ảnh: PHƯƠNG LÊ

Tại Bình Dương, doanh nghiệp của các quốc gia trong ASEAN đã và đang đầu tư nhiều vào tỉnh như Singapore, Thái Lan, Malaysia…; trong đó doanh nghiệp của Singapore là các nhà đầu tư lớn và hiệu quả, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Điển hình, KCN VSIP luôn là điểm hấp dẫn nhà đầu tư từ các quốc gia.

KCN VSIP khởi đầu trên cơ sở tình hữu nghị và hợp tác kinh tế giữa hai nước Việt Nam và Singapore, do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đề xuất tới cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu và ngài Goh Chok Tong, Bộ trưởng Cao cấp, nguyên Thủ tướng nước Cộng hòa Singapore. Sau thỏa thuận giữa lãnh đạo 2 nước và sự phấn đấu, nỗ lực của lãnh đạo tỉnh Sông Bé trước đây, Tập đoàn SembCorp của Singapore và Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC) của Bình Dương đã ký kết hợp tác nhằm thành lập Công ty Liên doanh TNHH KCN VSIP, góp phần tạo bước đột phá và làm nền tảng để hình thành KCN VSIP theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa. KCN VSIP được thành lập từ năm 1996 với quy mô 500 ha, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước được tiếp cận một cơ sở hạ tầng KCN kiểu mẫu, với môi trường sản xuất, kinh doanh ưu việt; đặt nền móng cho làn sóng đầu tư vào Việt Nam sau này.

Chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay, KCN VSIP tiếp tục thu hút nhiều vốn của các nhà đầu tư. Đối với đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư trong 6 tháng đầu năm nay đạt 516,32 tỷ đồng. Tính đến nay các KCN thuộc Ban Quản lý VSIP quản lý có 27 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 4.017 tỷ đồng (chỉ tính các dự án đầu tư có đăng ký tại Ban Quản lý theo Luật Đầu tư năm 2014). Đối với đầu tư nước ngoài, trong 6 tháng đầu năm 2017 các KCN VSIP trên địa bàn tỉnh đã thu hút gần 652 triệu USD vốn, tăng 61,65% so với cùng kỳ năm 2016 và bằng 186,25% kế hoạch năm 2017. Như vậy tính đến nay, các KCN thuộc Ban Quản lý VSIP quản lý có 500 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 7,47 tỷ USD. Theo ông Nguyễn Thành Trung, Phó Trưởng ban Quản lý VSIP cho biết, tình hình hoạt động các KCN VSIP trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay tiếp tục phát triển ổn định. Một số dự án đầu tư đã mở rộng quy mô sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Lương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Esquel Việt Nam (KCN VSIP I, TX.Thuận An) cho biết, từ đầu năm đến nay tình hình xuất khẩu của công ty tốt hơn so với năm 2016; đơn hàng nhiều hơn nên công ty tăng công suất lên 10%; trong khi đó xuất khẩu tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016. Ông Lương tự tin cho hay, từ nay đến hết năm 2017 số lượng đơn hàng của công ty sẽ tăng 10 - 15% so với cùng kỳ năm 2016.

Sức lan tỏa của VSIP

Ông Nguyễn Văn Hùng, đồng Chủ tịch Hội đồng quản trị VSIP Group, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Becamex IDC cho biết, được lựa chọn bởi nhiều tập đoàn đa quốc gia sau khi đi vào hoạt động, KCN VSIP đã giới thiệu thành công một Việt Nam kiên định đổi mới với chính sách mở cửa, dư địa thị trường dồi dào, lực lượng lao động trẻ và tinh thần cầu thị cao. VSIP đã kích hoạt các thành phần kinh tế của Bình Dương tham gia đầu tư, đưa công nghiệp đến các vùng nông thôn còn nhiều khó khăn ở phía bắc của tỉnh. Điểm sáng trong số này là các KCN Mỹ Phước, Bàu Bàng, đặc biệt là Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ và đô thị; cùng với đó tạo sự kết nối các khu kinh tế, kết nối các vùng miền bằng đại lộ Bình Dương và đường Mỹ Phước - Tân Vạn, góp phần đưa Bình Dương từ một tỉnh thuần nông 20 năm trước trở thành tỉnh có nền công nghiệp mạnh của cả nước.

Từ những nền móng đầu tiên được xây dựng bằng niềm tin, mối quan hệ sâu sắc giữa hai Chính phủ Việt Nam và Singapore, sau 20 năm đi vào hoạt động, VSIP hôm nay vẫn giữ vững vai trò mô hình KCN kiểu mẫu trong quy hoạch lẫn kêu gọi đầu tư của cả nước. Tính đến nay, VSIP đã phát triển được 6 dự án tại các tỉnh, thành gồm Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ngãi và Nghệ An, đồng thời đã tiếp thu và phát huy hiệu quả tiềm năng kinh tế của các địa phương này. Từ những dự án này, các KCN VSIP trên cả nước đã thu hút gần 600 nhà đầu tư đến từ 30 quốc gia với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 9 tỷ USD, giải quyết việc làm cho hơn 174.000 lao động. Kết quả này là minh chứng cho sự lan tỏa, sức ảnh hưởng của VSIP, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội và sự thành công trong công cuộc hội nhập và phát triển của Việt Nam nói chung, tỉnh Bình Dương nói riêng.

“Để tiếp tục giữ vững vai trò mô hình KCN kiểu mẫu trong quy hoạch lẫn kêu gọi đầu tư của cả nước, trong thời gian tới chúng tôi vẫn quyết tâm tìm hiểu và đáp ứng tốt nhất nhu cầu của doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ chú trọng xây dựng mô hình chuỗi cung ứng mới, trong đó phát triển chuỗi công nghiệp phụ trợ, cải thiện quy trình kho vận và tạo điều kiện trao đổi hàng hóa nguyên liệu để các doanh nghiệp tận hưởng tối đa các tiện ích từ KCN VSIP. Chúng tôi sẽ phát huy tinh thần năng động, sáng tạo và cầu thị, điều đã giúp VSIP trở thành điển hình cho tư duy chiến lược và tầm nhìn xa với dấu ấn riêng tại Việt Nam”, ông Hùng cho biết.

ASEAN là một liên minh chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Tổ chức này được thành lập ngày 8- 8-1967 với các thành viên đầu tiên là Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines. Ngày 28-7-1995, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 28 tại Brunei, Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN và trở thành thành viên thứ 7 của tổ chức này. Kể từ đó đến nay, Việt Nam đã nhanh chóng hội nhập, tham gia sâu rộng vào tất cả lĩnh vực hợp tác của ASEAN và có những đóng góp tích cực trong việc duy trì đoàn kết nội khối, tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên cũng như giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài, góp phần không nhỏ vào sự phát triển và thành công của ASEAN ngày hôm nay. ASEAN đến nay có 10 nước, gồm Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia, Brunei, Indonesia, Myanmar, Malaysia, Philippines và Singapore.

Kỳ 2: Nơi thu hút nhiều dự án từ ASEAN

PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết
Tags
ASEAN

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên